> Mỹ-Hàn sẽ tập trận lớn nhất từ trước tới nay
Theo tờ Chosun Ilbo, Hàn Quốc, sau cuộc tập trận kéo dài 2 ngày giữa lực lượng hải quân ba nước, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục khởi động cuộc diễn tập “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử” tại vùng biển Hoàng Hải.
Cả 2 cuộc tập trận sẽ có sự xuất hiện của nhiều loại máy bay chiến đấu thế hệ mới, tàu tấn công, trong đó có tàu sân bay "George Washington" cùng hàng ngàn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ.
Tuy đối tượng tác chiến không được xác định, nhưng địa điểm diễn tập, cũng như kế hoạch các cuộc tấn công cho thấy Triều Tiên chính là “đối tượng” chủ yếu của cuộc tập trận.
Ngay lập tức, Bình Nhưỡng đã phản ứng gay gắt, xem cuộc tập trận là sự khiêu khích nghiêm trọng và khơi mào cho một cuộc xung đột quân sự khu vực.
Sự quan ngại của Bình Nhưỡng không phải là không có cơ sở. Bình luận trên Đài tiếng nói nước Nga ngày 19-6, ông Konstantin Asmolov, chuyên gia Viện Viễn Đông - Nga, nhận định: "Nếu so sánh tiềm năng thực sự của Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, thì những cuộc thảo luận về mối đe dọa của Triều Tiên tới hòa bình chỉ là giả tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tập trận chung giữa ba nước được tổ chức đúng vào thời điểm mở màn chiến tranh Triều Tiên (25-6-1950), và diễn ra ngay trong vùng biển Hoàng Hải, nằm không xa vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Rõ ràng, đây là cuộc tập trận có chủ ý”.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho thấy sự thận trọng trước cuộc tập trận được xem là “bất bình thường” này. Theo Bắc Kinh, Washington, Seoul và Tokyo nên tham gia hành động nhiều hơn để gìn giữ hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á thay vì thổi lửa vào căng thẳng khu vực.
Bắc Kinh cho rằng, những động thái mới đang diễn ra tại Hoàng Hải và Biển Đông, cho thấy Washington đang nỗ lực biến khu vực này thành “thao trường quân sự” của Mỹ và đồng minh. Theo Bắc Kinh, các cuộc tập trận không chỉ tăng cường tần suất, mà đã xuất hiện mô thức tác chiến mới.
Vào cuối tháng 5-2012, lực lượng hải quân Australia và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận tại phía Nam của bán đảo Triều Tiên, với sự tham gia của các tàu chiến và tàu ngầm, bao gồm tàu khu trục được trang bị hệ thống đa năng “Aegis”. Đây là một trong những thành tố chính của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á, được tạo lập để kìm hãm tiềm năng tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia được xác định là những địa điểm lắp đặt hệ thống này.
Giới quan sát cho rằng, hai cuộc diễn tập quân sự sắp tiến hành trong khu vực có tiềm năng xung đột - ở bán đảo Triều Tiên và khu vực giáp ranh các đảo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong bối cảnh gia tăng đối đầu quân sự-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ càng khiến tình hình khu vực diễn biến khó lường.
Tùng Dương (tổng hợp)