Nhiều ngư dân mất tích vì đi… vệ sinh

TP - Chỉ tính riêng trong tháng 9/2016, tỉnh Bình Định có 2 ngư dân mất tích trên biển. Ngư dân mất tích liên tục, ít ai ngờ phần lớn nguyên nhân là tàu cá… thiếu toa lét.
Các ngư dân thường phải đánh đu sau be tàu để đi vệ sinh nên thường bị rơi xuống biển mất tích.

Ngư dân "biến mất"

Tàu cá BĐ 97003 do ngư dân Đỗ Văn Đông làm thuyền trưởng cập bến Tam Quan huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Tàu xuất hành đi biển 14 người, nhưng trở về chỉ có 13. Các ngư dân vào Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng Tam Quan Nam để báo cáo, tường thuật lại sự việc ngư dân mất tích.

Ngư dân Lê Văn Phương cho biết, tàu đánh lưới ở vùng biển Trường Sa. Thời tiết trên biển rất tốt, biển êm. Ban đêm anh em đánh lưới, sang ngày thì tranh thủ ăn sáng rồi ngủ bù đến khoảng 14 giờ mới dậy. Lúc khoảng 10 giờ trưa 28/8, ngư dân Mai Xuân Tường choàng tỉnh dậy và thấy thiếu một người. Đó là ngư dân Phạm Minh Hải, sinh năm 1978. Anh Tường hô hoán các ngư dân đi tìm và cho tàu chạy tìm kiếm, nhưng không thấy dấu vết gì trên mặt biển.

Ngư dân Hải, quê ở thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ biến mất tại khu vực tọa độ 11 độ 49 vĩ độ bắc - 113 độ 15 độ kinh đông. Quen với cảnh sống trên tàu, các ngư dân đều nhận định, trong lúc anh em ngủ thì mọi người lần lượt ra ngồi phía sau đuôi tàu để đi vệ sinh. Ngồi trong tư thế chới với, vắt vẻo, không có điểm tựa, tay chỉ nắm một sợi dây nhỏ, trong khi lại buồn ngủ nên rơi xuống biển.

Cũng trong tháng 8, các Đài duyên hải ven biển đã nhận được rất nhiều tin ngư dân mất tích do rơi xuống biển. Ngày 17/8, ngư dân Lê Văn Trường, 30 tuổi, quê ở An Biên tỉnh Kiên Giang rơi xuống vùng biển Cà Mau mất tích. Anh Trường đi trên tàu cá CM 91411 do ngư dân Tô Quốc Danh ở thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm thuyền trưởng.

Ngày 10/8, ngư dân Võ Văn Dũng, sinh năm 2001, trú tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận bị rơi xuống biển mất tích. Anh Dũng đi trên tàu cá BTH 97597 TS, do ngư dân Phạm Văn Anh làm thuyền trưởng. Cách đó 1 tháng cũng có 1 ngư dân Trần Tuấn Đạt, quê ở tỉnh Bình Thuận bị rơi xuống biển mất tích…

Làm xiếc với toa lét

Những lần đi tác nghiệp trên tàu cá, tôi không thể quên hình ảnh những ngư dân làm xiếc và đánh đu sinh mạng của mình, mỗi khi đi vệ sinh. Tàu cá không thiết kế toa lét nên ngư dân phải ngồi trên thành tàu. Thông thường, một số ngư dân tranh thủ lúc các ngư dân đã ngủ trưa để lần lượt ra thành tàu và ngồi vắt vẻo đi vệ sinh. Bên cạnh đó, một số ngư dân khác đi vệ sinh vào ban đêm, giữa 2 phiên đánh lưới. Ngồi trong tư thế không có điểm tựa, ngư dân có thể bị rơi xuống nước bất cứ lúc nào.

Theo các ngư dân, đến nay, với nhiều tàu cá công suất lớn dù gió cấp 6-7 ngư dân vẫn đi làm bình thường. Vì vậy, số ngư dân đi vệ sinh và trượt chân rơi xuống biển tăng lên rất nhiều so với trước đây. Ngư dân Nguyễn Văn Phương ở tỉnh Bình Định cho biết, mỗi khi đi biển thì bà vợ lại dặn con trai là đi vệ sinh thì phải gọi thêm một người nữa ra đứng coi chừng. Còn anh Phương mỗi khi đi biển thì vợ đều nhắc “anh coi chừng đi vệ sinh là dễ rớt nước lắm đó”.

Ngư dân Nguyễn Long ở huyện Bình Sơn thành phố Quảng Ngãi cho biết, khi vào tỉnh Bà Rịa thành phố Vũng Tàu đi biển, mỗi lần đi vệ sinh là sợ nổi da gà. Vì chiếc tàu đã cũ kỹ, be tàu thủng nhiều lỗ. Có hôm ngồi nắm tay vào thành tàu để đi vệ sinh thì miếng gỗ mục kéo cả đinh rơi ra. Rất may là anh Long đã gượng lại và dùng một chân đạp mạnh vô một miếng gỗ chắn ngang để lấy lại thăng bằng.

Chính quyền xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định và Bộ đội Biên phòng đến thăm gia đình nạn nhân bị rơi xuống biển.

Anh Long cho biết, mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng trời, tính ra thì ngư dân nào cũng có lúc gặp nguy hiểm khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, ngư dân rớt xuống biển là do một số tàu làm lưới có lối đi bên rất hẹp ở 2 bên cạnh ca bin. Thiết kế tàu thì cũng không bố trí mấu bám nên ngư dân rất dễ chới với mất đà. Tuy nhiên, rơi ở khu vực này thì dễ được phát hiện và cứu hơn.

Các ngư dân cho biết, cứ thỉnh thoảng lên Icom lại nghe chuyện buồn, vì các tàu cá khác thông báo tìm giúp ngư dân mất tích. Nhưng cả trăm vụ ngư dân rơi xuống nước thì chỉ có 1-2 ngư dân may mắn được cứu sống. Còn thì đa phần ngư dân đều bị nước biển cuốn trôi.

Có toa lét là... xui

Trước đây, ngư dân thường đóng tàu cá có chiều dài 17 m. Hiện nay, tàu cá ngư dân đóng có chiều dài lên đến 19m, 25-27 m. Anh Nguyễn Tấn Trung, thợ đóng tàu ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cho biết, với kích thước hiện nay, ngư dân hoàn toàn có thể thiết kế nhà vệ sinh. Hiện nay, có rất ít tàu thêm hạng mục này. Tàu cá QNg 98723 của ngư dân Nguyễn Sáu ở Sa Huỳnh - Quảng Ngãi đóng theo Nghị định 67 đều có nhà vệ sinh nên rất thuận lợi cho ngư dân trong sinh hoạt. Vậy nhưng một số chủ tàu vẫn chưa chịu đóng toa lét.

Ngư dân Nguyễn Hồ ở xã Tam Quan Bắc cho biết, có một nghịch lý là: “Có toa lét thì an toàn, nhưng khi tàu vô bến, ngư dân ở tàu không có toa lét cứ chạy qua… đi nhờ! Rồi có thuyền trưởng nói có toa lét là xui. Một số tàu ngư dân mua từ các tỉnh phía Nam về có trang bị toa lét. Nhưng rồi xài được vài tháng, chủ tàu quyết định đập bỏ”.

Sau mỗi vụ tai nạn, các ngư dân lại ngồi xâu chuỗi các vụ việc và nhẩm tính, số vụ ngư dân rơi xuống biển mất tích ngày càng tăng. Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (Bà Rịa – Vũng Tàu) thống kê, năm 2015 có 27 vụ. Một số đồn biên phòng tuyến biển khác thống kê tháng nào cũng có 1-2 ngư dân mất tích.

Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh, hạng mục toa lét không nằm trong phần thiết kế bắt buộc của tàu cá. Tuy nhiên, trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng quản lý tàu thuyền nên quy định bắt buộc tàu cá khi đóng mới phải lắp thêm toa lét, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con ngư dân khi ra đánh bắt trên biển.