Theo một số bản khai tại cơ quan điều tra, Nguyễn Đức Chi giả chữ ký của ông Sergei và bà Olga - chủ của hai Cty tại Nga cùng lập ra Cty RIT- trong toàn bộ các văn bản có chữ ký của họ.
Tại phiên tòa hôm qua, Chi nhận đó là việc làm sai, nhưng chỉ sai về hình thức lập văn bản. Bị cáo đã được họ uỷ quyền, nên các văn bản đó thể hiện đúng ý chí của chủ đầu tư dự án Rusalka, có giá trị pháp lý! Việc giả chữ ký của họ là cần thiết cho việc lập hồ sơ xin thay đổi vốn pháp định và xin chuyển nhượng dự án.
Theo Chi, Bộ Tài chính đã xác định giá trị các công trình tại Rusalka là 131 tỷ đồng, trong khi Chi chỉ nợ các chủ thầu 60 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực sự có bỏ vốn vào dự án, không phải là vốn ảo.
Toà nêu con số vốn góp vào dự án Rusalka của ông Vũ Anh Tuấn (198.000 USD), Phạm Tiến Dũng (400 triệu đồng), bà Phạm Thúy Ngân (800.000 USD), Mehmet Kin (225.000 USD).
Giấy xác nhận vốn góp của những người này do Mehmet Kin ký, trong số họ chỉ ông Kin có mặt tại toà. Ông Kin (Tổng GĐ Cty RIT, bài trước viết nhầm là Phó Tổng GĐ) khai rằng 225.000 USD là giá trị bản thiết kế dự án Rusalka, ông không có tiền chuyển vào tài khoản của Cty RIT.
Tòa dẫn lời khai của bà Ngân, theo đó, bà có đưa 800.000 USD cho Chi vay với tư cách cá nhân. Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Cty RIT của bà Ngân chỉ là chức danh hão, bà không đại diện cho hai Cty Nga tại RIT. Bản khai của ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, vì muốn có cơ sở đòi tiền Chi nợ nên bà Ngân đòi lập giấy xác nhận vốn góp vào Cty RIT, không có giá trị pháp lý thực tế…
Bà Đỗ Thúy Vân – nguyên kế toán trưởng Cty RIT khai, không thấy có các khoản tiền trên chuyển vào tài khoản của Cty. Trước lời khai của bà Vân, ông Kin thừa nhận, các giấy xác nhận vốn góp đều chỉ là giấy khống.
Cuối chiều 26/2, phiên tòa sang phần tranh tụng. Theo lời luận tội của kiểm sát viên Trương Minh Đức - đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa giữ quyền công tố tại Tòa, việc truy tố Nguyễn Đức Chi về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ. Đại diện VKSND đề nghị mức án 18 - 24 tháng tù giam đối với Nguyễn Đức Chi.
Các luật sư cho rằng, Chi không giả mạo khi làm hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư dự án Rusalka, năm 1999. Sau này, nếu có giả mạo thì cũng không gây hậu quả xấu. Hơn nữa, chưa có căn cứ khẳng định Chi giả mạo giấy tờ. Bởi vì, kết luận giám định chữ ký không khẳng định đó là các chữ ký do Nguyễn Đức Chi viết. Không có cơ quan nhà nước bị làm giả tài liệu, không có tài liệu bị làm giả. Các luật sư cho rằng, Chi chỉ có hành vi làm tài liệu giả, không phạm tội làm giả tài liệu, chỉ đáng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hôm nay, phiên toà tiếp tục.