Nhiều tiến bộ trong điều trị sản phụ khoa

TPO - Ngày 15/10, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Hiệp hội Sản phụ khoa Pháp (CNGOF) tổ chức Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2024. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hợp tác chuyên môn trong lĩnh vực y tế giữa hai Chính phủ Việt Nam và Pháp trong hơn 20 năm qua.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết: "Ở Việt Nam, tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em tuy đã được cải thiện nhưng tai biến sản khoa vẫn còn có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, miền và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh còn hạn chế, tình trạng đẻ tại nhà, đẻ không có cán bộ được đào tạo đỡ đẻ còn khá phổ biến ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh có một thực trạng hiện nay đó là tỉ lệ thăm khám của bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp. Tình trạng phá thai, vô sinh còn nhiều, tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao. Bên cạnh đó, việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị còn nhiều hạn chế. Việc sàng lọc, phát hiện sớm và dự phòng ung thư đường sinh sản chưa được triển khai rộng rãi. “Bộ Y tế tin tưởng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Pháp, quốc tế cùng các chuyên gia của Việt Nam, hội nghị sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất”, Thứ trưởng bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: “Các báo cáo được trình bày trong hội nghị bởi các giáo sư, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ giúp ngành Sản phụ nói riêng và ngành Y tế nói chung có thêm nhiều kiến thức, năng lượng mới để tiếp tục phát triển, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn”.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương tham luận tại hội nghị

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những điều mình nghiên cứu được và chưa nghiên cứu được cùng những thắc mắc của người bệnh để trao đổi với các đồng nghiệp nhằm cống hiến vì sức khỏe của người bệnh.

Hội nghị với sự tham gia của 2.000 đại biểu trong đó 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến. Hội nghị có sự tham gia của 70 báo cáo viên đến từ 15 trường đại học và 29 bệnh viện sản phụ khoa trên cả nước. Trong đó có 22 báo cáo viên đến từ các quốc gia Anh, Pháp, Italy, Malaysia…

Cũng tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày các vấn đề về sức khỏe sinh sản như: Thách thức trong tuân thủ điều trị các bệnh lí trong thai kì - cập nhật chứng cứ hướng đến kết cục lâm sàng lâu dài; Chủ động tư vấn dự phòng HPV - góc nhìn từ sản phụ khoa; An toàn khi sinh - tối ưu hóa phòng ngừa băng huyết sau sinh; Sơ sinh - thành quả của ứng dụng kĩ thuật mới trong quản lí thai kì.

Riêng ngày 15/10, hội nghị được tổ chức song song ở 5 hội trường, gồm một phiên toàn thể có vai trò định hướng trong chuyên ngành sản phụ khoa và 10 phiên chuyên đề về các nội dung như: Các vấn đề còn bàn cãi trong sản khoa; Những tiến bộ trong phụ khoa; Trí tuệ nhân tạo trong Sản phụ khoa (Al); Tiến bộ về di truyền trong sản phụ khoa hiện đại; Hỗ trợ sinh sản; Ung thư…

Tại hội nghị, Bệnh viện Phụ sản trung ương kí bản ghi nhớ hợp tác với Liên đoàn y tế Pháp Việt (FSFV) do GS Đào Thu Hà - một trí thức Việt Nam sinh sống và trưởng thành tại Pháp làm Chủ tịch, nhằm tạo thêm cơ hội cho các bác sĩ học hỏi, chia sẻ kiến thức.