Xuất khẩu tăng trưởng âm:

Nguyên nhân từ bùng nhùng chính sách

TP - Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,51 tỷ USD, bằng 25% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập siêu gia tăng trong khi tăng trưởng xuất khẩu quý I âm đang là mối quan ngại lớn đối với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7% đề ra trong năm 2010.

Hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua sông Ka Long - Quảng Ninh. Ảnh: Quyền Thành

Khó kìm nhập siêu

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 8,86 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2009.

Dù mới gần kết thúc quý I nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương, mục tiêu kìm chế nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu là rất khó khăn. Đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 7% như đề ra không phải đơn giản.

Với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 14 tỷ USD thì xuất khẩu 9 tháng cuối năm phải đạt 47 tỷ USD, tương đương mức tăng xuất khẩu bình quân 5,2 tỷ USD/tháng. Ước nhập siêu ba tháng đầu năm khoảng 3,5 tỷ USD trong khi quý I tăng trưởng âm là rất đáng quan ngại”.

Nhập siêu gia tăng một phần do trong các tháng đầu năm, chúng ta phải chi hơn 200 triệu USD để nhập khẩu vàng bạc, đá quý để can thiệp thị trường.

“Theo tính toán của Vụ Xuất nhập khẩu, nếu có được nguồn thu từ xuất khẩu vàng bạc như năm 2009 cộng với nguồn dầu thô xuất khẩu không bị suy giảm thì sẽ đạt được mức tăng trưởng tới 22%. Nhập khẩu của doanh nghiệp tăng mạnh cả về lượng và giá trong các tháng đầu năm cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhập siêu tới 11 tỷ USD”- Ông Biên cho biết.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thị trường hiện có những diễn biến khó giải thích, không hiểu giá đang diễn biến theo quy luật nào của thị trường”.

Nhập siêu tăng một phần do chính sách

Đánh giá về nguyên nhân khiến nhập siêu gia tăng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đức cho biết, 60% nguyên liệu sản xuất giấy của các Cty trong nước là nhập khẩu.

Trong đó, bột giấy nhập khoảng 100 triệu USD và giấy loại khoảng 200 triệu USD/năm. Sở dĩ ngành giấy phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu là vì doanh nghiệp trong nước không thích thu mua giấy tái chế trong nước. Giá giấy loại trong nước không thấp hơn giá nhập khẩu, nhưng phân loại giấy kém hơn và thủ tục thuế thu gom rất rườm rà.

Mặt khác, ý thức tận dụng giấy thải để tái chế của người dân Việt Nam còn rất thấp. Đại diện ngành giấy kiến nghị Bộ Công Thương xem lại những quy định để công tác thu gom giấy loại trong nước thuận lợi hơn, nhằm hạn chế nhập khẩu.

Đưa ra một ví dụ khác về bất cập trong chính sách dẫn đến nhập siêu gia tăng, ông Biên cho biết, tình trạng này cũng diễn ra đối với mặt hàng lúa mì.

Hiện Bộ Công Thương và Tài chính đang rà soát lại việc nhập khẩu và mức thuế đối với lúa mì. Chúng ta đang có hai dòng thuế. Một loại là thuế nhập khẩu với bột mì làm thức ăn gia súc với mức thuế 0% và bột mì cho mục đích khác với mức thuế 5%.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhập về thì Hải quan không xác định được bột mì nào làm thức ăn gia súc và bột mì nào làm thức ăn cho người dẫn đến không biết áp mức thuế nào.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Nguyễn Gia Tường cũng đề nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt nguồn phân bón NPK nhập khẩu. Sản lượng NPK trong nước đang dư thừa nhưng nhập khẩu có xu hướng tăng.

Khắc phục nhập siêu từ Trung Quốc

Ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, nếu bóc tách bức tranh kinh tế của Việt Nam trong những tháng qua thì cần tìm biện pháp khắc phục nhập siêu từ Trung Quốc.

Theo ông Trụ, hiện rất nhiều sản phẩm Việt Nam sản xuất được, đặc biệt các sản phẩm kết cấu, nhưng lại không có thị trường hoặc không cạnh tranh do hầu hết các thiết bị lớn cho nhà máy khi đấu thầu thì doanh nghiệp Trung Quốc đều thắng. Khi thắng thầu, doanh nghiệp Trung Quốc thường dùng máy móc của họ và đưa cả người vào làm.

Ông Trụ kể “Hôm vừa rồi tôi đi xuống nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, toàn công nhân và máy móc của Trung Quốc. Như vậy, ngay cả công ăn việc làm của mình cũng mất, chưa nói đến máy móc thiết bị sản xuất trong nước bị cạnh tranh dữ dội trong thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu 3 tháng ước đạt 17,525 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu cần nhập khẩu tăng 35,3%; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu dự báo tăng khoảng 60,2% và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.