Triệu chứng bạn đã bị sỏi thận
Đau: Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả qua hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
Tiểu máu: Là biến chứng thường gặp của sỏi thận - tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm tiểu máu.
Tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể tiểu ra sỏi.
Sốt: Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.
Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Tiểu tắc từng lúc hoặc hoàn toàn
Những người sau đây dễ mắc sỏi thận:
Người thích ăn thịt:
Thực phẩm nhóm thịt thường có tính axit cao. Người thích ăn thịt nhiều thịt không hấp thu hết có thể dễ dàng dẫn đến sỏi thận.
Người ít uống nước:
Khi không đủ lượng nước để bài tiết và đi tiểu bình thường, nước tiểu có muối vô cơ sẽ lắng xuống và kết tinh tăng dần theo thời gian, gây sỏi thận và tăng nguy cơ bị sỏi bàng quang.
Người thường xuyên uống nước khoáng:
Uống nước khoáng không phải lúc nào cũng tốt, nếu uống thường xuyên thay cho nước lọc thông thường sẽ dẫn đến nguy cơ sỏi thận ở mức độ khác nhau.
Người có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh:
Người ăn quá nhiều thực phẩm có chứa axit oxalic, thực phẩm canxi cao như nội tạng, rau bina, đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành, trà, rượu, cà phê ở mức cao cũng dễ bị sỏi tiết niệu.
Người ở trong môi trường nhiệt độ cao thường xuyên:
Khi làm việc hoặc sinh hoạt trong môi trường nóng bức, mồ hôi nước tiểu thải ra nhiều, bị hiện tượng khô người, háo nước, nếu không uống đủ sẽ hình thành sỏi tiết niệu.
Người có lối sống thiếu năng động:
Tập thể dục quá ít, không tham gia các hoạt động, ngồi làm việc văn phòng quá lâu rất dễ bị sỏi tiết niệu.
Người đang điều trị bệnh:
Những bệnh nhân đang điều trị bệnh gút, xương khớp, liệt, ung thư xương và các bệnh khác nếu dùng thuốc nhiều có thể làm tăng canxi niệu, dễ hình thành sỏi thận.
Ngoài ra, những người tắc nghẽn đường tiết niệu, ứ nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng dễ bị sỏi thận.
Cách phòng ngừa sỏi thận
Uống nhiều nước để tiểu nhiều (khoảng 10 cốc/ngày, tương đương 2,5 lít nước), như vậy sỏi sẽ có ít nguy cơ tái phát.
Điều trị các bệnh niệu như nhiễm trùng, bế tắc đúng quy cách do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện vì nhiễm trùng niệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sỏi.
Không sử dụng quá nhiều các loại vitamin C, D. Chế độ ăn vừa phải chất canxi, giảm ăn muối, chất đạm và các thực phẩm chứa nhiều oxalate, tăng cường vận động, giảm béo phì sẽ làm giảm nguy cơ mắc sỏi thận.