Kể từ khi “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” ra đời (2008) cho đến nay tròn đúng 10 năm. Trong 10 năm ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã làm được nhiều thứ. Đã ra thêm dăm bẩy đầu sách. Đã trở thành đối tượng của vài ba hội thảo. Đã có tác phẩm được chuyển thể thành phim…
Những chuyện như thế diễn ra như thể cần phải thế, rất đỗi tự nhiên.
Thế nhưng, cho đến hôm nay, vào những ngày chớm đông 2018 này, cuốn truyện “Cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Anh chào đời thì lại có nhiều điểm lạ lẫm, gây bất ngờ đối với bạn đọc, kể cả bạn đọc trẻ em và người lớn. “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Đó là câu đề từ của cuốn sách được trích ra từ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” nói trên.
Điểm bất ngờ đầu tiên: Hóa ra “Cảm ơn người lớn” chính là câu chuyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được viết tiếp, được kéo dài, như người ta vẫn thường nói là “hậu” của cái đã viết. Vẫn là câu chuyện của bốn đứa trẻ con Tủn, Tí sún, Hải cò và cu Mùi được kể bởi người kể chuyện xưng “tôi” từ điểm nhìn ngày hôm nay, khi “tôi” đã lớn.
Khi đọc xong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, những tưởng nhà văn đã vét cạn kho ký ức tuổi thơ rồi, đã nói ra hết những điều gan ruột, và như thế cũng đã đủ rồi. Ai dè, ở “Cảm ơn người lớn”, vẫn chuyện của 4 đứa trẻ ấy thôi, mà còn diễn ra vô khối chuyện, vô khối cái nghĩ, cái cảm, tưởng như vô hồi vô tận, không có chỗ dừng. Mà cũng lại toàn chuyện bất ngờ, không kém gì nhưng pha trong tác phẩm trước. Khi đọc, tôi cứ một mình tự nắc nỏm: Sao cái ông nhà văn này giỏi chuyện đến vậy. Tập truyện gồm 19 chương, tập trung vào 4 câu chuyện nhỏ của 4 đứa trẻ: tập bay, tập vẽ bản đồ, viết và bán truyện tranh để giúp đỡ bạn mình đi học, và viết thư cho nhau. Kết thúc truyện là một tình huống có hậu: cu Hiệp (bạn của bốn đứa trẻ) được tiếp tục cắp sách đến trường. Mỗi câu chuyện nhỏ trong đó là mỗi bất ngờ. Bút pháp nhà văn cao cường đến nỗi dẫn dụ người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, gây cuốn hút.
Điểm bất ngờ thứ hai khiến tôi thích thú: Nếu như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là thông điệp hãy trở về với tuổi thơ, được sống lại tuổi thơ, tuổi thơ như những vị thuốc thần tiên để giúp mỗi người lớn sống đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, nhân bản hơn; thì đến lượt “Cám ơn người lớn”, vẫn có ý vị của những thông điệp trên, nhưng nhà văn tập trung vào ý tưởng: Làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, người lớn vẫn cứ “ngốc nghếch” mãi; nên tuổi thơ ơi, hãy biết thương người lớn, biết cảm thông cho người lớn. Té ra cuộc đời này thật lạ lùng: người lớn thì mãi mãi “ngốc nghếch”, còn trẻ con thì mãi mãi “điên điên”. Hãy cố mà hiểu nhau, cảm thông cho nhau, thì cuộc đời này bớt khổ, và đầy lên nhân ái.
Hai thông điệp của hai tập truyện trước và sau như hai chiều của một véc-tơ, dào lên lòng nhân bản của con người, dào lên nỗi yêu thương của con người và của muôn loài trên mặt đất này, vũ trụ này.
Tôi cố gắng lý giải câu hỏi vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại có thể viết mãi về tuổi thơ như thể không hề cạn bút?
Hẳn là Nguyễn Nhật Ánh đã có được một miền ký ức tuổi thơ vô cùng sâu và rộng. Thế nhưng cái vốn liếng ấy, không chỉ riêng nhà văn có được, mà hẳn nhiều người cũng có.
Hẳn là Nguyễn Nhật Ánh có một kiểu cấu trúc tâm hồn mang tính hồn nhiên, trẻ thơ mãi mãi? Cũng có thể. Điều này chắc hẳn Giời cho, có muốn cũng chẳng được.
Có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất là: Bằng cách kỳ lạ/kỳ diệu nào đó, anh đã bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ “vô nhiễm”. Vâng, tâm hồn người nghệ sĩ này không bao giờ có thể bị những thói trơ lì, vô cảm, đố kỵ, ác độc của đời sống làm cho vấy bẩn, làm cho cằn cỗi. Bằng một cách thật tự nhiên, tâm hồn này có khả năng kháng cự lại những thứ chất độc của đời sống. Nguyễn Nhật Ánh đã bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm anh minh.
Và như thế, anh sẽ còn viết mãi. Viết mãi cho bạn đọc tuổi thơ. Viết mãi cho những ai từng là trẻ thơ. Cho tất cả chúng ta.
“Cảm ơn người lớn” chắc chắn lại là một “quyền lực” văn chương nữa chinh phục và thôn tính bạn đọc.
Cự Lộc, ngày 8/11/2018
Cuốn “Cảm ơn người lớn” bản đặc biệt bìa cứng chỉ in 1 lần