Nhu cầu quản lý tài sản ở Việt Nam và lời giải cho bài toán tìm kênh trú ẩn trong sóng gió

Thị trường tài chính đã đi qua “mùa hoa đẹp nhất”, nhà đầu tư hiện đang phải đối mặt với loạt yếu tố bất ổn… Việc đầu tư trở nên khó khăn hơn, cơ hội hiếm có hơn, nếu quản lý tài sản không tốt, hoàn toàn mất đi toàn bộ thành quả có được trước đó.

Đã qua thời “tiền rẻ”, “tiền dễ”

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, chính phủ nhiều nước đã tung ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng, lượng tiền lớn được bơm ra cộng với dòng vốn từ hoạt động kinh doanh, tạo ra làn sóng tăng giá tài sản từ chứng khoán, bất động sản, tiền số…

Theo sóng, tài sản nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng tăng lên. Thời của tiền rẻ - việc kiếm tiền trở nên dễ dãi hơn. Nhưng đó là những gì mà chúng ta nói với nhau về hai năm về trước. Còn ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như tỷ lệ lạm phát tăng cao kỷ lục, thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kiềm chế lạm phát, đồng nội tệ mất giá…

Gió dường như đã đảo chiều, mọi yếu tố bất lợi gần như đều đang chống lại hoạt động đầu tư, khiến tài sản tài chính giảm giá. Những công ty quản lý tài sản đang phải nỗ lực để tìm ra một chiến lược hợp lý cho khối tiền lớn. Đâu đó, những người bi quan bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hồi tưởng lại những giai đoạn kinh tế khó khăn hoặc đặt ra các giả thiết không ai mong đợi.

Tại Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế vẫn đang được duy trì song song với việc kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đầu tư tiếp tục dễ dàng bởi những rủi ro luôn thường trực.

Những tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo nhịp điều chỉnh chung của chứng khoán toàn cầu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng lãi suất điều hành, giống cách Fed đang theo đuổi. Việc thị trường tài chính phản ánh bức tranh khác biệt với nền tảng vĩ mô khiến nhiều nhà đầu tư khó kiếm tiền hơn.

Nếu không có một chiến lược phân bổ tài sản hợp lý, nhà đầu tư sẽ bị tác động lớn bởi biến động thị trường vừa qua. Điều đáng nói rằng, hai năm vừa qua Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ làn sóng F0 tham gia đầu tư, phần đông là cá nhân và chưa được chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trải qua những giai đoạn biến động mạnh của thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. Hệ quả là thị trường đã bộc lộ những yếu điểm. Đơn cử như việc lạm dụng đòn bẩy tài chính tạo làn sóng bán giải chấp tài sản. Thói quen đầu tư tự thân hoặc theo đám đông, hội nhóm tạo “làn sóng Fomo” từng giúp nhà đầu tư kiếm tiền một cách dễ dàng nhưng lại khiến họ quên đi việc quản trị rủi ro, mất đi quan điểm vì sao mua bán.

Từ bộ phận thiểu số, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 80% thanh khoản của thị trường chứng khoán, và hiện nay đây là bộ phận chịu thiệt hại lớn nhất trong làn sóng giảm giá.

Thêm vào đó, giai đoạn thị trường sôi động đã kéo theo việc nở rộ các mô hình không chính thống như tổ chức, ứng dụng huy động vốn đầu tư, ủy thác đầu tư, quản lý tài khoản… Không ít trong số đó mới đây đã bị cơ quan quản lý lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải.

“Giữ tiền” rồi mới đến “nhận tiền”

Bối cảnh trên đang đặt ra nhu cầu lớn về quản lý tài sản tại Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, một lượng lớn người đang có nhu cầu bảo toàn và tăng trưởng tài sản. Nhà đầu tư cần tìm một nơi trú ẩn trước những sóng gió của thị trường.

Nhìn một cách tổng quan trong dài hạn, nhu cầu gia tăng về quản lý tài sản là điều tất yếu tại thị trường Việt Nam, không chỉ riêng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Ngành quản lý tài sản ở các thị trường nhiều nét tương đồng với Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan cũng từng trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh khi thu nhập, tài sản của người dân tăng lên. Tại các thị trường phát triển, xu hướng tìm đến một địa chỉ công ty tài chính uy tín, tin cậy để sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư hay lời khuyên về lựa chọn phân bổ tài sản đầu tư là rất phổ biến.

Tiền gửi/Vốn hóa thị trường chứng khoán tính đến cuối tháng 6/2022 (PV tổng hợp)

Hiện nay tại Việt Nam, dòng tiền của dân chúng thay vì phân bổ danh mục đầu tư đa dạng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận trong mọi kịch bản lại đang chủ yếu hướng đến các sản phẩm tài chính truyền thống như gửi tiết kiệm.

Cuối tháng 6, Việt Nam có hơn 13,9 triệu tỷ đồng tiền gửi trong đó tiền gửi của dân cư hơn 5,6 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi gấp 2,2 lần (222,5%) vốn hóa thị trường chứng khoán. Trong khi những nền kinh tế khác như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia hay Mỹ ghi nhận tỷ lệ này dưới 100%. Điều này cho thấy thực tế tại Việt Nam đang vận động chậm với xu hướng toàn cầu, đồng thời cũng phản ánh dư địa ngành Quản lý tài sản của các công ty chứng khoán, công ty quản lý Quỹ là rất lớn. Kéo theo đó là nhu cầu về hoạt động quản lý tài sản thông qua các tổ chức chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Cần phải tiếp tục nhấn mạnh lại rằng, đây không chỉ là xu hướng tức thời trong giai đoạn khó khăn như hiện nay mà là xu thế tất yếu, theo sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu. Theo báo cáo từ PwC, dòng vốn từ hoạt động quản lý tài sản là động cơ thúc đẩy cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Đây chính là dòng vốn đầu tư tạo thu nhập cho tương lai và chu cấp cho tương lai. Quản lý tài sản vì thế không chỉ là giải pháp để gia tăng tài sản cho dân chúng mà còn là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Đứng trước xu thế này, dĩ nhiên lợi thế luôn thuộc về những công ty chứng khoán, công ty quản lý Quỹ uy tín, đa dạng sản phẩm, tiềm lực tài chính mạnh, và hơn hết có thể đủ khả năng tư vấn đa dạng khẩu vị đầu tư cho nhiều phân khúc khách hàng, điều này tiếp tục tạo ra một môi trường cạnh tranh mà ở đó công ty nào hiểu được tài sản chính là mồ hôi và công sức quý giá khách hàng thì công ty đó là địa chỉ khách hàng tìm đến để “giữ tiền” và tin tưởng “nhận tiền”.