Các ghi nhận từ dịch tễ cho thấy, T. không tiếp xúc với nguồn nước ở hồ ao, được cho uống nước đun sôi để nguội và nước dùng sinh hoạt hằng ngày từ nguồn nước máy. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Văn Hiếu, giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TPHCM, amip gây nên cái chết của T. có từ trong đất, khác với nhận định của các chuyên gia rằng loại amip này chỉ sống trong môi trường nước ngọt, ao hồ.
Trong khi đó, trả lời báo chí, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, amip ăn não người sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên (ao, hồ) và khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người làm nghề lặn, nghề liên quan đến bơi lội cần sử dụng loại nẹp mũi, trang bị ống thở để tránh sặc vào đường mũi làm amip đi vào đường niêm mạc mũi, vào mạch máu và lên não.
Trả lời báo chí, PGS-TS Triệu Nguyên Trung- Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng- côn trùng Quy Nhơn cho rằng, amip ăn não người sống tự do trong các vật thể ẩm và nước ngọt và khăng định loại amip này còn được tìm thấy trong các vùng đất ẩm gần nơi thải nước của các nhà máy, hồ bơi chưa khử khuẩn.
Thông tin chi tiết đăng trên báo in Tiền Phong ra sáng 22 - 9.