Những Chủ tịch ngân hàng quyền lực không cổ phiếu

Là đại diện vốn cho một tổ chức lớn hoặc "gửi gắm" cổ phần cho người thân nắm giữ, nhiều vị chủ tịch ngân hàng hiện không đứng tên nắm giữ cổ phiếu nào trên sổ sách.

Những Chủ tịch ngân hàng quyền lực không cổ phiếu

> Người tuổi ngựa ngồi ‘yên chiến mã’ ở ACB 

Là đại diện vốn cho một tổ chức lớn hoặc "gửi gắm" cổ phần cho người thân nắm giữ, nhiều vị chủ tịch ngân hàng hiện không đứng tên nắm giữ cổ phiếu nào trên sổ sách.

Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng

Dù không nắm một cổ phiếu nào nhưng ông Lê Hùng Dũng vẫn được biết đến là người đàn ông có quyền lực nhất tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB).

Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng đã làm gương tự giảm 50% lương. Ảnh: Thanh Lan.
 

Theo báo cáo quản trị 6 tháng 2013, trên sổ sách, cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị này nắm 0 cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Dũng chính là đại diện cho hơn 25,6 triệu cổ phiếu vốn góp của Công ty Vàng bạc đá quý SJC - nơi ông đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên và dự kiến sẽ nghỉ hưu vào năm nay. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Dũng cho biết sau quyết định này, ông sẽ dành thêm nhiều tâm huyết, thời gian hơn cho ngân hàng.

Không riêng ông Dũng, hầu hết lãnh đạo Eximbank đều không sở hữu hoặc chỉ nắm lượng rất nhỏ cổ phiếu EIB.

Chủ tịch Sacombank - Phạm Hữu Phú

Cũng như ông Lê Hùng Dũng, người đồng nhiệm tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) là ông Phạm Hữu Phú cũng không giữ một cổ phiếu nào của nhà băng. Cả hai người từng là những thành viên cốt cán trong HĐQT của Eximbank trước khi ông Phạm Hữu Phú sang Sacombank.

Ông Phạm Hữu Phú và người nhà đều không sở hữu cổ phiếu nào của Sacombank. Ảnh: PV.
 

Báo cáo quản trị của ngân hàng cho biết cả Chủ tịch Phú và người nhà đều không sở hữu một cổ phiếu nào. Ngược lại, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu do ông gây dựng và làm chủ tịch lại đang nắm 2,35% cổ phần ngân hàng với 28,4 triệu cổ phiếu.

Cổ đông cá nhân lớn nhất tại Sacombank hiện nay là ông Trầm Trọng Ngân - con trai Phó chủ tịch Trầm Bê, khi giữ 4,52% cổ phần (54,72 triệu cổ phiếu). Trầm Trọng Ngân cũng là giàu thứ 14 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản gần 936 tỷ đồng, theodanh sách do VnExpress công bố. Trong khi đó, Trầm Trọng Ngân không trực tiếp điều hành Sacombank mà ông đang là Ủy viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Chủ tịch Ngân hàng Đông Á - Phạm Văn Bự

Ông Phạm Văn Bự cũng là một trong những nhân vật giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng nhiều năm qua, có tầm ảnh hưởng lớn nhưng lại không nắm một cổ phiếu cá nhân nào tại DongABank.

Chủ tịch DongA Bank Phạm Văn Bự.
 

Trên thực tế, ông là đại diện pháp nhân cho Văn phòng Thành ủy TP HCM, tổ chức nắm 6,87% vốn điều lệ DongA Bank (hơn 34 triệu cổ phiếu). Ông Phạm Văn Bự từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dầu khí TP HCM (SaiGon Petro).

Mặc dù vậy, vợ và con của Chủ tịch Phạm Văn Bự cũng là những cổ đông của DongABank khi nắm giữ hơn nửa triệu cổ phiếu (tương đương 1% cổ phần). Tại ngân hàng này, Phó chủ tịch Trần Phương Bình mới là cá nhân có nhiều cổ phần nhất (với hơn 15 triệu cổ phiếu - tương đương 3% cổ phần). Nếu tính cả số cổ phiếu của vợ, con cùng anh em của ông Bình thì gia đình Phó Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc DongABank nắm giữ 9,65% cổ phần.

Chủ tịch KienLongBank - Võ Quốc Thắng

Ông "bầu" bóng đá Võ Quốc Thắng bắt đầu nắm thêm lĩnh vực ngân hàng từ cuối tháng 4/2013. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm vừa rồi của Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank), bầu Thắng được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Đến nay, vị chủ tịch này cũng không sở hữu bất cứ cổ phiếu nào của KienLongBank.

Ông Võ Quốc Thắng không đứng ra sở hữu cổ phiếu của KienLongBank. Ảnh: PV.
 

Tuy nhiên, con trai ông - Võ Quốc Lợi (sinh năm 1988) lại đang là một trong những cổ đông lớn của ngân hàng khi sở hữu số cổ phiếu tương đương gần 5% vốn điều lệ. Võ Quốc Lợi tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ nhưng không giống các "thiếu gia" khác, anh không được cha giao những vị trí chủ chốt tại ngân hàng. Lý giải với VnExpress.net, ông Võ Quốc Thắng cho biết con trai mình vẫn phải làm nhân viên tại nhiều vị trí khác nhau để học hỏi như bộ phận pháp chế, kinh doanh, kiểm soát rủi ro...

Chủ tịch BaoVietBank - Nguyễn Thị Phúc Lâm

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm là người phụ nữ duy nhất trong danh sách những chủ tịch nhưng không có cổ phần nào tại ngân hàng theo thống kê của VnExpress.net. Mặc dù vậy, uy tín của bà trong giới bảo hiểm, ngân hàng đã được củng cố từ rất lâu, khi bà còn trực tiếp điều hành Tập đoàn Bảo Việt - công ty mẹ của BaoVietBank - đơn vị nắm 52% vốn của ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm Chủ tịch HĐQT BaoVietBank. Ảnh: BVB.
 

Người phụ nữ này đã gắn bó với Tập đoàn Bảo Việt từ năm 1981, kinh qua nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Chứng khoán Bảo Việt, Tổng giám đốc Bảo Việt và bà giữ chức Chủ tịch HĐQT của BaoVietBank từ khi thành lập ngân hàng. Mặc dù nghỉ hưu từ giữa năm 2013 nhưng đến nay, theo thông tin công bố của của ngân hàng, bà Lâm vẫn được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT. BaoVietBank cho biết thông tin về tân chủ tịch mới sẽ phải chờ tới kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2014.

Theo Thanh Thanh Lan
Vnexpress

Theo Đăng lại