Những ngày vừa qua, người dân thôn Vĩnh Mới, xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vẫn chưa hết ngao ngán và xót xa cho hoàn cảnh bi đát của gia đình ông Hồ Thế Quốc và bà Nguyễn Thị Thanh. Nhà nghèo, đông con, cuối đời chưa kịp thụ hưởng sự an nhàn đã phải chống chọi với bệnh tật, đối mặt với thần chết từng giây, từng phút.
Nào đã yên thân khi đứa con áp út Hồ Thế Phượng (SN 1991) đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Học hành dang dở, lang thang đây đó chán lại về ăn bám bố mẹ già, song với bản tính ham chơi, nhác làm, chỉ vì đua đòi với chúng bạn mà Phượng đã ngược đãi đấng sinh thành, trở thành tội đồ và vướng vòng lao lý trong nỗi đau tột cùng của người thân.
Căm phẫn nghịch tử ngược đãi cha già bệnh tật
Ông Hồ Thế Quốc và bà Nguyễn Thị Thanh là hai người xuất thân từ thôn quê, kết hôn hơn 30 năm nay và có với nhau 5 người con, Hồ Thế Phượng là con thứ 4. Mặc dù được cha mẹ tạo điều kiện hết mức song Phượng chỉ học hết lớp 7 rồi ở nhà lêu lổng. Sau đó, theo chân bạn bè, Phượng rời quê nhà vào TP Vũng Tàu kiếm sống.
Trong thời gian tha phương cầu thực, Hồ Thế Phượng đã quen với chị Lê Trần Phương V. (SN 1990) và hai người nên duyên vợ chồng cách đây gần 5 năm về trước. Yên bề gia thất, hai vợ chồng Phượng vẫn mưu sinh xa xứ, thuê nhà tại TP Vũng Tàu để làm công nhân và có với nhau hai mặt con. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do cuộc sống khó khăn, công việc thất thường, thêm vào đó cuộc sống vợ chồng lục đục nên Phượng về quê làm nghề phụ hồ, đóng cốt pha kiếm sống qua ngày.
Tại quê nhà, gia đình Phượng sống chung với bố mẹ, dù đôi lúc có xảy ra xích mích chuyện mẹ chồng nàng dâu song mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cho đến khi Phượng sa đà vào rượu chè, chểnh mảng công việc và lơ là chuyện gia đình thì ông Quốc bắt đầu la rầy, chửi mắng. Cũng bởi vậy mà Phượng bắt đầu quay ra ghét bỏ bố đẻ, mỗi lần đi uống về là hai bố con lại xảy ra cãi vã.
Tháng 5/2014, ông Quốc phát hiện mình bị ung thư trực tràng. Cũng từ ngày ấy, những đồ đạc, của cải ít ỏi trong nhà lần lượt “ra đi”. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn nay lại càng túng bấn hơn. Dẫu vậy, mặc cho cha đau ốm nhưng Phượng vẫn thường xuyên dẫn bạn về nhà tụ tập uống rượu, phá phách. Đỉnh điểm là ngày 15/12/2014, Phượng rủ thêm 3 người bạn là Lê Văn Tường, Trần Ngọc Hoàng và Nguyễn Hữu Long về nhà uống rượu, sau đó có thêm anh Lê Văn Tài ở xã Phù Việt cũng chén chú chén anh.
Tàn cuộc nhậu, do uống say nên anh Tài ngủ lại nhà ông Quốc. Khi anh này tỉnh rượu thì không có xe để về nên Phượng lấy xe máy của cha để chở bạn về. Do thấy cả Phượng và Tài đều đang say nên ông Quốc cương quyết không cho.
Phượng bức xúc đi xuống gian bếp lấy một chiếc gậy gỗ dài 60cm với ý định đánh ông Quốc nhưng chưa kịp hành động thì bị giật lấy vứt đi. Phượng lại vào năn nỉ ông Quốc cho mượn xe máy nhưng không được nên hét to: “Không cho tui mượn tui phá xe khỏi ai đi”. Nói rồi, Phượng vào bếp lấy 1 chiếc gậy tre dài gần 1m đi thẳng ra chỗ ông Quốc đang nằm rồi đánh liên tục vào đầu, tay và mặt ông Quốc, vừa đánh vừa nói: “Tui đánh cho ông chết”.
Ông Quốc kêu cứu thì bà Thanh nghe thấy, chạy lên can ngăn và giật được chiếc gậy. Bị bà Thanh lấy mất gậy, Phượng liền cúi xuống gầm giường rút ra một chiếc xà beng và một chiếc thuổng bằng kim loại đi ra chỗ chiếc xe máy, dùng thuổng đập phá đầu xe và dùng chân đạp xe đổ giữa sàn nhà, sau đó mở nắp bình xăng và dùng bật lửa đốt xe.
Nỗi đau ở lại
Một ngày cuối tháng 3/2015, TAND huyện Thạch Hà mở phiên xét xử và tuyên án 30 tháng tù giam đối với Hồ Thế Phượng về tội danh “Huỷ hoại tài sản”, Phượng tỏ ra hối hận, òa khóc như một đứa trẻ. Mẹ và chị gái của Phượng cũng bật khóc trong lần gặp gỡ đầy “cay đắng” này.
Suốt phiên tòa, Phượng luôn cúi mặt, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn cha mẹ với đôi mắt đỏ hoe. Trước tòa, bị cáo Hồ Thế Phượng lí nhí phân bua, chỉ vì cuộc sống quá khó khăn, túng bấn và vì men rượu nên y đã không làm chủ được bản thân chứ thực tình, rất thương và yêu cha. Tuy nhiên, những lời dối trá ấy vừa cất lên đã khiến hàng trăm người dự khán ồ lên mai mỉa. Sau tình tiết ấy, Phượng cúi gằm mặt, không dám nói thêm lời nào, nước mắt chảy suốt phiên xét xử.
Ông Hồ Thế Quốc xót xa cho biết, chuyện xảy ra là bất khả kháng, làm cha làm mẹ chẳng ai muốn con mình vướng lao lý, dù đó là lý do gì đi chăng nữa. Quốc vào tù, ông cũng chẳng sống thêm được bao lâu nữa, căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã di căn, tiền cũng chẳng có để di xạ trị nữa.
“Đằng nào tui cũng chết, nên còn bao nhiêu tiền lo gom góp để trả nợ và dành thăm nuôi thằng Phượng, để nó sớm trở về với gia đình mà chăm lo vợ con và nuôi mẹ già. Con dại cái mang, điều tui xót xa nhất là mai mốt tui chết đi, thằng Phượng chẳng thể về kịp mà chịu tang cho cha”, ông Quốc nghẹn nào.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm, bình thường Phượng rất hiền lành, nhưng thời gian gần đây hễ rượu vào là lại gây sự, đã không ít lần đuổi đánh cha mẹ khiến hàng xóm phải chạy đến can ngăn. “Từ khi xảy ra cơ sự, vợ nó cũng bỏ quê đi đâu mất. Chỉ thương hai đứa trẻ, vì chuyện của người lớn mà thành ra thiếu thốn, khổ sở”, bà Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Tiến lắc đầu ngao ngán khi nói về trường hợp đáng thương của gia cảnh ông Hồ Thế Quốc. Theo ông Hoàn, mặc dù nhà nghèo, đông con cái nhưng hai vợ chồng ông Quốc, bà Thanh ăn ở rất hiền lành, đức độ, được mọi người kính nể. Gần đây, ông Quốc bị ung thư nên sự quan tâm càng đặc biệt hơn, song kể từ khi Hồ Thế Phượng dắt díu vợ con về thì mọi thứ đảo lộn.
“Nghịch tử” Hồ Thế Phượng trước vành móng ngựa.
Về cá nhân của Phượng, ông Hoàn cho biết cũng đã có đôi ba lần Phượng uống rượu vô rồi quậy phá nhưng chưa đến mức xử lý mà chính quyền mới chỉ nhắc nhở. “Tuy nhiên, việc Phượng nhiều lần hành hung bố đẻ là có thật, đặc biệt là khi ông Quốc bị bệnh. Từ sau khi đánh cha, đốt xe và bị bắt tạm giam, nhiều người đã rất đồng tình với việc cách ly “nghịch tử” này khỏi gia đình và xã hội”, ông Chủ tịch xã Thạch Tiến cho biết thêm.
Rồi đây, những ngày ngồi ”bóc lịch” trong trại giam, Hồ Thế Phượng hẳn sẽ có thời gian để ăn năn, hối lỗi về những việc làm của mình. Những giọt nước mắt, những lời xin lỗi giờ đây đã muộn màng. Đau đớn hơn cả là việc thời gian sẽ không đợi được ngày “nghịch tử” này trở về để chịu tang cha, bởi sự sống của ông Quốc đang được đong đếm bằng ngày, bằng tháng. Chỉ vì một phút thiếu kiềm chế mà Phượng đã rơi vào vòng lao lý, gia đình phải gánh chịu nỗi đau. Bi kịch ấy, dù biết nhưng vẫn xảy ra, và chắc hẳn không riêng gì ở gia đình ông Quốc, bà Thanh mà đâu đó trong xã hội, nỗi đau vẫn dai dẳng.