Ký ức ở khắp các chiến trường
Năm 1968, sau khi được huấn luyện 1 tháng, chàng thanh niên Phạm Văn Mão nhập ngũ với công việc đầu tiên là y tá, sau đó vào đội trinh sát thông tin vô tuyến ở Tiểu đoàn 71, Binh trạm 33, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Ông Mão có ý tưởng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh là từ năm 1969, khi ông chứng kiến đồng đội hy sinh. Với ông Mão, việc lưu giữ những kỷ vật này như một sự tưởng nhớ, tri ân về đồng đội.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông Mão trở về quê hương tiếp tục đóng góp sức mình vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ông đảm nhiệm nhiều công việc, như: Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Thái Lai, Bí thư Đảng ủy, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Đến năm 1999, do sức khỏe yếu, ông Mão xin nghỉ công tác, ở nhà phụ giúp công việc gia đình.
Dịp tháng 4 này, chúng tôi ghé thăm ông Mão ở căn nhà ngói đơn sơ nơi xóm núi Minh Sơn. Với dáng vẻ hao gầy, tóc đã điểm bạc, trên người khoác bộ trang phục quân đội ngồi cất xếp từng kỷ vật từ 2 chiếc ba lô màu xanh đã cũ. Ông Mão kể, biết đến tâm nguyện của ông muốn có một nơi để trưng bày kỷ vật của đồng đội, có đơn vị đã hỗ trợ giúp ông một số thiết bị để ông trang trí, trưng bày hơn 100 kỷ vật của đồng đội tại gian nhà nhỏ của gia đình. Tuy nhiên, do nhà xuống cấp cần sửa sang lại nên hiện giờ những kỷ vật lại được cất đưa vào những chiếc ba lô.
Ở những chiến trường ông Mão tham gia, cách thức lưu giữ kỷ vật của ông Mão là những kỷ vật nào nhỏ gọn thì cầm theo, còn những kỷ vật, vật dụng không tiện mang theo dễ hư hỏng, mất mát, vướng víu thì ông chôn dưới đất, đặt các dấu hiệu để sau này đi tìm lại. Sau khi phục viên, đến nay, ông đã nhiều lần xách ba lô trở lại các chiến trường ở nước bạn Lào và các chiến trường Lao Bảo, Quảng Nam..., tìm đến những ký hiệu năm xưa để tìm lại kỷ vật. Có những kỷ vật được tìm thấy, có những kỷ vật không tìm thấy do sự thay đổi của địa hình. Đến nay, ông Mão đã tìm được 167 kỷ vật của đồng đội, và có khoảng gần 30 kỷ vật nữa ở những cánh rừng khắp các chiến trường ông chưa thể tìm thấy. Các kỷ vật có nhiều loại khác nhau như: dao, hộp đựng thức ăn, mảnh dù, võng, dao, thư viết tay, dây thắt lưng, bình đựng nước...
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện
Vừa lấy từng kỷ vật ra để mọi người chiêm ngưỡng, ông Mão vừa nói, mỗi kỷ vật là một câu chuyện của đồng đội. Có người ông Mão biết tên, có người thì chưa kịp hỏi tên hay địa chỉ. Lại có kỷ vật gắn với một diễn biến của sự kiện trong hành trình của ông và đồng đội ở các chiến trường.
Cầm chiếc bình tông (một loại bình đựng nước), ông kể: Lúc ấy, trong một chuyến trinh sát, ông Mão có nhiệm vụ đi tìm nước uống cho mình và đồng đội. Tìm đến một con suối gần hành trình trinh sát thì suối cạn khô, trơ đáy. Lúc này phát hiện một tên lính ngụy bị thương nặng khó có thể qua khỏi nằm cạnh suối. Gặp ông Mão, tên lính ngụy xin tha mạng, ông Mão cõng tên lính ngụy vào một khu vực hầm trú gần đó, băng bó vết thương. Tên lính ngụy nói rằng, với vết thương này, hắn không thể sống được nên đưa chiếc bình tông còn hơn nửa bình nước đưa cho ông Mão và đồng đội.
Hạ chiếc bình tông xuống, ông Mão cầm chiếc lược được làm từ xác máy bay, đôi mắt ông ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Ông Mão kể: Trong giai đoạn 1969 - 1971, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá tuyến đường Trường Sơn nhằm chia cắt huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Trong trận bom đó, đồng đội của tôi là ông Lê Văn Nhường, quê ở tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ, bị trọng thương. Tôi đã cõng ông Nhường đi gần 10 km để tìm sự trợ giúp, mong muốn cứu được đồng đội. Thế nhưng, biết mình không thể vượt qua được, ông Nhường đã đề nghị tôi dừng lại, lôi trong người ra chiếc lược - kỷ vật ông Nhường luôn mang theo người, để đưa cho tôi. Ông Nhường mong muốn tôi tìm gặp người yêu của ông Nhường để trao tặng lại chiếc lược.
Sau này, ông Mão đã tìm về quê hương Hà Bắc, nhưng không tìm được người con gái ấy. Ông nghe mọi người kể, người con gái ấy đã lấy chồng về một tỉnh khác, ông lại tiếp tục đi tìm nhưng vẫn không tìm thấy. Qua nhiều kênh thông tin, ông nhắn nhủ, mong muốn tìm gặp người con gái ấy nhưng đến nay ông vẫn chưa có tung tích gì. Chiếc lược hiện vẫn được ông giữ lại.
Còn chiếc võng màu xám là câu chuyện cảm động của ông và đồng đội với một nữ đồng chí chưa kịp biết tên, địa chỉ. Vào tháng 2/1971, ông Mão và đồng đội đưa một nữ cán bộ về địa điểm an toàn để sinh con. Đang trên đường đi, nữ cán bộ bất ngờ chuyển dạ, ông Mão cùng đồng đội đun nước nóng, phục vụ việc sinh con của nữ cán bộ. Sau khi đứa trẻ chào đời, mặc dù lửa đun nước đã được dập ngay sau đó, nhưng quân địch vẫn phát hiện nên thả bom. Dù đã có tính toán chạy tránh bom, nhưng cả mẹ và đứa trẻ vừa sinh được 30 phút vẫn bị thương ở đùi. Ông và đồng đội cùng 2 mẹ con nhanh chóng di chuyển. Sau đó, địch đánh tan vị trí đun nước, đường giao liên bị phá hủy hoàn toàn. Nữ đồng chí ấy đến nay ông Mão vẫn chưa được gặp lại, chưa kịp hỏi tên, địa chỉ. Chiếc võng trên là do nữ đồng chí đổi cho ông Mão lấy chiếc võng đôi của ông để tiện cho hai mẹ con khi nằm nghỉ.
Bà Bùi Thị Y (vợ ông Mão) cho biết: Có những thời điểm, nhớ về đồng đội, ông lại mong được đi tìm các kỷ vật mà đồng đội đã trao lại. Mặc dù thấy ông vất vả đi lại, nhưng là người vợ, tôi luôn ủng hộ những việc ông làm với đồng đội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những lần ông ấy đi không có tiền, gia đình đã bán cả con lợn nái để đưa cho ông ấy có chi phí đi đường. Có lần thiếu tiền, ông ấy còn đi làm thuê kiếm tiền để thực hiện ước nguyện của mình. Tất cả những kỷ vật được tìm thấy, đều được ông Mão cất giữ như những báu vật. n
Hiện nay, trong cơ thể ông Mão vẫn đang còn mảnh đạn cứ hành hạ ông mỗi khi thời tiết thay đổi. Nhưng theo lời ông Mão kể thì chưa bao giờ ông nguôi ngoai ý định dừng cuộc tìm kiếm kỷ vật thiêng liêng của đồng đội. Vào những dịp lễ, khi được mời tham gia kể chuyện chiến trường xưa, ông Mão say sưa kể lại những câu chuyện của đồng đội trong niềm tưởng nhớ, tri ân và tự hào. Lo lắng không biết sau này gần 200 kỷ vật của ông sẽ được lưu giữ như thế nào, ông Mão ước nguyện có được một nơi lưu giữ các kỷ vật, với những câu chuyện cảm động của một thời lửa đạn.