Nỗi lo thắt lòng trên những cánh đồng mía ở ĐBSCL

TPO - Đến thời điểm thu hoạch nhưng hàng nghìn héc ta mía của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa bán được. Trong khi tình hình tiêu thụ của các nhà máy đường vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn, lượng đường tồn kho ở mức kỷ lục do sản xuất ra không có nơi tiêu thụ.

Bà Bùi Thị Mận ở ấp Nước Mặn 1, xã Long Phú (Long Phú, Sóc Trăng) có 0,5 ha mía đã quá vụ nhưng vẫn chưa có thương lái đến mua.

“Hàng năm trước tết, chúng tôi đã bán xong để trồng lại vụ mới. Nhưng năm nay, cho tới lúc này, vẫn chưa có thương lái đến hỏi mua mía”, bà Mận buồn bã nói.

Năm rồi gia đình bà Mận thu hoạch được trên 80 tấn mía, bán với giá 800 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi được vài chục triệu đồng. "Còn năm nay, năng suất cũng ngần ấy nhưng giờ đỏ mắt chờ thương lái đến mua", bà Mận cho biết.

Nông dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thu hoạch mía

Nếu tại Sóc Trăng, mía đang vào vụ thu hoạch, thì ở tỉnh Hậu Giang, nơi có sản lượng và diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL, nhiều cánh đồng mía mới trồng được 2 tháng. Tuy nhiên, nỗi lo đã đến sớm với người trồng mía.

"Mía trồng được 2 tháng, đang xanh mướt nhưng tôi lo lắm vì không biết năm nay giá cả ra sao. Là vùng đất thấp nên đến tháng 9 – 10 âm lịch là ngập hết. Đó cũng là thời điểm thu hoạch mía. Ngoài mía ra, dân ở đây không biết trồng cây gì khác”, ông Đoàn Thanh Liêm ở xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp) cho biết.

Niên vụ mía 2017 - 2018, Sóc Trăng trồng được 8.719ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú và Long Phú. Đến nay đã thu hoạch được 2.124ha, riêng huyện Cù Lao Dung vẫn còn hơn 5.000ha chưa thu hoạch. Giá mía các nhà máy mía đường thu mua với giá từ 900 - 910 đồng/kg đối với mía có từ 10 chữ đường trở lên; còn thương thu mua tại ruộng chỉ có giá dao động từ 500 - 600 đồng/kg. 

Ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện Cù Lao Dung, Long Phú và Mỹ Tú đã làm việc với các công ty mía đường để bàn giải pháp tiêu thụ mía năm 2018.

Đồng thời, các địa phương đã đề xuất một số giải pháp đảm bảo giúp cho người dân có lợi nhuận như: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất mía; thay đổi giống mía có chất lượng cao; các nhà máy cần tuân thủ theo hợp đồng thu mua…

Ruộng mía ven đường ở Sóc Trăng

Người dân đang thu hoạch mía

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Cần thơ (CASUCO) kiêm Phó chủ tịch Hiệp Hội mía đường Việt Nam cho biết, hiện nay công ty đang tồn đọng 30.000 tấn đường không tiêu thụ được. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất cao, đường nhập lậu khó kiểm soát được. Ngoài ra thì các đơn vị và thương nhân kinh doanh đường tạm ngừng mua hàng vì tâm lý chờ đầu năm 2018, Việt Nam chính thức thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), khi đó hạn ngạch sẽ được xóa bỏ cho đường các nước tràn vào, đặc biệt là đường Thái Lan với mức thuế suất chỉ 5%. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, đang chờ nhà máy đường CASUCO có thư ngỏ, sau đó ngành nông nghiệp phát động công nhân viên ủng hộ trên tinh thần tự giác. “Ở đây không phải lo cho nhà máy mà cần phải cảnh tỉnh xung quanh trong hội nhập, nếu không tái cơ cấu mạnh mẽ ngành đường thì gặp khó, bài toán này càng tiếp diễn sẽ vô cùng khó khăn”, ông Đồng nói.