Xin hỏi bác sĩ, những người nào nên dùng và không được dùng thuốc Aspirin?
(dangtrannam…@)
Aspirin có tên khác là acid acetyl salicylic, không chứa nhân sterol nên được xếp vào nhóm chống viêm phisteroid (NSAIDs) để phân biệt với nhóm thuốc chống viêm có chứa nhân sterol như prednison, prednisolon, dexamthason v.v... Aspirin có các tác dụng chính: Giảm đau, hạ sốt ở liều thấp 500mg/lần; Tác dụng chống viêm ở liều cao 3g/ngày; Tăng thải trừ acid uric qua nước tiểu ở liều 2-5 g/ngày; Liều thấp 40-325mg/ngày có tác dụng giảm ngưng kết tiểu cầu; Nhờ có tác dụng này mà aspirin được dùng trong điều trị bệnh lý tim mạch, giúp ngăn cản sự hình thành huyết khối gây tắc mạch, đặc biệt là mạch vành (gây nhồi máu cơ tim) và mạch não (gây đột quỵ).
Aspirin được dùng trong những trường hợp sau: Điều trị các cơn đau vừa và nhẹ; Hạ sốt; Viêm cấp và mạn tính trong các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp, viêm đa khớp, viêm thần kinh… nhưng càng gần đây aspirin càng ít được dùng để điều trị các bệnh này do đã có những thuốc khác hiệu quả hơn và ít tác dụng phụ hơn; Dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, huyết khối gây tắc mạch trong phẫu thuật đặt van tim nhân tạo, hoặc làm cầu nối mạch vành.
Bên cạnh các tác dụng có lợi, aspirin cũng có những tác dụng phụ rất nguy hiểm: Dùng kéo dài sẽ dẫn đến: buồn nôn, ù tai, điếc, nhức đầu, lú lẫn; Phù, mề đay, phù Quincke, co thắt phế quản gây hen; Xuất huyết dạ dày thể ẩn hoặc thể nặng, xuất huyết não; Dùng liều >10g dẫn đến nhiễm độc, thường gặp ở trẻ em. Liều chết ở người lớn là 20g.
Không dùng aspirin trong những trường hợp sau: Người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng; Người có tiền sử hen phế quản; Người bị dị ứng với aspirin; Phụ nữ có thai do ức chế co bóp tử cung làm chậm chuyển dạ, có thể gây đóng sớm ống động mạch của thai nhi, nguy cơ tăng áp động mạch phổi và suy hô hấp sơ sinh. Đặc biệt ở phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối thai kỳ dùng Aspirin dễ gây băng huyết khi sinh; Các bệnh lý gây rối loạn đông máu như giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết; Người bị suy gan, suy thận, suy tim; Không dùng cho trẻ em vì có thể gây nên hội chứng Reye nguy hiểm cho trẻ.
Bạn cần lưu ý khi sử dụng Aspirin: Trước hết, vì Aspirin làm tổn thương niêm mạc dạ dày nên phải uống thuốc vào lúc no, tốt nhất là sau khi ăn. Để hạn chế tổn thương trên đường tiêu hóa có thể uống viên dạng bao tan trong ruột aspirin pH8 hoặc uống kèm với thuốc giảm tiết dịch vị hoặc thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi uống Aspirin pH 8 không được nhai, nghiền, bẻ viên thuốc. Mặt khác, Aspirin ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch cũng chỉ được dùng với liều thấp, mục đích dự phòng, và phải dùng một thời gian dài. Do vậy, không nên dùng thuốc để dự phòng trên những người không có bệnh lý tim mạch rõ ràng. Những bệnh nhân đã được chỉ định dùng Aspirin kéo dài để dự phòng bệnh huyết khối, tái phát đột quỵ hay nhồi máu cơ tim cần phải được theo dõi thường xuyên để phát hiện và phòng các tai biến do thuốc gây ra.
Về tác dụng của Aspirin trong điều trị ung thư như bạn hỏi, cho đến nay cũng đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm ra vai trò của Aspirin trong điều trị ung thư đặc biệt là ung thư đại trực tràng vì người ta thấy prostaglandin (PG) là một chất có tác dụng gây viêm, và có thể kích thích sự phân chia tế bào ác tính gây ung thư đại trực tràng, nhất là ở người đã mắc polyp đại tràng. Aspirin và các thuốc trong nhóm NSAIDs nói chung có tác dụng giảm tổng hợp prostaglandin nên chống viêm tốt, có thể giúp hạn chế ung thư. Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của Aspirin vẫn còn có nhiều kết quả chưa thống nhất. Có những nghiên cứu cho thấy Aspirin và NSAIDs không làm giảm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng. Trong khi có những nghiên cứu lại thấy Aspirin dùng kéo dài hàng năm có kết quả trong ung thư đại tràng. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng ngừa cũng không cao và cho đến nay vẫn chưa giải thích được lý do tại sao? Chính vì vậy, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về việc dùng Aspirin ngừa ung thư đại trực tràng. Dù Aspirin có tác dụng phòng ung thư đại trực tràng hay không thì việc dùng thuốc liên tục một thời gian dài cũng sẽ dẫn đến nguy cơ tai biến như chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn đông máu…
Như vậy, Aspirin cũng chỉ là một loại thuốc được ứng dụng vào nhiều mục đích trên lâm sàng, không phải là “thần dược” như nhiều người nghĩ. Không được tự ý sử dụng thuốc này. Nếu có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe cần đến bác sỹ để có lời khuyên thích hợp nhất.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông
Trưởng Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội
Dược & Mỹ phẩm