Seoul ước tính khoản nợ nước ngoài mà Bình Nhưỡng phải gánh đến nay đã lên tới 20 tỷ USD, chủ yếu là vay mượn từ Liên bang Xô Viết cũ và các nước đồng minh Đông Âu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Kể từ thời điểm nền kinh tế lao dốc vào những năm 1990, Triều Tiên đã vấp phải hàng loạt khó khăn trong thanh toán nợ nần, bao gồm cả nợ gốc lẫn lãi đối với hầu hết các quốc gia chủ nợ.
Nước này cũng đã vay khoản tiền khổng lồ từ các ngân hàng châu Âu nhưng không thể trả hết nợ, và một số tổ chức tín dụng đã buộc vào đặt Triều Tiên vào danh sách đen, thậm chí từ chối nhận cả các khoản tiền gửi tiết kiệm.
Từ những năm 2000, Bình Nhưỡng đã từng tổ chức các cuộc đàm phán với các chủ nợ để được trả góp trong khoảng thời gian 30 năm.
Tờ báo Hàn Quốc cũng dẫn thông tin từ Finanical Times cho biết, do tình hình kinh tế đang ngày một xấu hơn, quốc gia láng giềng phía bắc đã đề nghị Hungary xóa tới 90% khoản dư nợ vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, Hungary chỉ đồng ý xóa một phần.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đề nghị Cộng hòa Séc xóa 95% trong khoản nợ 10 triệu USD và thanh toán 500.000 USD còn lại bằng nhân sâm.
Nga cũng được cho là đồng ý xóa khoảng 8 tỷ USD nợ cho Triều Tiên nhằm giữ quan hệ song phương và đổi lại Nga sẽ tham gia hợp tác trong lĩnh vực khai thác khoáng sản - thế mạnh của Triều Tiên.
Trong khi đó, nước này cũng đang đàm phán với Iran để trả khoản nợ hàng trăm triệu USD tiền chi mua các tàu ngầm cỡ nhỏ.
Trước đó, ngày 1-/1, cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc vừa công bố số liệu tổng thu nhập quốc nội (GDP) Triều Tiên với con số khiêm tốn chỉ 21 tỷ USD so GDP Hàn Quốc trên 900 tỷ USD.
Nếu tính theo chỉ số tổng thu nhập quốc dân thì GNI ước tính của Triều Tiên năm 2010 chỉ đạt 26 tỷ USD so với 1.100 tỷ USD của Hàn Quốc.
Cơ quan này đồng thời cũng cho biết, nền kinh tế Triều Tiên đã suy giảm liên tiếp trong vòng 2 năm kể từ 2009 và suy thoái 0,5% trong năm 2010.