Từ năm 1992, chính sách BHYT đã được Việt Nam tổ chức thực hiện, vì mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân. Từ năm 2019, Thủ tướng đã quyết định chọn ngày 1/7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”. Đây là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức và toàn dân cùng thực hiện tốt chính sách về BHYT, qua đó bảo vệ sức khỏe chính minh, gia đình và toàn xã hội, vì an sinh đất nước.
Ngày BHYT Việt Nam cũng là dịp để vận động, nâng cao nhất thức toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT - một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia; một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua việc người dân cùng đóng góp với nhà nước để tạo nguồn tài chính vững chắc cho công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Năm 2009, độ bao phủ BHYT chỉ 57% dân số, tới hết năm 2021 tỷ lệ này đã đạt trên 91% dân số.
Việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Năm 2020-2021 do tác động của dịch COVID-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Phạm vi chi trả của quỹ BHYT
Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Cụ thể, khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định.
Danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả). Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại). Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim…
Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về tim sẽ phải điều trị dài ngày, chi phí điều trị lớn. Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí. Nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” do có người thân mắc bệnh.
Về mức hưởng BHYT
Khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ theo mức được hưởng (từ 80-100% tùy đối tượng). Trường hợp đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 lần mức lương cơ sở sẽ được BHYT thanh toán những phần cùng chi trả vượt cho tới hết năm tài chính.
Hiện, chính sách khám chữa bệnh BHYT đã thực hiện thông tuyến hoàn toàn với tuyến huyện, và thông tuyến tỉnh với trường hợp điều trị nội trú. Trường hợp khám vượt tuyến, BHYT vẫn thanh toán một phần chi phí...
Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.