Ngành sắn Việt Nam với mục tiêu 2 tỉ USD

TPO - Từ chỗ chỉ là loại cây xóa đói, cây sắn (khoai mì) đã trở thành 1 trong những loại cây công nghiệp của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm,liên quan tới cuộc sống của 1,2 triệu nông dân trên cả nước. 
Nâng cao năng suất và chọn giống sạch bệnh là vấn đề lớn của ngành Sắn

Ngày 15/8/2018, tại FLC Thanh Hóa, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm 2013-2018, và Đại hội nhiệm kỳ II, giai đoạn 2018-2023. Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã dự đại hội cùng 111 thành viên Hiệp hội, nhiều chuyên gia Sắn đến từ các nước lân cận, và đặc biệt từ Trung quốc-thị trường đã nhập khẩu đến khoảng 90% tinh bột Sắn nước ta. 

 Ông Nguyễn Đức Quyền-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Thanh Hóa hiện có 3,6 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 năm qua bình quân 11%. 

Theo ông Quyền, Thanh Hóa những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, du lịch. Ví dụ khu du lịch đẳng cấp 5 sao FLC nơi diễn ra Đại hội ngành Sắn này mới mấy năm trước là đầm lầy nuôi tôm sâu khoảng 6 mét. Thanh Hóa hiện có hơn 1 vạn ha sắn. Tỉnh muốn các chuyên gia Sắn giúp nâng cao lợi nhuận cho người trồng sắn, và giải quyết tốt việc bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch Hiệp hội Sắn cho biết: Hiện diện tích sắn cả nước khoảng 550.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan, năm xuất khẩu tinh bột sắn cao nhất đạt 1,35 tỉ USD; năng suất bình quân các vùng miền đạt từ 20-40 tấn/ha, lợi nhuận và sản lượng cao nhất ở Tây Ninh. Trong nhiệm kỳ qua Hiệp hội đã xây dựng được tiêu chuẩn đồng nhất cho tinh bột Sắn VN, quy chuẩn nước xả thải các nhà máy tinh bột sắn; Tác động để các Bộ ngành ủng hộ các đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế, bảo đảm ổn định đầu ra.

Hiện diện tích sắn cả nước khoảng 550.000 ha

Đến từ "thủ phủ' của cả nước về trồng sắn và sản xuất tinh bột sắn, ông Võ Đức Trong- Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết cả nước hiện có hơn 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn, thì Tây Ninh đã chiếm tới 68 nhà máy, tổng công suất thiết kế khoảng 5.772 tấn sản phẩm/ngày.

 Ông Võ Đức Trong cho biết năm 2018 ngành sắn Tây Ninh giảm mạnh lợi nhuận, do dịch bệnh nghiêm trọng trên cây sắn

Diện tích sắn Tây Ninh năm 2016 lên tới 61.636 ha, năng suất bình quân 32,84 tấn/ha, cao nhất cả nước cả về diện tích lẫn năng suất. Trong đó có những vùng sắn năng suất lên tới 60 tấn/ha, nhờ đầu tư bec tưới nước và thâm canh tốt. Tuy nhiên, dự kiến năm 2018 Tây Ninh sẽ chỉ còn khoảng 40.000 ha sắn do dịch bệnh gây hại nghiêm trọng trên cây sắn. Dù đã phải nhập hàng triệu tấn sắn tươi mỗi năm từ Campuchia, nhưng do hiện nay sắn Campuchia cũng dịch bệnh nặng, nên 68 nhà máy tinh bột sắn của Tây Ninh chỉ còn hoạt động được khoảng 50% công suất.  

Giống sắn năng suất cao, sạch dịch bệnh luôn là vấn đề lớn cần đặc biệt chú trọng của ngành

Ông Nghiêm Minh Tiến- Phó chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam khẳng định trong 9 kỳ họp đã qua của khóa 1, Ban chấp hành Hiệp hội đã nỗ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành Sắn cả nước. Hiệp hội đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, Đại sứ quán các nước để phát triển thị trường, kết nối với các nước, dự Hội nghị sắn quốc tế tại các nước Trung quốc, Nga, Nhật bản; hợp tác, đồng hành cùng chính quyền các địa phương và nông dân hướng tới mục tiêu phát triển ngành sắn bền vững.

27 thành viên Ban chấp hành nhiệm kỳ II của Hiệp hội Sắn Việt Nam ra mắt

Ngoài sắn lát, tinh bột sắn sản xuất được hơn 300 thành phẩm khác nhau. Trong đó nhu cầu sắn lớn nhất sẽ được dùng cho sản xuất xăng sinh học. Nhiều thách thức đặt ra không nhỏ cho nhiệm kỳ sắp tới, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD vào năm 2023. 

Sắn đang đem lại thu nhập cho 1,2 triệu nông dân Việt Nam

Đại hội đã bầu 27 thành viên mới cho Ban chấp hành, 11 ủy viên thường vụ, 5 Phó chủ tịch Hiệp hội. TS Nguyễn Văn Lạng tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II.