> Sự cố tại phiên Hạ viện Anh chất vấn cha con ông Murdoch
Mặt trái trên dường như đang ngày càng trở nên tồi tệ và có khả năng gây ra sự bùng nổ về chính trị trong bối cảnh xã hội ngày càng mất công bằng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế. Luân Đôn trở thành nơi những ông trùm truyền thông nước ngoài dùng tiền để gây ảnh hưởng tới chính phủ và là “thiên đường” của những kẻ rửa tiền.
Vụ bê bối đã làm “bẽ mặt” thủ tướng cùng giới lãnh đạo chính trị của Anh. Không chỉ có vậy, vụ bê bối còn chỉ ra một vấn đề lớn hơn đang tồn tại trong xã hội Anh - đó là mối quan hệ quá gần gũi giữa những nhóm người nắm trong tay nhiều quyền lực và ảnh hưởng.
Daniel Kaufmann thuộc viện Brookings tại Washington cho rằng điểm mấu chốt của vấn đề là tổ chức tư nhân nhiều quyền lực thường gây ảnh hưởng tới các chính sách công của Anh bằng các hình thức tham nhũng hết sức tinh vi. Nếu không được kiểm tra nghiêm ngặt, tình trạng “tư hữu hóa chính sách công” sẽ diễn ra và nguy cơ này đang ngày càng gia tăng ở cả Anh và Mỹ.
Tình trạng này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến nước Anh thành một trong những trung tâm ngân hàng tham nhũng nhất thế giới.
Ảnh hưởng lâu dài của vụ việc là uy tín của giới lãnh đạo Anh, đặc biệt là của giới truyền thông và cảnh sát, sẽ sụt giảm hơn nữa trong con mắt của người dân.
Thủ tướng Anh David Cameron có thể sẽ “thoát” được vụ bê bối này, song chắc chắn khó tránh được “tì vết”, giống như cựu Thủ tướng Tony Blair bị sa lầy bởi sự can dự của Anh vào cuộc chiến tại Iraq. Danh tiếng của ông Cameron đã bị ảnh hưởng nặng nề và lòng tin của công chúng vào thể chế chính trị, kinh doanh và truyền thông của Anh, vốn đã lung lay, nay lại càng giảm mạnh.