Tại cuộc họp gần nhất về các vấn đề chung, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng chính sách cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc của thực tiễn. Cụ thể, các cơ quan Bộ ngành cần tiếp tục thực hiện đúng tinh thần "cho dù chỉ một ý kiến còn khác nhau cũng được nghiên cứu, giải trình đầy đủ".
Trên tinh thần này, việc thống nhất ý kiến giữa các bộ ngành để tháo gỡ các vướng mắc, từ đó ứng xử với TLTHM là cần thiết và cấp thiết để sớm có câu trả lời cho Chính phủ nói riêng, xã hội nói chung.
Tránh hiểu lầm, cực đoan
Tại các kỳ họp giữa các Bộ cũng như tại Phiên giải trình về trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với TLNN và TLĐT do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội hồi đầu tháng 5, một trong các nội dung tranh luận giữa các đại biểu đó là liệu TLNN có phải là sản phẩm thuốc lá? Về bản chất, so với thuốc lá điếu truyền thống, TLNN tuy có cách sử dụng khác nhau, nhưng về nguyên liệu sử dụng là thành phần thuốc lá thì cả hai sản phẩm này đều giống nhau. Nhưng chính vì sự khác biệt trong cách sử dụng nên các bộ tham mưu cho Chính phủ vẫn còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Trong khi đó, từ 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại kỳ họp Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP8) đã chính thức công nhận TLNN là thuốc lá. Điều này cũng được nêu rõ trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, WHO cũng khuyến nghị các quốc gia cần quản lý sản phẩm này dưới luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại.
Giải thích rõ thêm về khuyến nghị này, tại tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” mới đây, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Cần hiểu rõ quan điểm này của WHO trên toàn cầu đối với TLNN, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, cực đoan". Theo ông Hưng, vì TLNN là thuốc lá, nên WHO khuyến cáo chung là cần thận trọng trong việc quản lý. Nếu luật quản lý thuốc lá hiện hành của nước sở tại như thế nào thì sẽ quản lý TLNN như vậy, bao gồm dán nhãn, nêu rõ tác hại, chính sách ngăn chặn tiếp cận các sản phẩm thuốc lá đến với giới trẻ.
“Chúng ta phải hiểu như thế, chứ không phải nghĩ là đưa sản phẩm vào quản lý thì sẽ dễ tiếp cận hơn”, ông Hưng cho hay.
Khuyến nghị các quốc gia cần thận trọng với chính sách quản lý TLNN của WHO là điều dễ hiểu. Thực tiễn hiện nay ngày càng nhiều quốc gia đang thiên về hướng “ưu ái” các sản phẩm này khi đưa ra mức thuế chỉ bằng một nửa so với thuốc lá điếu, như Philippines, Nhật Bản, Indonesia, New Zeand, v.v.
Từ diễn tiến quốc tế cho đến tình hình thực tiễn trong nước, các chuyên gia cho rằng cần sớm đưa TLNN vào định nghĩa trong hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thuốc lá hiện nay và xác định TLNN là thuốc lá, thay vì để tiếp tục diễn ra tranh luận giữa các bộ ngành. Vì điều này dẫn đến trì hoãn việc đưa ra chính sách quản lý, trong khi WHO và các văn bản quốc tế đã xác định rõ TLNN là sản phẩm gì.
Vướng mắc về nhu cầu người dùng thực tiễn và cơ sở khoa học
Không chỉ liên quan đến việc định danh TLNN có phải là sản phẩm thuốc lá, mà các căn cứ khoa học, cơ sở pháp lý, nhu cầu người dùng thực tiễn liệu có thật sự được tính đến trong đề xuất cấm đang được đưa ra hiện nay, cũng đang được các ĐBQH đặt vấn đề.
Ông Tạ Văn Hạ , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Chúng ta đang đặt vấn đề đó là cấm hay không cấm sản phẩm này. Vậy thì, muốn cấm cũng phải có căn cứ về pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn..., thậm chí quyền lợi, quyền con người, trong đó có cả đối tượng đã đang nghiện thuốc lá”. Dưới góc độ người dùng, theo ông Hạ, “cũng phải tính đến hơn cả chục triệu người đang sử dụng thuốc lá để họ được quyền tiếp cận những sản phẩm có thể giảm độc hại hơn, tốt hơn cho sức khỏe”.
Cũng tại Phiên giải trình đầu tháng 5, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có các ứng xử khác nhau giữa TLNN, TLTHM so với thuốc lá truyền thống, dựa trên các bằng chứng khoa học.”
Còn ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai , Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đặt vấn đề: “Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã nghiên cứu toàn diện các hoạt chất có trong các sản phẩm này chưa, có loại nào thuộc danh mục cấm hay có điều kiện? Để cấm hay quản lý cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ”.
Có ý kiến tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo Quốc hội nêu rõ, những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật đối với các sản phẩm TLTHM cần bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại.
Việc quản lý TLTHM cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác biệt, dù vấn đề này đã được thảo luận trong suốt gần 10 năm qua.Trong kết luận của phiên giải trình nêu trên có đề cập: Các Bộ cần sớm trình phương án quản lý TLNN, TLĐT cho Chính phủ vào cuối năm 2024.