Nhận diện “bà đỡ” của hoang hóa đất đai
Cơ chế phân cấp trong vấn đề giao đất, cho thuê đất được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất đai hiện nay.
Quan điểm trên được ông Nguyễn Quốc Ngữ, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Trung ương Đảng) đưa ra khi nói về tình trạng lãng phí, hoang hóa đất đai đang diễn ra hầu hết khắp các địa phương trên cả nước.
“Nước rút” chuyển đổi
10 năm về trước, thời điểm Luật Đất đai 2001 còn có hiệu lực, luật định rằng: Chính phủ sẽ quyết định giao đất trong các trường hợp, dự án có quy mô lớn, liên quan đến an ninh quốc phòng, có thu tiền sử dụng đất...
UBND cấp tỉnh sẽ quyết định giao đất, cho thuê đất cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các tổ chức kinh tế sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân tại nội thành, nội thị. Chính quyền cấp quận, huyện được thực giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp còn lại.
Thế nhưng, theo Luật Đất đai 2003, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất... đã được giao phó cho chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã.
Nếu gộp cả hai giai đoạn phân cấp trên, bao gồm từ năm 2001 – 2006, và giai đoạn sau đó là từ 2006 đến 2010, đất chuyên dùng cả nước tăng thêm 744.000 ha.
So sánh hai giai đoạn, một là trước thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, thì đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp chỉ là 217.000 ha, tương ứng mỗi năm khoảng 43.000 ha.
Thế nhưng, sau khi thực hiện thẩm quyền giao đất theo Luật Đất đai 2003, tức là từ năm 2006 – 2010, số diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích phi nông nghiệp là 645.200 ha, bình quân mỗi năm khoảng 130.000 ha, gấp hơn 3 lần so với thời kỳ trước đó. Đặc biệt là diện tích đất lúa bị mất đi khoảng 72.600 ha.
Theo ông Nguyễn Quốc Ngữ, lý do khiến cho các địa phương “nở rộ” chuyển đổi mục đích đất là do cấp tỉnh, thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất nhưng lại không có quy định hạn chế diện tích, loại đất, đối tượng sử dụng đất. Thậm chí, có địa phương vì mục tiêu tăng trưởng đã “rải thảm đỏ” để mời gọi các nhà đầu tư. Hệ quả là hàng nghìn ha đất được các chủ đầu tư tranh thu ôm vào rồi khoanh vùng để cho cỏ mọc lút đầu, vừa gây lãng phí cho nhà nước vừa khiến nông dân lâm vào khó khăn vì mất đất canh tác.
Đáng chú ý, cũng vì cơ chế phân cấp “thoáng” như trên nên chỉ trong một thời gian ngắn, tức là từ năm 2006 đến thời điểm Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf (tháng 5/2011), các địa phương đã nhanh chân “đẻ” thêm được gần 120 dự án sân golf, nâng tổng số lên 166 dự án, trong khi cả một giai đoạn dài trước đó, cả nước cũng chỉ có 38 dự án sân golf, trong đó chỉ có 13 dự án đi vào hoạt động.
Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, đang quan ngại hơn cả của việc phân cấp, phân quyền trong giao đất hiện nay chính là việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng và sử dụng đất tại các khu vực nhạy cảm vùng biên giới mà Trung ương không kiểm soát được.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng, việc chỉ định chủ đầu tư dự án để né tránh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất làm thất thoát tài sản, tiền sử dụng đất đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương.
Diện tích đất cho phát triển đô thị tăng nhanh, nhưng cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, đất ở chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là nhà ở phân lô theo hộ gia đình độc lập, chưa chú ý phân tích các tác động tới kinh tế, xã hội và môi trường tổng thể.
“Giật mình” đất hoang hóa
Tại hội thảo về vấn đề thu hồi, giao đất và cho thuê đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tuần qua, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cũng thừa nhận, sau gần 7 năm thi hành Luật Đất đai 2003, vấn đề phân cấp, phân quyền trong giao đất, cho thuê đất cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Số liệu được đưa ra tại hội thảo trên cho thấy, diện tích đất của các tổ chức được giao đất, cho thuê nhưng chưa đưa vào sử dụng hiện lên tới 299.719 ha. Trong đó, diện tích để hoang hóa lên tới trên 250.000 ha, thuộc quyền quản lý của hơn 2.400 tổ chức.
Riêng diện tích chưa đầu tư hoặc xây dựng chậm (dự án “treo”) chiếm tới gần 49.000 ha, trong đó chủ yếu là dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, sân golf, trường học…, tập trung nhiều tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Tại Hà Nội, chỉ trong vòng 6 năm (từ 2003 - 2008) đã có 3.400 dự án được giao đất, cho thuê đất, nhưng có tới 505 dự án phát hiện “treo” dưới nhiều hình thức, sau đó là chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích...
Riêng với các dự án bất động sản, thống kê cho thấy hiện cả nước có khoảng 2.500 dự án (chưa kể các khu đô thị và khu kinh tế), trong đó có đến 1.200 dự án thuộc diện được nhà nước giao, cho thuê đất nhưng chưa đưa vào sử dụng, với diện tích lên đến trên 130.000 ha, tập trung nhiều ở Tp.HCM, Quảng Nam, Nam Định, Đồng Nai, Hà Nội...
Theo nhiều chuyên gia, đây là một con số hoang hóa khổng lồ, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng cho nhà nước. Bởi lẽ, nếu chỉ căn cứ vào diện tích các khu đô thị, dự án bất động sản hiện nay, trung bình mỗi dự án cũng chỉ được cấp trên dưới vài chục ha.
Không những thế, khi phát hiện các dự án “treo”, nhiều địa phương lại thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Nguyên nhân là do có sự can thiệp từ một số bộ, ngành trung ương đối với trường hợp vi phạm là đơn vị trực thuộc hoặc do lo sợ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tại địa phương.
Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Khuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, việc thu hồi đất vi phạm mặc dù đã có quy định, song vẫn chưa được tiến hành mạnh mẽ, triệt để, các công cụ kinh tế chưa được áp dụng trong quá trình xử lý vi phạm, thay vào đó chủ yếu chỉ mới thực hiện theo phương thức ra quyết định hành chính (cao nhất là thu hồi đất) nên chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Kết luận của cơ quan quản lý về đất đai có đoạn “Tình trạng giao đất, cho thuê đất đã xảy ra tràn lan, chủ đầu tư bao biếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương...”.
Theo Từ Nguyên
Vneconomy