Những bông hoa đẹp ngành ngân hàng

Hội nghị biểu dương cán bộ, công chức, viên chức và người lao động điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng giai đoạn 2014 - 2019 được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 28/8/2019 tại Hà Nội nhằm tôn vinh cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Agribank vinh dự có 56 trong 289 gương mặt đoàn viên người lao động tiêu biểu được biểu dương lần này.

Phong trào thi đua, động lực để phát triển

Trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong toàn Ngành Ngân hàng đã phối hợp tổ chức hơn 550 phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, giỏi việc ngân hàng đảm việc nhà, tiêu biểu như: “Phong trào thi đua xây dựng cơ chế chính sách, quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng có hiệu quả”; “Cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, vững tin vào hội nhập khu vực và quốc tế”; “Thi đua rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Thi đua xây dựng cơ quan văn hóa, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam; “Thi đua nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát huy sáng kiến trong hoạt động kinh doanh”; “Thi đua lao động giỏi, huy động vốn, nâng cao chất lượng tín dụng”; “Phong trào thi đua củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại hoạt động để nâng cao năng lực quản lý, quản trị kinh doanh”; “Thi đua Gói kích thích bán hàng nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử” của các tổ chức tín dụng; “Phong trào dạy tốt, học tốt, quản lý và phục vụ tốt”; “Phát huy sáng kiến cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của khối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Phong trào thi đua lao động sáng tạo của CNVCLĐ trong các tổ chức tín dụng nói chung, Agribank nói riêng chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ, phát triển thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng tín dụng, cải cách hành chính. Các phong trào này đã trở thành động lực thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch kinh doanh hàng năm của từng đơn vị, tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Agribank và toàn Ngành.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua này còn góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của nền kinh tế nước ta, tạo môi trường hoạt động lành mạnh, an toàn và hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng

 

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiêu biểu về trí tuệ và sáng tạo trong công nghệ hiện đại; trách nhiệm và thận trọng trong công tác tín dụng; trung thực và tận tụy trong công tác ngân quỹ; cần cù và liêm khiết trong công tác kế toán... đã được khen thưởng. Theo đó, hệ thống tổ chức của Ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2019, đã có hàng trăm Huân, Huy chương các hạng, hàng nghìn Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hàng chục nghìn Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành, địa phương dành cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Riêng Công đoàn ngành Ngân hàng có 5 cá nhân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba; 3 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 cá nhân, 3 tập thể được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam”; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 66 Cờ thi đua, 125 Bằng khen tập thể, 305 Bằng khen cá nhân, 3 Bằng Lao động sáng tạo và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng 410 Cờ thi đua, 628 Bằng khen tập thể, 4.115 Bằng khen cá nhân.

Toả sáng những tấm gương

Có thể nói những tấm gương điển hình tiên tiến là những bông hoa đẹp trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu ngành Ngân hàng trong thời gian qua, đã góp phần làm nên những điều kỳ diệu giữa đời thường, đem đến niềm xúc động tự hào và cảm phục với những suy nghĩ, việc làm bình dị mà cao quý được xã hội ghi nhận.

Ở "Mái nhà chung" Agribank , đó là những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp từ Ban điều hành TSC đến lãnh đạo trực tiếp tại các đơn vị chi nhánh Agribank Hà Tĩnh, Agribank Hà Nội, Agribank Kiên Giang… họ đều là những lãnh đạo  năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều thành tích và sáng kiến trong hoạt động điều hành hoạt động  kinh doanh, cải tiến quy trình nghiệp vụ ngân hàng được ứng dụng trong việc điều hành chính sách tiền tệ; Là sự cải cách hệ thống thanh toán, đầu tư về cơ sở hạ tầng và triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ cho hoạt động thanh toán, cổng thanh toán thuế điện tử Agribank và thanh toán biên mậu qua Internet Banking sáng kiến kỹ thuật của đồng chí Đỗ Gia Tĩnh- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin; Là những cán bộ tín dụng như đồng chí Nguyễn Trần Thanh Thảo, cán bộ tín dụng chi nhánh thị xã Cai Lậy Tiền Giang, Trần Ngọc Quý- cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, những người lao động không quản ngày đêm, nắng mưa đi hàng ngày đường đèo núi lên vùng cao mang những đồng vốn đến với đồng bào các dân tộc để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, dù khó khăn vất vả nhưng với họ không một lời kêu ca, âm thầm, miệt mài thực hiện nhiệm vụ...

 

Đó là những cán bộ kiểm ngân như đồng chí Hồ Văn Tấn, thủ kho kiêm thủ quỹ chính chi nhánh tỉnh Bến Tre có đức tính trung thực, thật thà, sẵn sàng trả lại tiền thừa cho khách hàng với số tiền lên tới chục tỷ đồng.  Mỗi người, mỗi lĩnh vực khác nhau đều thể hiện những việc làm đầy ý nghĩa với lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp cao cả, đoàn kết thân ái, họ làm việc với tinh thần trách nhiệm của mình đối với xã hội, với Ngành, từ đó vượt khó vươn lên trở thành những cá nhân điển hình tiên tiến đi đầu trong phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực, thắp sáng niềm tin cho cả xã hội, những con người như vậy rất đáng được kính trọng, biểu dương.

Nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng -Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành tích xuất sắc của các gương sáng điển hình tiêu biểu được lựa chọn, bình xét từ cơ sở về dự Hội nghị; đồng thời khẳng định, các điển hình tiên tiến chính là những “bông hoa” đẹp, xứng đáng được biểu dương để mọi người học tập và noi theo.

 

Thống đốc mong muốn và tin tưởng, các đồng chí được biểu dương lần này sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, tính năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu, có sức lan toả mới trong mỗi cơ quan, đơn vị, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và luôn xứng đáng là sức sống của các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn tiếp theo.

Thống đốc đề nghị Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến. Để làm được điều đó, các cấp Công đoàn cần quán triệt đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì càng cần phải phát động các phong trào thi đua và quan tâm hơn nữa đến người lao động trực tiếp; phải đặt danh dự, phẩm giá con người, lợi ích chung của Ngành, của đất nước lên trên hết.

Cùng với đó, để các phong trào thi đua phát triển sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả cao, thu hút được đông đảo CNVCLĐ tham gia tích cực, tự giác thì công tác tuyên truyền, vận động phải thuyết phục nhất, hiệu quả nhất. Đó là sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu và tập thể, cá nhân lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thi đua phải có nội dung thiết thực, biện pháp cụ thể, hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế ở mỗi đơn vị và phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Ngành đến cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo công tác thi đua - khen thưởng; tổ chức phong trào thi đua cấp mình một cách thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; chú trọng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, các cuộc vận động truyền thống của Ngành; Cuộc vận động tổ chức tốt điều kiện sống, điều kiện làm việc của CNVCLĐ ngành Ngân hàng; Cuộc vận động xây dựng và phát triển lực lượng lao động ngành Ngân hàng đáp ứng tình hình mới; gắn nội dung các phong trào thi đua với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thống đốc cũng đề nghị các cấp Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phải chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến và biểu dương, khen thưởng kịp thời. Có như vậy mới phát huy được tác dụng của thi đua; để phong trào thi đua trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yêu ngành, yêu nghề, say sưa trong công việc, cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ cho việc xây dựng tập thể vững mạnh.

Việc tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân phải chính xác, thực sự tiêu biểu, có tác dụng nêu gương, giáo dục, có sức lan toả trong cơ quan, đơn vị, Ngành để mọi người học tập. Chú trọng khen thưởng đột xuất và những người lao động trực tiếp, những người mạnh dạn dám nghĩ, dám làm mang lại hiệu quả cao trong công tác, học tập và lao động. Các cơ quan tuyên truyền của Ngành kịp thời phát hiện, tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay và thông tin về việc đổi mới hoạt động thi đua - khen thưởng.

Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Ngành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra, phong trào thi đua Lao động sáng tạo trong ngành Ngân hàng tập trung vào công tác vận động đông đảo CNVCLĐ, cán bộ khoa học, các nhà quản lý hưởng ứng phong trào thi đua Lao động sáng tạo hướng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng của các chủ thể trong nền kinh tế, kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao, chất lượng, hiệu quả tín dụng, bảo đảm hoạt động ngân hàng.

Tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ để phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán.

Tuyên truyền sâu rộng các nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng” nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết trong cán bộ CNVCLĐ ngành ngân hàng có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp có trình độ chuyên môn cao tác phong làm việc văn minh hiện đại. Xây dựng hình ảnh thương hiệu người cán bộ ngân hàng có uy tín, trách nhiệm, tạo dựng niềm tin của nhân dân, xã hội đối với cán bộ ngân hàng.

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, thanh toán sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn; phát triển, mở rộng mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt như hiện nay đưa hoạt động của Ngân hàng Việt Nam trở thành ngân hàng hiện đại, đáp ứng tiến trình đổi mới của đất nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và hội nhập quốc tế.

Trong chuỗi sự kiện này, sáng ngày28/8/2019, 289 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCNVCLĐ) là điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng   đã đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại đường Bắc Sơn - Ba Đình - Hà Nội. Dẫn đầu đoàn là đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.