Trong quá trình thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ và hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, KBNN đã không ngừng đổi mới cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ, đồng thời triển khai các dự án nâng cấp công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN). Điều này đã thu hút sự hợp tác chặt chẽ giữa KBNN, cơ quan Thuế, Hải quan và các ngân hàng thương mại.
Nhờ đó, việc thu NSNN đã trở nên nhanh chóng, đầy đủ và kịp thời, mang lại lợi ích cho người nộp thuế và mọi bên liên quan. Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn tồn tại trong việc phối hợp thu NSNN, như việc dữ liệu và thông tin thu nộp chưa được cập nhật một cách đầy đủ và chính xác. Điều này tạo ra thách thức cho việc tổ chức thu và so sánh số liệu giữa các cơ quan. Chính vì vấn đề này, nhóm tác giả KBNN Thanh Hoá đã quyết định nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện công tác phối hợp thu NSNN qua KBNN tại tỉnh Thanh Hóa”, với mong muốn góp phần cải thiện cả về lý thuyết và thực tế.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của Chủ nhiệm đề tài khoa học và nhận xét đánh giá của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, đề tài đạt được một số kết quả như sau:
Về mặt lý luận: Đề tài đã hệ thống hóa được một số vấn đề lý luận về thu NSNN, phối hợp thu NSNN cũng như nội dung phối hợp thu NSNN. Đề tài cũng đã đi sâu nghiên cứu các yếu tố tác động đến công tác phối hợp thu NSNN bao gồm các nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan. Với việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của KBNN một số địa phương, tác giả rút ra được bài học kinh nghiệm áp dụng đối với KBNN Thanh Hóa.
Về mặt thực tiễn: Đề tài đã phân tích đánh giá thực trạng triển khai công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 – 2022. Với những đánh giá, phân tích xác đáng thông qua các bảng biểu, sơ đồ, mô tả thực trạng đầy đủ, tích lũy được qua các năm, đề tài đã rút ra những mặt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất những giải pháp tại Chương 3.
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá tại phần thực trạng, gắn với mục tiêu công tác phối hợp thu NSNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đề tài đã đưa ra được 5 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện công tác phối hợp thu NSNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, tác giả cũng có một số kiến nghị với các cấp có thẩm quyền. Những giải pháp, kiến nghị này có tính khả thi cao, giải quyết được cơ bản mục tiêu mà đề tài hướng tới.
Kết quả nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Xuất sắc./.