Người mẫu 'xác ướp' bị cấm hành nghề

Ở Israel, một luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, cấm ngành quảng cáo sử dụng người mẫu nhẹ cân. Luật đặt ra giới hạn chặt chẽ về chỉ số cơ thể BMI (Body Mass Index, trọng lượng (kg)/chiều cao x chiều cao) ít nhất là 18,5 - nếu thấp hơn con số này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một người nhẹ cân và suy sinh dưỡng.
Luật mới về chỉ số BMI của Israel nhằm chống lại chứng rối loạn chán ăn.

Theo đó, bất cứ người mẫu nào có chỉ số BMI nằm dưới 18,5 sẽ không được xuất hiện trên sàn catwalk hay trong ngành quảng cáo. Luật cũng không cho phép sử dụng phần mềm vi tính như photoshop để chỉnh sửa cơ thể người mẫu.

Rachel Adatto, người chủ trương đề xướng luật này trong Quốc hội Israel (Knesset), cho biết: "Tôi muốn phổ biến luật này nhằm phản ứng lại nạn dịch rối loạn ăn diễn ra ở giới trẻ. Ngày nay có quá nhiều cô gái lý tưởng hóa cơ thể người mẫu đến mức muốn thật giống như họ".

Nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu rằng luật mới có làm giảm bớt được những ca bệnh rối loạn ăn đang tăng như là anoraxia (biếng ăn), bulimia (cuồng ăn vô độ)… hay không?

Walter Kaye, bác sĩ tâm thần và là Giám đốc Khoa Rối loạn ăn Đại học California ở San Diego (Mỹ), nhận định: "Đây là đề tài gây nên nhiều hoài nghi. Có những người cảm thấy xã hội đóng vai trò lớn và cũng có những người cho rằng chính sự di truyền và sinh học đóng vai trò hàng đầu trong sự phát sinh các rối loạn ăn".

Báo chí thế giới cũng đưa tin rất nhiều về những trường hợp người nổi tiếng và người mẫu bị rối loạn ăn. Theo đánh giá từ cuộc điều tra dinh dưỡng của Mỹ, dưới 5% công dân nước này trải qua giai đoạn bị rối loạn ăn trong đời. Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng có tỷ lệ tương tự. Phần lớn các nghiên cứu trên thế giới được sử dụng làm nền tảng để ủng hộ luật mới của Israel.

Chuyên gia liệu pháp tâm lý Mỹ Sarah Ravin phát biểu: "Tôi hoàn toàn ủng hộ luật mới của Israel nếu như mục đích của nó là nhằm giúp giảm bớt tình trạng không hài lòng với cơ thể mình, đồng thời quảng bá cho cơ thể mạnh khỏe trong quảng cáo".

Quốc hội Israel nhất trí thông qua luật cấm sử dụng người mẫu có chỉ số dưới 18,5, trong khi các quốc gia khác đang nghiên cứu một luật tương tự để chống lại xu hướng nhịn ăn để được gầy hơn bằng bất cứ giá nào.

Rachel Adatto mô tả luật mới là "cuộc cách mạng về khái niệm của cái đẹp, loại bỏ hình ảnh người mẫu gầy nhom kích thích giới trẻ cố gắng noi theo một cách mù quáng". Ngoài ra, người mẫu bắt buộc phải có giấy chứng nhận của bác sĩ về chỉ số BMI. Luật mới cũng áp dụng đối với người mẫu xuất hiện trên trang bìa tạp chí và những hình ảnh nhập khẩu vào Israel.

Danny Danon, thành viên đảng Likud cùng làm việc với Racehl Adatto về bộ luật, cho rằng luật dành cho người mẫu là "bước đột phá quan trọng chống lại các rối loạn ăn" gây nguy hiểm cho tính mạng. Rachel Adatto cũng đang hướng đến một luật bắt buộc những người bị rối loạn ăn phải nhập viện để được điều trị. Mỗi năm, có khoảng 1.500 người Israel chết do rối loạn ăn.

Mục đích của luật mới là ngăn chặn sự lý tưởng hóa cơ thể quá gầy làm gia tăng các trường hợp rối loạn ăn trong xã hội Israel hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ.

Người mẫu kiêm diễn viên người Do Thái Bar Rafaeli sinh năm 1985 được cho là có chỉ số BMI lý tưởng 18,8 và thường xuyên xuất hiện với trang phục áo tắm trên mặt báo Sports Ilustrated cũng như làm mẫu cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Ralph Lauren, Reebok, Gap và Marks & Spencer.

Hình ảnh người mẫu trên biển quảng cáo khổng lồ ở Israel.

Các người mẫu nước ngoài cũng bắt buộc phải xuất trình chứng nhận y khoa về BMI trước khi được phép làm việc tại Israel.

Thật ra, vấn đề người mẫu siêu gầy cũng gây quan ngại tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Năm 2006, Italia và Ấn Độ cấm những người mẫu siêu gầy bước lên sàn catwalk sau vụ tử vong của 2 người mẫu bị rối loạn ăn ở Uruguay và Brazil.

Người mẫu Luisel Ramos, 22 tuổi, của Uruguay bất ngờ bị đột quị và chết sau khi rời khỏi sàn diễn thời trang được cho là trụy tim do rối loạn ăn. Luisel Ramos cao 1,79m và cân nặng 43kg. Năm 2007, người mẫu Ilanit Elmalich cao 1,7m của thương hiệu Elite chết tại bệnh viện sau khi thể trọng sụt xuống chỉ còn… 22kg!

Chính quyền các quốc gia khác cũng có biện pháp ngăn chặn người mẫu siêu gầy song lại né tránh việc làm luật. Năm 2008, Tuần Thời trang Madrid ở Tây Ban Nha cấm những người mẫu có chỉ số BMI dưới 18, còn Tuần Thời trang Milan ở Italia cấm người mẫu có chỉ số BMI dưới 18,5.

Trong khi đó, Mỹ và Anh mặc dù ra lệnh cấm nhưng lại để cho ngành công nghiệp thời trang tự quyết định tiêu chuẩn riêng. Hội đồng Các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) không đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc về chỉ số BMI đồng thời nhấn mạnh không kiểm soát các nhà thiết kế.

Năm 2007, nhiếp ảnh gia Oliviero Toscani công bố bức ảnh chụp người mẫu Pháp Isabelle Caro da bọc xương chỉ cân nặng 32kg và nó được sử dụng trong chiến dịch tuyên truyền "No Anorexia" tại sự kiện Tuần Thời trang Milan diễn ra tại Italia và Pháp. Bức ảnh chụp Caro đã gây sốc toàn thế giới.

Về sau, khi xuất hiện trong chương trình "The Inside" của Đài truyền hình CBS, Mỹ, Isabelle Caro chỉ cân nặng 25kg và cao 1,65m!

Theo Theo Công an Nhân dân