Những kỹ năng sống cha mẹ quên dạy con trước 10 tuổi

Khi có quá nhiều kỹ năng cần học hỏi thì cha mẹ cũng dễ bỏ sót một số kỹ năng sống cho trẻ như đọc bản đồ, viết thư...

Nhiều gia đình khi con đi học đại học rồi vẫn không biết cách giặt quần áo. Kỹ năng sống cho trẻ này nên được dạy khi trẻ khoảng 6 tuổi. Nếu dùng máy giặt thì hãy chỉ cho con biết các thao tác dùng máy, cách ước lượng bột giặt và khởi động máy. Để trẻ thêm phấn khích với công việc, có thể đặt cho công việc này những cái tên ngộ nghĩnh.

Khi con trẻ đã bắt đầu thích tặng quà cho người khác, nếu trẻ biết cách gói quà thì món quà sẽ trở nên thú vị hơn. Trẻ đến tuổi đi học đã có thể biết cắt giấy, dán băng dính, chọn hộp cho vừa kích cỡ và gói giấy.

Dạy trẻ những thao tác viết thư đơn giản nhất như ghi địa chỉ, ngày tháng, chào hỏi đầu thư, kết thư và ký tên.

Trước 10 tuổi thì trẻ đã nên biết nấu những món đơn giản. Mỗi khi nấu ăn hãy kêu trẻ làm cùng, giao việc cho trẻ trong bếp và bình tĩnh nếu trẻ không may làm đổ gia vị hay làm vỡ trứng. Trẻ 7-8 tuổi nên biết chuẩn bị những món ăn đơn giản bằng lò vi sóng, lò nướng, salad. Khi 10 tuổi, trẻ nên biết cách sử dụng bếp lửa.

Nếu đã từng lạc đường thì bạn đã biết khả năng đọc bản đồ quan trọng như thế nào, kể cả bản đồ trên điện thoại. Những hoạt động này sẽ xây dựng cho trẻ kỹ năng xác định phương hướng. Khi trẻ đã được 3-4 tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ chơi trò tìm đồ vật bằng cách giấu trò chơi ở đâu đó rồi vẽ một bản chỉ dẫn để trẻ đi tìm. Khi trẻ đã quen có thể mở rộng ra công viên, đường phố…

Ngay từ nhỏ nên dạy cho trẻ bình tĩnh, không sợ hãi khi nhìn thấy máu bằng cách đưa cho trẻ một trò gì đó để chơi khiến trẻ xao lãng. Sau đó dạy trẻ thực hiện những động tác như ấn vào để cầm máu, dùng nước rửa vết thương, bôi thuốc kháng sinh và băng bó lại…

Dọn dẹp nhà vệ sinh đòi hỏi nhiều kỹ năng. Nhưng trẻ ở độ tuổi mới đến trường có thể học cách làm sạch nắp bồn cầu, bệ ngồi… Lưu ý nhắc trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi hoàn thành. Trẻ lớn hơn có thể biết chà bồn cầu nhưng không nên cho trẻ dùng các sản phẩm làm sạch có chất độc.

Dạy trẻ trở thành người tiêu dùng thông minh cần nhiều thời gian luyện tập. Hãy thực hiện theo 3 bước: Giải thích về nơi đang đến (chẳng hạn mẹ đến chỗ này vì giá rẻ hơn 10.000 đồng…), đưa cho trẻ một số tiền để trẻ tự mua món đồ bố mẹ yêu cầu, chơi trò chơi bán hàng ngay tại siêu thị bằng cách yêu cầu trẻ tìm món đồ có giá thấp nhất…

Theo Theo Kiến thức