Những phận đời gồng gánh, làm thuê

TP - Ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày qua tại các chợ đầu mối, khu lao động cho thấy tình cảnh khốn khó của không ít người vốn lấy sức trời cho làm công cụ kiếm sống. 
Đôi chân của anh Trung không còn là trụ cột gia đình. Căn phòng tuềnh toàng, chật chội là nơi ở của 4 người

Cả nhà thất nghiệp

Những ngày giãn cách xã hội thực sự là cơn ác mộng đối với các lao động tự do. Áp lực “cơm áo, gạo tiền” đè nặng khiến họ không chợp được mắt trong từng giấc ngủ.

Vớ lấy chiếc áo nâu cà tàng vắt trên vai trái, chị Lê Thị Hà (45 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ra chợ Long Biên bốc hàng. Không như mọi ngày, mỗi buổi sáng cũng được 2, 3 công, đủ tiền ăn cho gia đình. Chị ngồi lê từ sáng đến trưa, hết góc này đến góc khác, không một chủ hàng nào gọi thuê. Mệt mỏi, chán chường, chị lủi thủi trở về nhà trọ.

 Mấy tháng nay, cả gia đình chị Hà bị thất nghiệp

Đó là những ngày làm việc vào cuối tháng 3, khi những xe chở hàng về khu chợ ít dần. Ngày 1/4, khi có lệnh giãn cách toàn xã hội, chợ Long Biên thông báo ngừng hoạt động. Hàng nghìn lao động tự do bám chợ mưu sinh bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trong phòng trọ lụp xụp khoảng 10m2 cạnh sông Hồng, những ngày này, chị Hà ngồi nhấp nhổm không yên vì “mở nắp thùng gạo đã trông thấy đáy”. Hàng loạt gia đình, cặp vợ chồng như chị Hà ở cùng khu đã dắt díu nhau từ Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa...lên Hà Nội mưu sinh nhiều năm nay và hiện đều mắc kẹt tại đây.

Hơn 15 năm, kể từ ngày chị cùng với chồng, anh Hồ Sỹ Trung (55 tuổi) bỏ 4 sào ruộng ở quê ra Hà Nội, đây là lần đói kém nhất mà chị Hà trải qua.

Cách đây 5 năm, khi anh Trung còn khỏe mạnh, gia đình chị đỡ vất vả hơn. Trong một lần đi xe máy về quê, anh bị một ô tô tải tông phải. May mắn anh thoát chết, nhưng đôi chân phải đóng 9 chiếc đinh hóa học vào xương. Mỗi khi trời trở gió, chân anh đau buốt.

Chị Hà trở thành trụ cột của gia đình, nuôi chồng và 3 đứa con nhỏ. Đứa con trai lớn tên Toàn vì không có tiền đi học, đến lớp 10 thì nghỉ, theo bố mẹ ra Hà Nội làm thuê. Theo giới thiệu của một bà cô, Toàn đi bán hàng tại chợ Đồng Xuân với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

“Nó còn muốn đi học, nhưng một mình chị không nuôi nổi. Đợt này nó cũng thất nghiệp. Ngày nghỉ việc, chủ quán cho 200 nghìn đồng rồi bảo bao giờ cần sẽ gọi. Hôm trước, chị ra xin ông chủ bảo hỗ trợ tiền cho cháu về quê. Ông bảo chưa biết sẽ còn thuê nữa hay không mà đòi. Hai mẹ con lại lủi thủi quay về”, chị Hà nghẹn nói.

Từ hôm giãn cách xã hội, thu nhập của gia đình chị Hà cũng “bay” mất gần 10 triệu đồng. Trong khi, chi phí sinh hoạt hàng tháng đều tăng. Riêng thằng út 3 tuổi, đang học bán trú mầm non mất 1,5 triệu đồng. Chưa kể, tiền thuốc thang cho anh. Mỗi tháng, chi phí cho hai người đã mất gần 3 triệu đồng.

Giữa cả căn phòng chật chội không có gì ngoài chiếc giường và mớ xoong nồi nằm chỏng chơ trong phòng. Thất nghiệp khiến không khí cả gia đình luôn trong cảnh ảm đạm. Chị Hà tính, đưa 2 đứa về với em trai học lớp 7 ở quê nhưng giờ cách ly cũng không về được. Đận này, 2 đứa thiếu ăn gầy gò, xanh xao, chị nhìn mà không khỏi xót.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, tổ trưởng tổ dân phố thông báo, có nhà từ thiện hỗ trợ gạo cho khu trọ, mỗi hộ 2 kg gạo, 1 chai dầu ăn và 1 hộp trứng. Cả gia đình mừng rớt nước mắt.

Nghe phóng viên bảo, sắp tới những lao động tự do như chị sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ gói an sinh xã hội, chị mừng ra mặt. Chị bảo nếu có tiền sẽ mua ngay thịt cho 2 đứa con ăn. Quay sang nhìn cậu con trai lớn, chị băn khoăn: Không biết như thằng Toàn có được nhận không?

Ðủ nỗi lo

Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi, Hưng Yên) cũng rơi vào cảnh tương tự. Với những lao động tự do, những ngày giãn cách xã hội thực sự là cơn ác mộng. Áp lực “cơm áo, gạo tiền” mỗi ngày đè nặng khiến họ không chợp được mắt trong từng giấc ngủ.

 Trong những ngày thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh và Phương chỉ biết ngồi mong chờ ngày hết dịch

Hơn 30 năm nay, kể từ lúc chồng mất, bà Thanh một mình bươn chải nuôi 2 đứa con trưởng thành. Gần nửa đời người mưu sinh ở chợ Long Biên, bà Thanh hiểu rõ cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nghiệt ngã thế nào.

Hồi còn trẻ, bà có thể gánh được cả chục chuyến hàng đi mấy cây số liền mỗi ngày. Nhưng bước qua tuổi ngũ tuần, đôi vai bắt đầu nhức mỏi. Những đợt đau thần kinh tọa khiến bà mất ngủ cả đêm. Từ đó, bà không dám gánh nữa, chỉ ra chợ rửa bát thuê.

Ngày 2 đứa con lập gia đình, bà như trút được một phần gánh nặng. Căn nhà cấp 4 trị giá gần 200 triệu đồng cả đời tích cóp xây được, bà nhường lại cho đứa con trai bị cụt mất một cánh tay ở quê.

Năm 2010, bà Thanh tiếp tục lên thủ đô mưu sinh, tự lo cuộc sống của riêng mình. Lần này bà dắt thêm đứa cháu, tên Phương. “Ở quê, nó bị dở nên không ai nuôi. Đưa nó lên trên này, hai bà cháu còn nương tựa vào nhau. Nhưng thằng dở với bà già, ai người ta thuê. May lắm, người ta thương rồi kêu dở ơi vào đây, tao thuê một chuyến”, bà Thanh nói.

Từ ngày dịch bệnh, hai bà cháu rau cháo qua ngày trong phòng trọ tuềnh toàng. Thứ đáng giá nhất trong nhà có lẽ là chiếc nồi cơm điện mà các “mạnh thường quân” tặng trong một chương trình trao quà Tết.

Bà Thanh bị bệnh đau thần kinh tọa, hộp thuốc thần kinh 240 nghìn đồng, bác sĩ dặn bà mỗi ngày uống 4 viên. Để tiết kiệm, bà uống mỗi ngày còn 2 viên. Còn thuốc bổ tim, bà cắt luôn từ đầu tháng.

“Gạo hết ăn còn vay được, chứ thuốc là phải có. Mình mà ngã bệnh đi viện còn khổ con, khổ cháu nữa”, bà nói. Từ đợt nghe tin virus nguy hiểm với người già, đứa con trai liên tục gọi điện lên hỏi “mẹ có về không”? Tuyến xe khách về Phù Cư (Hưng Yên) ngừng chạy suốt 1 tháng nay, hai bà cháu không đi được xe máy nên cũng không về được...

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, riêng trên địa bàn phường, số lao động tự do, nhập cư từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam…để làm các công việc như bốc xếp, kéo hàng, bán hàng…tại chợ Long Biên đã lên con số 5.000 người.