Nơi hội tụ của những người tài hoa

TP - “Khéo tay hay nghề đất lề kẻ Chợ” là cái lý để ban tổ chức dựng năm phố nghề trong công viên Bách thảo những ngày này.
Phố Hàng Mã tại công viên Bách Thảo
Phố Hàng Mã tại công viên Bách Thảo . Ảnh: Phạm Yên

Ngay cổng chính vào phía đường Hoàng Hoa Thám, đi qua đôi rồng thời Lý kỷ lục dài 15,6 mét, có thể thăm thú ngay mấy làng nghề nổi tiếng Kiêu Kỵ, Phú Vinh. Gian Kiêu Kỵ rộn rã tiếng búa đập quỳ, để cán mỏng lá bạc. Lá bạc cán xong mỏng tang tưởng như chạm vào là tan.

Làng lụa Vạn Phúc cũng được phép dựng rạp trưng bày sản phẩm, có khung cửi, guồng xe tơ nhưng không dệt lụa. Người xem có thể vừa hỏi han, vừa cầm lên đặt xuống món đồ, trả giá.

Bù lại, ai có lòng hướng về truyền thống, lại được dịp thăm và hỏi han nghệ nhân ở từng làng nghề. Tình cờ gặp nhà thơ Vũ Quần Phương ở gian trưng bày Kiêu Kỵ, ông vừa xem trình diễn nghề vừa tâm sự: “Làng nghề, phố nghề là cái độc đáo còn lại của nước ta. Hiện nay để phục vụ đời sống hiện đại, người ta phải dùng phương tiện hiện đại, nhưng các làng nghề thủ công như cuốn nhật ký, hồi ký để hình dung lại quá trình phát triển đất nước.

Ngay các nước hiện đại như Mỹ, Pháp người ta cũng dựng lại các nghề truyền thống. Các làng nghề ngay cả khi nó không còn phục vụ đời sống cụ thể, nó vẫn còn có lý do tồn tại như một ký ức mà chúng ta phải gìn giữ”.

Phố nghề Hà Nội dù không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn là nơi tụ hội người tài. Phố Lò Rèn toàn người làng Xuân Phương, thợ tiện ở Nhị Khê (Thường Tín) lên, Hàng Bạc quy tụ thợ kim hoàn từ Định Công, đúc đồng thì Ngũ Xã. Dù không cảm nhận được chất Thăng Long đậm đặc, nhưng nhiều người thừa nhận: Thăng Long là đất hội tụ, các nghề đổ về đất này đều được nâng tầm và tỏa sáng.

Chính thế ở các gian hàng, vẫn thấy nghệ nhân phần lớn đến từ các làng nghề nổi tiếng đất Hà Tây cũ: Làng Chuông làm nón, Chàng Sơn làm quạt, Bình Minh làm đèn ông sao, kéo quân, pháo bông và làng tò he Xuân La (Phú Xuyên). Giờ các làng nghề được tính vào Hà Nội. Gian hàng nào cũng có người cao tuổi kèm người trẻ, trình diễn nghề.

Tay đan quạt thoăn thoắt, bà Sâm ở Chàng Sơn kể về thâm niên hơn 50 năm làm quạt: “Nghề này không mất được đâu, quạt điện lắm lúc không ăn thua. Cứ thử mất điện một tiếng mà xem”. Hay như bà Dịu khâu nón làng Chuông, 78 tuổi chưa bỏ nghề. 15 phút đứng xem nón đủ cho người xem hình dung nghề làm nón: Làm cạp, vòng, tước lá, khâu. Người thạo nghề, mỗi ngày cũng được dăm bảy chiếc.