> Quyết liệt tiết kiệm điện
> Thông 'liều' và cú đột phá với đèn cao áp tiết kiệm điện
Gia đình anh Cường có truyền thống làm nghề cơ khí và cha anh là thợ cơ khí có rất nhiều tâm huyết, đã tạo ra được nhiều dụng cụ phục vụ nhu cầu của người dân như thang bật, căm xe, trục xoay, khung xe kéo… Là con trai út trong gia đình và vì thế anh thường được gọi với cái tên thân thương: Út Cường. Từ thơ ấu, Út Cường đã chứng kiến công việc của cha và vì ham học hỏi nên được cha truyền thụ nghề, từ căn bản đến nâng cao nên ngay từ nhỏ anh đã tự biết làm ra những món đồ chơi bằng chính các vật liệu trong xưởng gia đình.
Năm 1988, khi học hết lớp 12, anh đã quyết định chọn vào học lớp công nhân điện tại Trường trung học Điện 2. Sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Điện lực Sông Bé (nay là Công ty Điện lực Bình Dương) và hiện anh đang theo học chuyên ngành Điện - Điện tử tại Trường Đại học Bình Dương.
Hưởng ứng chủ trương tiết kiệm điện và năng lượng của nhà nước, anh Cường luôn trăn trở và tự hỏi phải làm gì để tiết kiệm mà vẫn đủ nguồn năng lượng cần thiết phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống gia đình.
Năm 2012, từ mọi thứ có sẵn trong xưởng cơ khí cũ của gia đình và một số thiết bị điều khiển mua được từ chợ mua bán thiết bị cũ trên Internet, với sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật thiết kế từ một người thầy giáo, anh Cường đã mày mò nghiên cứu làm nên chảo thu năng lượng mặt trời để làm nóng nước, phục vụ nhu cầu hàng ngày trong gia đình như nấu ăn, rửa bát chén, tắm, giặt… Anh Cường cho biết, khi trời nắng gắt, nhiệt lượng thu về có thể làm cho nước lên đến độ sôi, tức 100 độ C, dùng pha trà trực tiếp như nước đun nấu bằng điện hoặc gas.
Chảo thu năng lượng mặt trời “Made in Út Cường” bắt đầu được sử dụng vào tháng giêng năm 2013. Kể từ khi có chảo thu năng lượng mặt trời, gia đình anh dường như không còn phải dùng điện đun nước nóng. Nhờ vậy, lượng điện sử dụng trong gia đình anh Cường giảm mạnh và tiền điện hàng tháng cũng giảm theo. Số điện năng tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2013 của gia đình anh Cường giảm so với cùng kỳ năm 2012 là 757 kWh (đạt tỷ lệ 23,34%), số tiền điện tiết kiệm được hơn 2 triệu đồng.
Chia sẻ về mặt kỹ thuật, anh Cường cho biết, chảo được làm bằng composite, trên bề mặt chảo được dán màng bạc giúp tăng hiệu suất thu năng lượng cao nhất. Chi phí để làm chảo chỉ từ 250 - 300 nghìn đồng/chảo, nên rất dễ ứng dụng rộng rãi kể cả ở thành thị lẫn vùng sâu vùng xa chưa có điện.
Theo anh Cường, mô hình chảo thu năng lượng cũng đã được một vài nơi ứng dụng cho người dân nghèo ở các khu vực không có điện. Tuy nhiên, cái khác lạ và độc đáo của chảo thu năng lượng mặt trời của anh Cường là có gắn thiết bị điều khiển tự động giúp cho chảo luôn quay theo hướng mặt trời và nghiêng ở độ nghiêng sao cho hứng được ánh nắng mặt trời ở mức độ nhiều nhất.
Cũng theo anh Cường, ngoài việc tiết kiệm điện và giảm một phần chí phí cho gia đình, chảo thu năng lượng còn đạt được các mục đích khác, trong đó góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng sạch và nâng cao ý thức tiết kiệm điện của các thành viên trong gia đình bằng giải pháp và việc làm cụ thể.
Anh Cường cho biết, trong thời gian tới anh tiếp tục nghiên cứu khai thác tối đa nguồn năng lượng từ chảo thu năng lương mặt trời như là để tạo ra nguồn điện năng sử dụng cho chiếu sáng gia đình. Bên cạnh tận dụng tối đa nguồn năng lượng qua chảo thu năng lượng mặt trời, anh Cường còn hướng dẫn tất cả thành viên trong gia đình sử dụng điện tiết kiệm cụ thể: tắt thiết bị điện khi không sử dụng, có chế độ sử dụng tivi, hàng tuần ủi áo quần một lần vào thời gian thấp điểm… Các thành viên trong gia đình anh cũng cam kết sử dụng thiết bị điện đúng theo hướng dẫn của ngành điện.