Công ty Cổ phần Địa ốc 11 vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho kỳ đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sẽ diễn ra ngày 4/4 tới. Ban lãnh đạo công ty này cho biết, doanh thu năm 2022 đạt 134,85 tỷ đồng, vượt 2,93% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 21,81 tỷ đồng, vượt 4,86%.
Tuy nhiên, sang năm 2023, HĐQT công ty này lại trình phương án sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu "đi lùi”. Theo đó, doanh thu theo kế hoạch đặt ra 90 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với 2022; còn lợi nhuận sau thuế 12,8 tỷ đồng, giảm hơn 40%.
Chưa trình lý do cụ thể việc đặt kế hoạch “cài số lùi”, nhưng tại tài liệu gửi cổ đông, ban lãnh đạo công ty cho biết cả giai đoạn 2018 - 2023 tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, cùng với ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Không chỉ với bất động sản, một doanh nghiệp khác trong ngành thực phẩm là Công ty CP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) cũng đặt kế hoạch đi lùi. Trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 sẽ tổ chức ngày 1/4, công ty trình phương án doanh thu năm nay đạt 8.400 tỷ đồng, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, giảm sâu 22%.
Nếu cổ đông thông qua kế hoạch nêu trên, đây sẽ là mức lợi nhuận dự kiến thấp nhất từ năm 2014 của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu đậu nành Vinasoy nổi tiếng này.Với chỉ tiêu trên, công ty sẽ chi cổ tức bằng hoặc hơn 15% - giảm một nửa so với năm trước.
Trước đó, báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, lãnh đạo QNS cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh năm qua của doanh nghiệp chịu tác động bởi giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao. Việc tăng tỷ giá, hạn chế nguồn cung làm tăng chi phí sản xuất cũng tác động doanh nghiệp. Sang 2023, lãnh đạo công ty này vẫn dự báo những khó khăn do dịch bệnh, giá cả các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển gia tăng...
Dù đạt được kết quả tích cực trong năm trước, song ban lãnh đạo CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vẫn tỏ ra rất thận trọng khi lên kế hoạch cho năm 2023.
Theo đó, ban lãnh đạo này lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 13.459 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.383 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đưa ra đều thấp hơn so với năm trước, trong đó doanh thu giảm 18% và lợi nhuận chỉ ước chừng bằng 1/3 năm trước.
Theo báo cáo đã kiểm toán năm 2022, công ty này đạt doanh thu là 16.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.321 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác thậm chí còn đặt kế hoạch lỗ, đó là CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC). Theo tài liệu ĐHĐCĐ, công ty này dự kiến đạt doanh thu 75 tỷ đồng và lỗ trước thuế 5,6 tỷ đồng trong. Với bức tranh kinh doanh được "vẽ" ra ảm đạm, công ty này không chỉ trả thù lao cho HĐQT năm 2023. Còn quỹ thù lao của thư ký HĐQT và BKS chỉ vào 72 triệu đồng.
Trước đó, năm 2022, doanh thu DPC chỉ đạt 44,48% so với năm trước và đạt 30,3% so với chỉ tiêu cổ đông giao phó. Nguyên nhân do 7 tháng đầu năm dù đã di dời đến cơ sở sản xuất mới nhưng công ty vẫn chưa đi vào hoạt động. Đến tháng 8/2022 mới bắt đầu sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đưa ra một số lý do khác như cạnh tranh về giá bán, chiết khấu, chi phí tiền lương cũng liên tục phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định của nhà nước...
Mùa ĐHCĐ vừa bắt đầu, các thông tin về kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mới dần hé lộ khi số doanh nghiệp công bố tài liệu còn ít. Song chiếm khá nhiều trong số đó đều tỏ ra thận trọng với mục tiêu đưa ra. Không chỉ những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kém tích cực năm 2022 mà ngay cả với những công ty “ăn nên làm ra” cũng muốn “cài số lùi”.
Các chuyên gia dự báo, năm 2023, những tác động tiêu cực từ cuộc chiến Ukraine vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế. Một số ngành chưa thể giảm bớt áp lực khi lãi suất còn cao, việc huy động vốn còn khó khăn, giá cả chi phí đầu vào tăng cao…