Những vụ ‘động trời’ ở Bệnh viện tâm thần Trung ương I

TPO - Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc 'động trời' xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, như mua bán bệnh án tâm thần; bệnh nhân “mở tiệc” ma túy trong viện, hay trốn ra ngoài làm “ông trùm” bảo kê bến bãi và hoạt động tín dụng đen. Trong một số vụ án đã được khám phá, CQĐT xác định có sự tiếp tay của cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện này.

Đối tượng Tiến (ảnh lớn) cùng đồng phạm. Ảnh: Công an Hà Nội.

“Ông trùm” tín dụng đen

Tháng 12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Kiều Văn Tiến (SN 1995, trú tại Long Biên, Hà Nội, có 2 tiền án, tiền sự) và Bùi Tiến Đạt (SN 1998, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Theo tài liệu điều tra, tháng 5/2021, Tiến trốn khỏi Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và nhờ Đạt thuê căn hộ chung cư Ecohome (Long Biên, Hà Nội) để hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi từ 5 - 8 nghìn đồng/1 triệu/ ngày (tương đương 182,5 - 292%/năm).

Tiến thuê Đạt cùng 2 đối tượng khác hằng ngày thẩm định, làm thủ tục cho khách vay và thu tiền với mức lương 5-10 triệu đồng/ tháng.

Khám xét nơi ở, nơi làm việc của Tiến và Đạt, cơ quan công an thu giữ 1 thanh đao, 3 giấy biên nhận tiền, 3 gói ma túy cùng nhiều tang vật liên quan.

Đối tượng Dũng "ốt".

Trốn viện lập ổ nhóm bảo kê, đánh bạc

Năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội khởi tố đối tượng Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng “ốt”, SN 1982, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng một số đối tượng về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc”.

Đáng chú ý, năm 2011, Dũng “ốt” bị khởi tố do liên quan đến vụ án giết người và phải đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Quá trình điều trị, Dũng bỏ trốn ra ngoài và chỉ đạo 30 đàn em đi tranh giành địa bàn lấn chiếm hàng nghìn mét vuông ở Tây Hồ và Bắc Từ Liêm dựng nhà tôn, thu tiền bảo kê bãi xe, vật liệu xây dựng và tổ chức đánh bạc.

Để điều hành đàn em, Dũng “ốt” giao cho Ngô Quang Trung (tức Trung “cổ cánh”, SN 1980, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) 1 tỷ đồng để hoạt động tín dụng đen dưới hình thức "bốc bát họ" 10 ăn 8 và vay lãi ngày với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

CQĐT thu giữ hàng chục dao, kiếm, vũ khí thô sơ các loại và hàng trăm tài liệu giấy tờ, sổ sách liên quan đến việc cho vay lãi nặng, bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng; phong tỏa hàng trăm triệu đồng trong tài khoản của nhóm đối tượng.

Đối tượng Quý (ảnh nhỏ).

“Mở tiệc” ma túy trong bệnh viện

Tháng 4/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại TT Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội), bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cùng nhiều đồng phạm về các tội “Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo CQĐT, Quý có tiền sử bệnh tâm thần, điều trị từ tháng 11/2018. Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ, nhân viên trong bệnh viện và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu.

Tại phòng điều trị, Quý cải tạo thành phòng cách âm, lắp loa, đèn laze để sử dụng trái phép chất ma túy. Tiếp đó, Quý cùng đàn em, mời bạn bè, thậm chí cả gái dịch vụ đến để “bay lắc”, trong đó có cả nhân viên bệnh viện. Khám xét phòng Quý, cơ quan công an thu giữ 6kg ma túy đá.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT đã khởi tố nhiều cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền và hai nhân viên y tá, hộ lý.

Bán bệnh án tâm thần giả

Trước đó, năm 2018, Lê Thanh Tùng (SN 1986, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) gây ra vụ án “Cố ý gây thương tích” tại một quán bar ở Hoàn Kiếm (Hà Nội). Quá trình điều tra, Tùng xuất trình bệnh án tâm thần do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cấp năm 2017. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định đây là bệnh án tâm thần giả.

Tùng khai nhận, thông qua một người phụ nữ giới thiệu gặp Nguyễn Tuấn Sơn - kĩ thuật viên, trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để làm giả bệnh án tâm thần giá 85 triệu đồng. Sau đó, Sơn đã "nhờ" bác sĩ Thân Thái Phong - Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi làm giả bệnh án cho Tùng.

Mở rộng, cơ quan công an phối hợp với Bệnh viện tâm thần Trung ương I rà soát trong số 94 hồ sơ của bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện, có 78 hồ sơ được làm giả (41 hồ sơ của các đối tượng giang hồ).

Theo Công an thành phố Hà Nội, hành vi của các bác sỹ không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để người phạm tội dùng bệnh án giả để trốn tránh việc xử lý của pháp luật.

Trước các vụ việc, Bộ Công an đã chỉ đạo cần xử lý nghiêm những người làm trong cơ quan y tế tiếp tay cho việc làm giả bệnh án tâm thần. Ðồng thời, cơ quan công an sẽ phối hợp cơ quan y tế rà soát lại các quy định, quy trình giám định chuyên môn để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Tháng 4/2019, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử và tuyên phạt bị cáo Phong 10 năm tù về tội nhận hối lộ, bị cáo Sơn nhận 30 tháng tù về tội môi giới hối lộ còn Tùng nhận 30 tháng tù về tội đưa hối lộ.