Tuy nhiên, để tìm ra một ứng viên làm chủ tịch VFF thay ông Dũng lúc này không phải nhiệm vụ đơn giản, bởi có người hội tụ đầy đủ điều kiện lại không muốn làm vì quá bận rộn và không hứng thú với chiếc ghế nóng nhất VFF, còn người được cho là muốn làm chủ tịch thì lại thiếu mất một số tiêu chuẩn cần thiết.
Đem hỏi một số ông chủ đội bóng tham dự V-League 2016 về việc họ muốn tân chủ tịch VFF sẽ là người như thế nào thì chúng tôi đều nhận được cùng một câu trả lời rằng chủ tịch VFF nên là một nhân sự có đủ tâm, tầm, và quan trọng nhất là một lòng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Có ông chủ còn nói thẳng rằng, họ bỏ tiền bóng đá đơn thuần chỉ vì đam mê chứ không mưu cầu tiền bạc hay danh vọng từ bóng đá, nên họ muốn người đứng đầu ngôi nhà VFF cũng phải sở hữu phẩm chất như vậy, có thế thì họ mới yên tâm đầu tư cho bóng đá và thậm chí sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho VFF nếu cần.
Có lẽ đây không chỉ là nguyện vọng của những người đang hoạt động trong đời sống bóng đá, mà tất cả dư luận quan tâm đến bóng đá đều có mong muốn như vậy, bởi bóng đá Việt Nam chỉ có thể phát triển vững bền nếu như được đặt dưới quyền của một vị thủ lĩnh vừa có tài, vừa có tâm, đồng thời lại có cả khả năng huy động nguồn lực xã hội, điều mà chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ qua trường hợp của ông bầu Trần Anh Tú với chiến tích đưa futsal Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại World Cup 2016.