Nghệ sĩ xiếc còn kể khổ tới bao giờ?

TP - “Nghệ sĩ không ai chết đói, nhưng đói đến chết”, ý kiến của PGS.TS Phạm Duy Khuê góp thêm một tiếng nói về thực trạng ngành xiếc.
Một tiết mục dự thi Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018

“Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập”- tọa đàm do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì ngày 8/12, quy tụ nhà quản lý, chuyên gia và người làm nghề để nhìn thẳng, mổ xẻ thực trạng ngành xiếc. NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam kể, bạn bè quốc tế tới thăm cơ sở vật chất trường xiếc và Liên đoàn xiếc đều tấm tắc về mức độ đầu tư. Nhân tố con người mới là điều đáng lo ngại. 12 năm Cục mới tổ chức cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc quy mô toàn quốc, nghệ sĩ có dịp trổ tài và bộc bạch trăn trở về nghề.

“Đãi ngộ cho nghệ sĩ thấp, chúng tôi kiến nghị lên các sở ban ngành quan tâm hơn. Ngành này tuổi nghề rất ngắn ngủi chỉ 10-20 năm. Lương mới vào nghề chỉ hơn 2 triệu đồng. Dù chúng tôi vẫn khuyến khích các em tập luyện phục vụ công chúng, nhưng chế độ đãi ngộ quá thấp”, NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam nói. Thiếu nhân sự nên nghệ sĩ 40-50 tuổi như anh vẫn lên sân khấu trình diễn. Chung tâm trạng, bà Trần Thanh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội nói tới nỗi lo diễn viên xiếc đang già hóa-tuổi nghệ sĩ biểu diễn trung bình 30 tuổi.

“Đào tạo xiếc hiện chưa đáp ứng được toàn ngành, do đó các đơn vị đều gặp khó vì thiếu nguồn diễn viên trẻ. Nếu nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp có cuộc sống tốt hơn, có cơ chế đãi ngộ tốt hơn thì hẳn tuyển sinh đầu vào thuận lợi hơn”, NSND Vũ Ngoạn Hợp nói.   

Nói nghệ sĩ ở nước ta “không ai chết đói nhưng đói đến chết”, PGS.TS Phạm Duy Khuê đồng cảm với nỗi khổ của nghệ sĩ sống bằng sự mạo hiểm tính mạng. “Nhiều lần tôi hỏi lãnh đạo những câu như: Có dám trao danh hiệu NSƯT, NSND cho diễn viên xiếc 14-15 tuổi không, có dám trả lương cho các em tương xứng với tài năng hay không hay phải đợi đến lúc có tuổi mới được xét, được tặng, được tưởng thưởng”, ông nói.

 “Cần có chiến lược đồng bộ, dài hạn tổng thể để khắc phục hạn chế và phát triển xiếc ổn định về mọi mặt”, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói. Nhiều nghệ sĩ thừa nhận không thể cứ kêu khó, trông chờ nhà nước nếu không tự vận động trong xu thế mới. Thành tích và danh tiếng của anh xem hoàng tử xiếc Quốc Cơ-Quốc Nghiệp cho nghệ sĩ thêm động lực để thêm yêu nghề và thay đổi, tự tạo cơ hội phát triển.