Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, bức tranh màu xám sẽ tiếp tục bao phủ thị trường bất động sản (BĐS) năm 2012. Ông Đực cho rằng, năm 2012 sẽ cực kỳ khó khăn, các chung cư cao cấp chắc chắn sẽ thất thế, không có người mua, vì vậy Nhà nước cần sớm ra luật lệ hướng dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào căn hộ nhỏ. Chính sách này càng kịp thời thì doanh nghiệp càng nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Nếu Nhà nước chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ bốc hơi.
“Tôi đang lo lắng một kịch bản hết sức nguy hiểm trong năm 2012. Nếu kịch bản xảy ra thì sẽ có một sự xáo trộn xã hội cực kỳ to lớn, Nhà nước phải can thiệp nhiều. Đồng thời nếu chúng ta xử lý không tốt, doanh nghiệp phá sản thì người dân có nguy cơ mất luôn nhà. Do đó, tôi mong rằng các nhà quản lý sẽ đề ra những chính sách phù hợp để giúp thị trường thoát khỏi khó khăn”, ông Đực nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng nội dung của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có một số điểm chưa phù hợp như quy định trong một dự án phải có 80% là chung cư đối với các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%, đô thị loại III đạt trên 30%... Quy định này có thể khiến thị trường đã khó khăn lại càng lâm vào cảnh tối tăm hơn.
Ông Hiệp ví dụ: “Đô thị ở xa trung tâm Hà Nội, các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, ngay phương thức sống trong khu chung cư tại các tỉnh đó chưa quen. Vì vậy, nếu dự án chung cư cao tầng ở những tỉnh xa như vậy, chắc chắn không bán được cho ai, gây ra sự lãng phí cho xã hội. Trong khi đó, tại khu vực nội đô, quy định 80% dự án là chung cư thì mật độ người sống tại nội đô lại tăng lên cao, trong khi đó, Hà Nội đang ùn tắc giao thông”.
Theo ông Hiệp, các cơ quan Nhà nước trước các văn bản pháp quy cần nắm được xu thế của thị trường, nhu cầu thực tế của xã hội để “đi vào đời sống”. “Hy vọng Bộ Xây dựng xem xét, có tác động giúp các doanh nghiệp và giúp người dân có nhu cầu nhà ở phù hợp đảm bảo tính chất thực tế của văn bản pháp quy”, ông Hiệp nói.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực BĐS khẳng định, chính sách quản lý thị trường đang tồn tại một nghịch lý, đó là vừa rất chặt chẽ lại vừa lỏng lẻo. Chặt ở chỗ Nghị định nào khi đưa ra cũng rất kỹ càng đến từng chi tiết. Tuy nhiên lại lỏng lẻo bởi thị trường chịu sự tác động từ nhiều cơ chế quản lý của các Bộ khác nhau nhưng thực tế, một số Bộ thường không thống nhất, Bộ nào cũng muốn giành lợi thế quản lý nhà nước về phía mình.
Ví dụ, để quản lý thị trường một cách thống nhất và minh bạch hoá hoạt động kinh doanh BĐS, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo ra sự khan hiếm hàng hoá giả tạo trên thị trường, Luật Kinh doanh BĐS đã quy định mọi giao dịch BĐS đều phải thông qua sàn, đây là một chính sách thể hiện sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tuy nhiên chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch thế nào thì chưa có quy định để kiểm tra, đánh giá nên nếu không quản lý tốt sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực.
“Các Nghị định khi soạn thảo ra, do một Bộ trình lên để Chính phủ duyệt nhưng các Bộ khác trong hệ thống Nhà nước lại không tham gia vào quá trình xây dựng Nghị định này nên khi khó khăn xảy ra thì trách nhiệm lại được đùn đẩy cho nhau. Đúng ra các Bộ phải cùng nhau xây dựng các Nghị định và cùng nhau chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan. Đây chính là vấn đề nhạy cảm về cơ chế chính sách của Nhà nước không chỉ liên quan tới thị trường BĐS mà còn là mấu chốt của các vấn đề trong xã hội”, chuyên gia này phân tích.
Vũ Như