Ông Nikolai Patrushev phát biểu trước báo giới sau cuộc Tham vấn an ninh chiến lược Nga - Trung lần thứ 8 vừa diễn ra tại Bắc Kinh.
RIA Novosti dẫn lời Nikolai Patrusev cho biết, Moscow và Bắc Kinh đang lo ngại việc Washington phát triển lá chắn tên lửa tại nhiều khu vực. Và đây là lần đầu tiên cả Nga và Trung Quốc công khai lập trường này.
Trước đây, Moscow cho biết, Nga chú ý đến lời tuyên bố của các đối tác Mỹ về việc Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á không nhằm chống Nga. Bắc Kinh thẳng thắn hơn cho rằng, những luận cứ của Mỹ về việc hệ thống phòng thủ tên lửa đang được xây dựng có mục đích bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc khỏi nguy cơ tên lửa xuất phát từ Triều Tiên không đủ sức thuyết phục Trung Quốc.
Thực tế chứng minh, từ cuối năm 2012, Washington cho thấy hàng loạt những động thái nhằm hình thành các lá chắn tên lửa từ châu Âu sang châu Á.
Theo đó, tháng 9-2012, Washington đạt thỏa thuận với Tokyo về việc thiết lập một radar cảnh báo sớm tên lửa X-band tối tân ở miền nam Nhật Bản để phối hợp với radar AN/TPY-2 đang có ở miền bắc nước này.
Ngoài ra, Cơ quan Phòng thủ tên lửa và Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đang cân nhắc lập một hệ thống radar tương tự thứ ba tại Đông Nam Á, có thể là Philippines.
Mỹ cũng dự định mở rộng đội tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hoạt động tại vùng biển trong khu vực.
Mới đây, ngày 8-1, thượng nghị sĩ Mỹ James Inhofe, người vừa đến thăm Đài Loan, tiết lộ Washington cam kết sẽ bán tên lửa Patriot PAC - cho Đài Loan vào năm 2015.
Như vậy, xét về mọi khía cạnh, Trung Quốc không thể không quan ngại khi mà từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Australia xuất hiện các hệ thống phòng thủ tên lửa bao quanh Bắc Kinh.
Nga – Trung sẵn sàng đối đầu với Mỹ?
Phân tích trên Voice of Russia ngày 10-1, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga, ông Andrei Vinogradov nhận định, các tên lửa của Trung Quốc và Nga trở thành mục tiêu tiềm năng của các tên lửa đánh chặn Patriot mà Mỹ bố trí trên các tàu khu trục Nhật Bản trang bị hệ thống Aegis.
“Đây là vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ là thời hạn bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa và hình thức của nó. Vấn đề chính là cách đáp trả hành động này. Nếu Nga và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về hoạt động chung để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa thì đó sẽ là dấu hiệu quan trọng về độ tin cậy cao trong sự hợp tác giữa hai nước phản ánh triển vọng phát triển tình hình trong khu vực”, ông Andrei Vinogradov phân tích.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, trong quá tình giải quyết nhiệm vụ này, Nga – Trung sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đang bố trí trên lãnh thổ Ba Lan, Cộng hòa Séc và Romania, làm cơ sở cho việc chống lại các hệ thống tương tự của Mỹ lắp đặt tại tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia trong tương lai.
Trong khi đó, tại châu Âu, Moscow vẫn bất đồng sâu sắc với Washington và NATO quanh kế hoạch lập lá chắn tên lửa sát biên giới Nga. Theo kênh RT, Moscow cảnh báo rằng nếu không có sự tham gia của Nga vào hệ thống trên thì thế cân bằng chiến lược sẽ bị đảo lộn tại châu Âu.
Tình hình như vậy có thể lặp lại ở châu Á, nếu Tokyo, Seoul và Canberra bỏ qua mối quan tâm chung của Moscow và Bắc Kinh trước hành động của Mỹ nhằm thành lập bộ phận châu Á của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.
Trần Vũ
(theo RIA, VOR)