Ngành hạt nhân trước vận hội có lò phản ứng mới, mạnh hơn hẳn lò Đà Lạt

TPO - Lò phản ứng Đà Lạt, thiết bị chủ lực của ngành hạt nhân Việt Nam, đã được vận hành liên tục từ năm 1984 đến nay. Gần đây, thời gian vận hành lò tăng đột biến, từ 1500 giờ năm 2017 lên 2900 giờ năm 2019, và 4300 giờ năm 2020. Với bốn kíp vận hành luân phiên liên tục, ngọn lửa xanh từ phản ứng phân hach dây chuyền luôn rực sáng, cuốn hút đội ngũ cán bộ Viện nghiên cứu hạt nhân lao vào các hoạt động điều chế phóng xạ và nghiên cứu khoa học sôi nổi trong mùa đại dịch.
GS Phạm Duy Hiển (thứ hai từ phải) với các nhà khoa học trẻ trước cửa kênh dẫn nơtron lò phản ứng Đà Lạt.

Tăng thời gian vận hành lò là giải pháp duy nhất để có đủ dược phẩm phóng xạ (DPPX) cung cấp cho các bệnh viện, trong khi nguồn nhập khẩu ngày một đắt đỏ và bất trắc do DPPX thường sống rất ngắn nên rất dễ bị hao hụt trong quá trình vận chuyển. Chẩn đoán và điều trị bệnh bằng DPPX đã phát triển rất nhanh ở nước ta trong những năm gần đây. Các cơ sở y tế có thiết bị chẩn đoán hình ảnh phóng xạ cắt lớp điện toán nở rộ theo đà tăng trưởng kinh tế và mức sống ngày càng cao của người dân. Hơn 30 bệnh viện trong cả nước có khoa y học hạt nhân và tiếp nhận DPPX từ lò Đà Lạt. Lượng DPPX điều chế trên lò do đó tăng rất nhanh, từ 120 cu ri (Ci) năm 2000 lên 1300 Ci năm 2020. Dự báo nhu cầu sử dụng DPPX điều chế trên lò phản ứng tiếp tục tăng cao với tốc độ 14%/năm theo đà tăng trưởng kinh tế hiện nay. 

Song đuổi theo nhu cầu này là nhiệm vụ bất khả thi đối với lò Đà Lạt. Cho lò vận hành nhiều hơn chẳng những không mang lại mấy lợi ích mà đội ngũ bị quá tải, không còn thì giờ để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, và nghiên cứu khoa học; nhiều cơ cấu quan trọng như thùng lò, vành phản xạ, kênh dẫn nơ tron … bị lão hóa sau 60 năm ngâm trong nước lại phải chịu thêm sức tải; nhiên liệu rất đắt tiền sẽ tổn hao nhanh chóng. Vả lại, với công suất thấp (500 kW), lò Đà Lạt hoàn toàn không có lợi thế trong điều chế nhiều chủng loại DPPX quan trọng, nhất là  technetium (Tc-99m) hiện đang được sử dụng áp đảo trong chẩn đoán hình ảnh bằng kỹ thuật cắt lớp điện toán trên thế giới. 

Một lò phản ứng mới với công suất vài chục lần lớn hơn lò Đà Lạt là giải pháp tất yếu và cấp bách. Lò mới chẳng những bảo đảm nhu cầu nội địa lâu dài về DPPX mà còn là công trình khoa học công nghệ đa chức năng trực tiếp phục vụ quốc kế dân sinh. Ngoài DPPX, lò mới sẽ sản xuất các nguồn phóng xạ sử dụng trong nhiều ngành kinh tế. Đặc biệt, nguồn Ir-192 sử dụng rộng rãi trong xạ trị ung thư áp sát các bệnh phụ khoa và kiểm tra không hủy thể các kết cấu công trình, sẽ được sản xuất và tái nạp với giá thành rất thấp so với nhập khẩu như lâu nay. Lò mới sẽ triển khai dịch vụ pha tạp đơn tinh thể silic kích thước lớn với độ đồng đều rất cao theo đơn đặt hàng từ các hãng chế tạo linh kiện bán dẫn. Lò mới sẽ đưa sản phẩm phóng xạ và dịch vụ chiếu xạ của nước ta ra thị trường thế giới, trước hết là các nước trong vùng. Luồng nơ tron mạnh với những tính năng độc đáo trên lò mới sẽ thúc đẩy nghiên cứu và triển khai rất nhiều hướng khoa học công nghệ trong thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường, và nghiên cứu cấu trúc vật liệu bằng tán xạ nơ tron. Trên hết, lò phản ứng mới sẽ là nơi quy tụ đội ngũ phát triển những hướng nghiên cứu tiềm lực lâu dài về năng lượng hạt nhân.           

Từ năm 2010, Chính phủ, thông qua Bộ Khoa học Công nghệ, đã chỉ đạo Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam nghiên cứu xây dựng một lò phản ứng mới có công suất gấp 20 lần lò Đà Lạt hiện nay (10 MW) theo công nghệ lò bể bơi của Nga. Sau khi hoàn thành luận chứng tiền khả thi, vừa qua Chính phủ đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án để làm luận chứng kinh tế kỹ thuật tiến đến khởi công xây dựng công trình. Giới khoa học hạt nhân nước ta đang đứng trước vận hội khai thác một lò phản ứng phục vụ quốc kế dân sinh, ngang tầm với các lò cùng cỡ công suất ở Hàn Quốc, Australia, và Indonesia.

GS Phạm Duy Hiển

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.