Áp dụng nhiều quy định có lợi cho người phạm tội:

Nhiều trường hợp sẽ được đình chỉ vụ án

TP - Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điểm có lợi cho người phạm tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội sẽ được áp dụng nhiều quy định có lợi theo Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, tại Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành BLHS 2015, Quốc hội cũng quy định áp dụng thi hành một số điểm của BLHS có lợi cho người phạm tội, giao Hội đồng thẩm phán (HĐTP) hướng dẫn thi hành.

Nhiều tội thoát án tử

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện KSND tối cao, Nghị quyết của HĐTP đã hướng dẫn cụ thể việc bỏ hình phạt tử hình với 9 tội danh. Đây là những tội đặc biệt nghiêm trọng, theo BLHS 1999 phải xử phạt người phạm tội mức án tử hình, nhưng BLHS 2015 đã bỏ mức án tử hình thì áp dụng hình phạt chung thân.

Các tội này bao gồm: tội cướp tài sản; tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội tàng trữ trái phép hoặc tội chiếm đoạt chất ma tuý; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch. Đặc biệt, trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 9/12/2015 (ngày công bố BLHS 2015) và bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án cũng được chuyển thành tù chung thân.

Ngoài các tội danh trên, người phạm vào tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ đã bị kết án tử hình cũng được chuyển từ tử hình xuống chung thân nếu đáp ứng được một số điều kiện. Điều kiện này bao gồm việc người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Lập công lớn tức người bị kết án tử hình đã giúp cơ quan tố tụng điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm họ bị kết án; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

 Với những trường hợp trên, Chánh án toà án sơ thẩm đã xét xử phải phối hợp với cơ quan công an, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự để kiểm tra, báo cáo lên Chánh án TANDTC để ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành chung thân.

Đình chỉ vụ án, nhưng không có quyền đòi bồi thường

Nghị quyết của HĐTP - TANDTC còn hướng dẫn việc thi hành quy định không xử lý hình sự với hành vi chuẩn bị phạm tội, trừ một số tội danh như phản bội Tổ quốc, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ…, được quy định tại khoản 2 điều 14, BLHS 2015. Các tội danh như tảo hôn, báo cáo sai trong quản lý kinh tế, vi phạm cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, sử dụng trái phép quỹ dự trữ tín dụng, không chấp hành quyết định hành chính về việc đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh, quản chế hành chính cũng sẽ không bị xử lý hình sự.

Với các vụ án rơi vào những trường hợp trên, viện kiểm sát sẽ có công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đề nghị tòa đình chỉ vụ án. Nếu viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì chủ tọa phiên tòa hoặc hội đồng xét xử sơ thẩm phải ra quyết định đình chỉ vụ án... Tuy nhiên, quyết định này chỉ đình chỉ trách nhiệm hình sự, do vậy người được đình chỉ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nếu người phạm tội nằm trong các trường hợp trên bị kết án trước ngày 9/12/2015 đang thi hành án hoặc hoãn thi hành án sẽ được miễn chấp hành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Người được miễn vẫn phải thi hành việc bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí… Trường hợp bị kết án sau ngày 9/12/2015, cơ quan tố tụng sẽ xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật với họ theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đánh giá Nghị quyết của HĐTP, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng đây là một động thái tích cực, kịp thời. Tuy nhiên, do BLHS 2015 bị tạm dừng hiệu lực đang gây một áp lực rất lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và toàn xã hội nên Nghị quyết chưa đáp ứng hết đòi hỏi chung.