>> Gửi ý kiến của bạn về vấn đề này tại đây
Chính người viết bài này cũng đã từng tin rằng người Việt Nam có tư chất thông minh vượt trội hơn người dân ở nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, còn một câu hỏi là vì sao những nước có nền khoa học phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… nhiều khi chỉ đạt được vị trí rất thấp trong các kỳ thi Olympic quốc tế, thua xa vị trí của Việt Nam.
Phải chăng do tư chất của họ kém người Việt Nam, hay là có một lý do nào khác? Qua thời gian cùng học tập và nghiên cứu với các lưu học sinh từ nhiều nước trên thế giới, thông qua so sánh và tham khảo ý kiến bạn bè cùng là du học sinh Việt Nam tại Pháp, tác giả nhận thấy rằng các sinh viên Việt Nam không thông minh hơn và cũng không kém hơn sinh viên đến từ các nước khác.
Trong số các lưu học sinh Việt Nam có những sinh viên rất xuất sắc và cũng có nhiều sinh viên yếu kém, sinh viên đến từ các nước khác cũng vậy. Trong các trường đại học của Pháp có rất nhiều sinh viên đến từ các nước châu Phi, và họ cũng có những học sinh rất giỏi, không thua gì sinh viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc.
Tuy nhiên, do hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin về những lưu học sinh Việt Nam đạt kết quả cao ở nước ngoài nên dễ làm cho nhiều người nhầm tưởng là sinh viên Việt Nam luôn giỏi hơn. Thực ra không phải như vậy, về mặt tư chất thì học sinh Việt Nam và các nước khác không khác nhau là bao nhiêu.
Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến Việt Nam ta luôn có thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế? Xem xét lại hệ thống đào tạo và tuyển chọn học sinh giỏi ở Việt Nam có thể thấy rằng việc lựa chọn và đào tạo học sinh giỏi theo kiểu "gà nòi" đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất nhiều năm nay (theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia).
Tức là thông qua các kỳ thi, chúng ta tuyển chọn những học sinh giỏi nhất vào hệ thống trường chuyên từ cấp phổ thông cơ sở lên đến phổ thông trung học (PTTH). Học sinh các trường chuyên được "luyện" bởi các thầy cô giáo có chuyên môn và dày dạn kinh nghiệm nhằm mục đích chính là đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Thật ra một hệ thống đào tạo có khả năng lựa chọn học sinh có năng khiếu về các lĩnh vực khoa học và tạo điều kiện cho học sinh phát triển tài năng của mình là một hệ thống ưu việt. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, học sinh sẽ được tạo điều kiện để học tập và nâng cao tri thức một cách toàn diện.
Thông qua sự phát triển toàn diện, học sinh nhận ra mình có năng khiếu hoặc yêu thích đặc biệt một lĩnh vực nào đó có thể tiếp tục học lên cao hơn. Trong một hệ thống giáo dục như vậy, những người có năng lực đặc biệt và niềm đam mê riêng luôn có cơ hội để phát triển tài năng của bản thân, do đó, hệ thống giáo dục sẽ đào tạo ra những nhà khoa học thực sự có tài năng và lòng say mê nghề nghiệp.
Ở nước ta, mặc dù chưa có thống kê nào chính xác, nhưng thông qua quan sát của bản thân tác giả, cùng với thông tin đăng tải trên báo chí, cho thấy rằng đa số học sinh tốt nghiệp các trường PTTH chuyên, khi lên đại học đều không theo học tiếp chuyên ngành mà họ đã được đào tạo chuyên ở phổ thông.
Điều đó phản ánh một thực tế là rất nhiều học sinh phổ thông theo học lớp chuyên không phải vì sự say mê một môn khoa học nào đó, mà vì những lý do ngoài khoa học, chẳng hạn như vì phụ huynh ép buộc, vì hãnh diện với bạn bè, vì được xã hội đánh giá cao, v.v..
Có thể nhận thấy rằng mục tiêu chính của hệ thống các trường chuyên ở Việt Nam là đào tạo các thợ giải Toán, Lý, Hoá,… nhằm đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, qua đó sẽ nâng cao thành tích của trường và của địa phương.
Cũng chính vì vậy, việc dạy và học ở các trường chuyên đã bị "cơ khí hóa" gần như hoàn toàn. Chẳng hạn như, thay vì phát triển tư duy toán học thì người ta chú trọng vào việc đào tạo các thợ giải toán, học sinh phải làm sao để nhớ và nhận ra các dạng bài toán, rồi tuỳ theo từng dạng mà áp dụng những cách giải (cách đặt ẩn, biến đổi, …) đã có sẵn.
Tất nhiên, nhờ có tư chất tốt nên tư duy khoa học của học sinh của các trường chuyên cũng tiến bộ rất nhiều, nhưng điều này không phủ nhận tính "cơ khí" bên trong công tác dạy và học ở các trường "đào tạo gà nòi" của chúng ta.
Đối với các trường PTTH không chuyên, do tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn xấp xỉ 100% và không hơn kém nhau bao nhiêu, nên thứ hạng của các trường phụ thuộc chủ yếu vào kết quả thi học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh đỗ đại học.
Để có thứ hạng cao, các trường PTTH không chuyên tiến hành lập ra các lớp chọn theo khối thi đại học tương ứng A, B, C,…Nhiệm vụ chính của các lớp này là đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và nâng cao tỷ lệ đỗ đại học.
Để đạt được mục đích, các trường ưu tiên tối đa về điều kiện vật chất và tập trung toàn bộ giáo viên giỏi để "luyện thi" cho các lớp chọn. Chẳng hạn như học sinh ở lớp chọn khối A thì sẽ được dạy bởi các giáo viên Toán, Lý, Hoá giỏi nhất.
Giáo viên dạy các môn không chuyên, theo quy ước, sẽ nhẹ tay hơn với học sinh các lớp chọn vì các em phải tập trung vào các môn chuyên. Tất cả những điều này không có trong bất kỳ văn bản nào của ngành giáo dục, nhưng là một thực tế rõ ràng.
Ích lợi của hệ thống trường chuyên, lớp chọn là chúng ta có thể nâng cao được chất lượng đào tạo học sinh giỏi (nhóm này chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số học sinh) ở các môn chuyên (lưu ý chỉ ở các môn chuyên) qua đó lựa chọn được những học sinh giỏi nhất, được đào tạo bài bản nhất để đi tranh giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Điều đó giúp Việt Nam duy trì được vị trí cao vượt trên những nước không đào tạo "kiểu gà nòi" như Anh, Pháp, Mỹ,…chẳng hạn. Thêm vào đó, hệ thống trường chuyên lớp chọn giúp cho những học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích một môn học có điều kiện để phát triển tài năng.
Tuy nhiên những học sinh đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi không có nghĩa là sẽ trở thành những nhà khoa học xuất sắc, vì kiến thức được đào tạo ở bậc học phổ thông là rất thấp, họ cần phải được đào tạo lâu dài trong điều kiện làm việc tốt.
Việc có giải cao trong các kì học sinh giỏi, kể cả kì thi quốc tế, suy cho cùng chẳng nói lên điều gì hay là mang lại lợi ích gì ngoài việc "nâng cao thành tích", vì trong thực tế nước ta vẫn đứng ở nhóm những nước có nền khoa học kém phát triển, kể cả những ngành mà chúng ta có thứ hạng cao trong kì thi Olympic.
Cái hại của hệ thống trường chuyên, lớp chọn
Ngoài những lợi ích trên đây, hệ thống các trường chuyên, trường điểm, lớp chọn gây ra không ít những tác hại đối với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Theo ý tác giả thì những tác hại đó có thể tóm gọn trong năm ý sau đây:
Một là, việc hình thành hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đã tạo ra sự bất công trong giáo dục. Trong khi nhà nước dồn ngân sách cho các trường điểm, trường chuyên thì các trường không chuyên tập trung mọi "nhân tài vật lực" vào các lớp chọn để nâng cao thành tích trong các kì thi học sinh giỏi cũng như tỉ lệ đỗ đại học.
Kết quả là những học sinh học ở trường thường, lớp thường sẽ không được quan tâm đúng mức, đôi khi bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bị thả nổi. Các thầy cô giáo có năng lực và dày dạn kinh nghiệm được ưu tiên dạy ở lớp chọn, do đó các lớp không chuyên thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi…
Hai là, sự phân biệt đối xử giữa lớp chọn, lớp thường trong các trường phổ thông gây tác động tâm lý không tốt đối với học sinh. Các học sinh trường chuyên, lớp chọn sẽ có cảm giác kiêu hãnh quá đáng và đôi khi coi thường các bạn ở lớp không chuyên.
Trong khi đó, các học sinh lớp thường dễ bị rơi vào tâm lí tự ti, mặc cảm. Cả hai hình thái tâm lí này đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, nơi mà học sinh cần có sự tự tin, nhìn nhận đúng về bản thân, khiêm tốn, và biết tôn trọng người khác.
Xa hơn nữa, mặc cảm tự ti hoặc kiêu ngạo quá đáng sẽ gây một sự mất thăng bằng về tâm lí và gây ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách của học sinh.
Ba là, mô hình đào tạo theo kiểu trường chuyên, lớp chọn vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta tập trung vào việc giành các giải học sinh giỏi, và nâng cao tỉ lệ đỗ đại học.
Tất nhiên là trong một môi trường giáo dục toàn diện và thực chất thì thành tích trong các kì thi học sinh giỏi và tỉ lệ học sinh đỗ đại học phản ánh trung thực kết quả đào tạo nói chung.
Vấn đề ở đây là để đạt được mục đích người ta đã thực hiện những công việc rất phản giáo dục, đó là tách riêng những học sinh có năng lực hơn và ưu tiên đào tạo những học sinh này để lấy thành tích, trong khi số đông học sinh còn lại chịu phần thiệt thòi.
Bốn là, gây ra tiêu cực trong giáo dục. Thực tế cho thấy ở hầu hết các địa phương, phụ huynh học sinh tìm mọi cách để xin cho con em mình vào trường điểm, trường chuyên vì các trường này được ưu tiên về ngân sách nên có chất lượng đào tạo tốt hơn.
Ở các trường phổ thông bình thường thì người ta tìm cách "chạy" cho con em vào học các lớp chọn, vì ở các lớp chọn thì thầy cô giáo giỏi hơn, được nhà trường quan tâm hơn. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tiêu cực.
Năm là, gây ra tình trạng "học lệch" và do đó sẽ cho ra lò những học sinh bị "lệch" về kiến thức. Học sinh ở trường chuyên, lớp chọn ngoài việc được ưu tiên hết mức ở các môn chuyên, các môn còn lại (thường được gọi là "môn phụ") coi như được thả lỏng.
Các thầy cô dạy "môn phụ" cũng nới tay hơn đối với học sinh lớp chọn. Còn ở các lớp bình thường thì có thể nói là yếu mọi mặt, từ khâu giáo viên, đến điều kiện học tập, sự quan tâm của nhà trường,.v.v..
Hậu quả là học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ rất thiếu toàn diện, điều này giải thích vì sao kết quả thi ở một số môn như Lịch sử, Địa lý, v.v.. lại thấp đến thế.
Điều tương tự cũng đã xảy ra ở cấp đại học với sự ra đời của các hệ "cử nhân tài năng" đã đẩy các sinh viên còn lại vào hệ "cử nhân không tài năng". Thay vì nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta đã đi theo đường cũ, đó là chọn ra một số sinh viên giỏi, tập trung toàn bộ giảng viên giỏi cũng như điều kiện vật chất để đào tạo ra một số sinh viên có chất lượng cao.
Như vậy là mỗi trường đại học sản xuất ra hai loại sản phẩm "tài năng" và "không tài năng". Trước khi chưa có mô hình cử nhân tài năng thì chất lượng đào tạo chung đã thấp, bây giờ có cử nhân tài năng thì không hiểu chất lượng của số "không tài năng" kia sẽ ra sao.
Thêm vào đó, hàng ngũ sinh viên lại bị chia thành hai đẳng cấp rõ rệt. Bản thân tác giả, trong thời gian học phổ thông cũng từng là học sinh trường chuyên, lớp chọn, do đó cũng đã được hưởng đầy đủ những ưu tiên đối với học sinh chuyên như đã nói ở trên.
Tuy nhiên sau một thời gian học tập ở nước ngoài, có điều kiện quan sát mô hình đào tạo ở các nước phát triển, thông qua so sánh và suy nghĩ thì nhận ra rằng mô hình đào tạo theo kiểu "gà nòi" ở Việt Nam có hại nhiều hơn là lợi.
Việc phân loại học sinh để đào tạo thoạt nhìn thì có vẻ đẹp, giống như một bãi cỏ xén bằng, nhưng nó không hợp với tự nhiên. Mặc dù về qui định thì ngành giáo dục của chúng ta đối xử công bằng với mọi đối tượng học sinh, nhưng mô hình đào tạo thiên lệch đã gây ra nhiều hậu quả làm thay đổi phần nào bản chất tốt đẹp của giáo dục.
Nếu ai có dịp tìm hiểu hệ thống giáo dục phổ thông ở các nước phát triển sẽ nhận ra rằng, mặc dù họ rất khuyến khích học sinh phát triển năng khiếu (học sinh thích Toán, Vật lý, Âm nhạc, Hội hoạ, Kịch, … đều được tạo điều kiện tối đa để học và tìm hiểu theo sở thích của từng em) nhưng không hề có nhóm học sinh nào được đối xử đặc biệt (trừ các học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, v.v..).
Ở nước họ, học sinh có năng khiếu Toán học không được coi, và do đó các em không tự cảm thấy, là giỏi hơn các học sinh có năng khiếu Văn học, Lịch sử, v.v... Điều quan trọng là phải tạo nên một môi trường giáo dục bình đẳng và công bằng về cơ hội cho tất cả mọi học sinh.
Nên bỏ trường chuyên lớp chọn, hệ cử nhân tài năng...
Để khắc phục các tác hại trên đây của hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đối với nền giáo dục của nước ta, tác giả xin đề nghị một số giải pháp cụ thể sau.
1. Bỏ kỳ thi vào đại học. Sinh viên đại học sẽ được tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tập trung mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng ỳì thi tốt nghiệp PTTH.
2. Chuyển các trường chuyên ở tất cả các cấp thành các trường thường. Xoá bỏ hoàn toàn mô hình lớp chọn ở các trường PTTH. Bãi bỏ việc ưu tiên đầu tư vào các trường điểm ở mọi cấp. Chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo chung.
3. Xây dựng hệ thống các môn học, các nội dung tự chọn ngoài chương trình để học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu. Chẳng hạn như môn Toán, ngoài nội dung bắt buộc theo yêu cầu của chương trình, ở phần tự chọn có thể dạy ở trình độ cao hơn, rộng hơn, nhưng không tính vào điểm tốt nghiệp.
4. Trong các trường học, nên khuyến khích các sinh hoạt tập thể theo kiểu "vừa vui vừa học". Cho phép học sinh thành lập các nhóm, các câu lạc bộ bao gồm những người yêu thích một môn học nào đó, sinh hoạt tự nguyện (ví dụ như CLB Toán học chẳng hạn) có sự tham gia của giáo viên để giúp đỡ các em. Tóm lại là phải tạo điều kiện để các học sinh yêu thích một môn học nào đó có thể phát triển tối đa năng khiếu của bản thân.
5. Giữ nguyên các kỳ thi học sinh giỏi và các khen thưởng kèm theo. Học sinh đi thi quốc tế sẽ được tuyển từ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
6. Xoá bỏ hệ thống cử nhân tài năng ở các trường đại học. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo chung. Trong trường hợp không đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo thì giảm chỉ tiêu đầu vào. Cũng phải nói thêm rằng, không có một giải pháp trọn gói nào có thể khắc phục triệt để các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Các đề nghị trên đây chỉ nhằm khắc phục một phần nhỏ các vấn đề đó. Nếu các giải pháp trên đây được thực hiện thì có thể kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế của Việt Nam sẽ bị giảm xuống. Nhưng khi đó chất lượng đào tạo chung sẽ được nâng lên rất nhiều.
Sự lựa chọn tuỳ thuộc vào cái chúng ta cần là một nền giáo dục hiệu quả và nhân bản hay là những thành tích hão.
Nguyễn Thành Nam
NCS Vật lý Trường đại học Grenoble 1, Cộng hòa Pháp
Ý kiến của bạn về vấn đề này ?
Ý kiến bạn đọc
James V
Tôi sống ở Sydney (Úc) từ nhiều năm nay. Ngay từ khi con trai tôi bắt đầu học lớp 1, nhà trường đã phổ biến cho học sinh và cha mẹ học sinh biết là khi các lên lớp 5, các em sẽ có cơ hội thi vào lớp "tài năng" (Opportunity Class, gọi tắt là OC).
Để được lựa chọn vào lớp này các em cần cố gắng phấn đấu ngay từ lớp 1. Có rất nhiều trung tâm "luyện thi" giúp các em vượt qua kỳ thi đầu vào (khá đắt tiền). Tỷ lệ "chọi" cho ký thi OC năm 2006 là 20 chọn 1. Các em qua được kỳ thi này, như con tôi, đều vô cùng tự hào, tự tin và được tất cả bạn bè, thầy cô, xã hội đáng giá rất cao.
Xin nói rõ là ở bên này, các em tự lực chứ không dựa vào khả năng "chạy đua" của bố mẹ (nếu bố mẹ chạy đua, phần thua chắc chắn thuộc về các học sinh như con tôi).
Tiếp theo đó, các em lại tiếp tục phải nỗ lực cố gắng để chuẩn bị thi tiếp vào "Selective School" khi chuyển cấp lên lớp 7. Như tên gọi của nó, các trường này dành cho các em có thành tích học tập xuất xắc và có tài năng.
Có khoảng 10 trường như vậy ở Sydney và các trường này luôn là mục tiêu số 1 của hầu hết các bậc phụ huynh cũng như chính các em học sinh. Melbourne cũng đáng theo sát Sydney về xu hướng này. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, các em đã từng học qua các trường Selective School thường đỗ tốt nghiệp với số diểm rất cao.
Do bên Úc không có kỳ thi đại học, điểm tốt nghiệp lớp 12 sẽ được dùng để xét đầu vào ở các trường Đại học. Các trường nổi tiếng, có cơ sở vật chất tốt, dồi dào tài trợ nghiên cứu thường lấy điểm đầu vào rất cao. Một số nhỏ các em có điểm cao sẽ được học bổng. Các em khác có số điểm tốt nghiệp không cao sẽ phải chọn các trường thuộc nhóm 2 hoặc phải đóng học phí (được Chính phủ cho vay, sau này học xong đi làm sẽ trả dần).
Tiếp theo đến bậc trên đại học (Master, PhD), có rất nhiều nghành học, trường Đại học yêu cầu điểm Đại học phải là từ Credit (khá) hoặc Distinction (giỏi) trở lên. Các công ty lớn bao giờ cũng có trương trình ưu đãi đối với những sinh viên đã từng học qua OC, Selective School và có thành tích học tập tốt ở bậc Đại học.
Mặc dù có rất nhiều người phản đối các truờng OC và Selective School, các trường này và học sinh các trường này luôn luôn được ngưỡng mộ một cách rộng rãi và rất ít người dám nghi ngờ về khả năng cũng như tương lai của các em học sinh của các trường này.
Kỳ thi đầu vào của các trường này luôn được báo chí theo dõi sát sao và chuẩn bị chu đáo không khác gì kỳ thi Đại học ở Việt Nam (và hoàn toàn miễn phí). Không phải 100% học sinh tốt nghiệp từ các trường này đều thành người tài, nhưng qua một quá trình theo dõi lâu dài của cơ quan số liệu Úc (ABS), tỷ lệ các em hoc qua trường này có tài năng và đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực nghiên cứu, chính trị, kinh doanh, học thuật là rất cao và không thể phủ nhận.
Mục tiêu tiếp theo của con tôi là Selective School, và tiếp theo đó sẽ là một chỗ ở một trường Đại học New South Wales. Ở Úc, ở Việt Nam hay ở nhiều nơi khác cũng thế, bao giờ cũng có cơ hội cho các học sinh thực sự có khả năng.
Trong khi đó, các học sinh có năng lực học tập thấp hơn một chút vẫn luôn luôn có cơ hội để đạt được những gì họ mong muốn, có điều là bằng một cách khác, ví dụ như học dần dần thay vì học thẳng qua các bậc học.
Giả sử bạn là một người có khả năng thực sự, tại sao bạn lại không có cơ hội thể hiện mình, được bồi dưỡng và được định hướng đúng đắn? Vấn đề ở chỗ các tài năng thời nào và ở đâu cũng có, cần phải phát hiện, định hướng và bồi dưỡng các tài năng đó để mang lại hiệu quả tích cực.
Tôi cũng đã học đại học và đang học Master ở bên này, phải khẳng định một điều: sinh viên Việt Nam học rất giỏi (tất nhiên bao giờ cũng có "con sâu"), nhất là khi so sánh với sinh viên Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Trung Quốc, Hong Kong, Nga...
Hầu hết các thầy cô giáo giảng dạy đểu công nhận điều này. Có thể ở các bậc học thấp hơn hoặc có trường hợp cá biệt học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập không tốt nhưng nhìn chung, sinh viên Việt Nam chúng ta luôn tự hào vì được xếp vào top đầu về năng lực học tập, sự sáng tạo, cần cù và kết quả học tập tốt.
Những điều này tôi được chính các giảng viên đại học ở Sydney cho biết chứ không phải qua báo chí Việt Nam. Ý kiến của một người Việt tại Úc để các bạn tham khảo.
Nhật Văn Đăng, Email: nhatvandang@yahoo.com
Các bạn đã có những ý kiến rất sâu sắc về vấn đề này. Đa số các bạn viết ở trang này đều nói là "nạn nhân" của cái gọi là trường chuyên,lớp chọn,lớp kỹ sư tài năng...hơn thế nữa các bạn lại đã từng hoặc đang theo học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Vì vậy ý kiến của các bạn thật hàm súc và tươi rói thông tin. Các bạn đã chỉ ra nguyên nhân là bệnh thành tích trong giáo dục như lời Bộ trưởng N.T.Nhân.
Nhưng chúng tôi e rằng như thế chưa đủ,hình như vẫn còn cái gì đó cơ mà nó có ở tất cả chúng ta, nó hằn sâu vào ý nghĩ,việc làm,lời nói,cử chỉ,vv... hàng bao đời nay rồi. Tôi tạm gọi là tính hiếu danh, sỹ diện mà đâu đó ở Chuyên mục "Phẩm chất, thói hư tật xấu của người Việt" đã đúc kết.
Thế hệ chúng tôi cũng đã có những lớp Chuyên Toán như vậy. Ngày trước mỗi tỉnh có một lớp chuyên toán lựa chọn các bạn học sinh giỏi tốt nghiệp cấp 2 thi vào .
Cũng khó ra trò. Trước khi khăn gói đi thi, Các thày cũng có bồi dưỡng thêm kiến thức chút ít,nhưng không đến mức luyện "gà chọi" như bây giờ.
Vui đáo để, bạn nào trúng tuyển thì vào học lớp chuyên Toán của Tỉnh ( Nên nhớ rằng cả tỉnh chỉ có duy nhất một lớp chuyên),gửi ở một trường cấp 3 nào đó. Ví dụ như ở Nam Hà nay là 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam có 1 lớp chuyên gửi học ở Trường Phổ thông Cấp 3 Lê Hồng Phong lúc đó sơ tán về huyện Lý nhân Hà nam bây giờ,ở Thanh Hoá có 1 lớp gửi ở Trường Phổ thông Cấp 3 Lam sơn vv...
Từ các lớp chuyên Toán của các Tỉnh lại lựa chọn theo hình thức thi tuyển hàng năm để có Lớp chuyên Toán của Trường Đại học Tổng hợp. Như vậy mỗi năm ở các tỉnh và trung ương có một lớp chuyên từ Lớp 8 đến lớp 10.
Tôi nói hơi dài dòng một chút xin các bạn trẻ thông cảm nhưng vẫn chưa đủ đâu! Hy vọng có bạn nào là nhà văn viết giúp thế hệ 5X chúng tôi một tác phẩm dạng như LỀU CHÕNG về việc học hành ngày xưa nhỉ ?
Tóm lại tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến đa số của các bạn là : Nên bỏ trường chuyên lớp chọn, cử nhân tài năng trong nền giáo dục của ta đi !
Hãy học tập thật tốt, hãy sáng tạo thật nhiều .. chứ không vì nhưng hư danh.
Xin cảm ơn bạn Thành Nam. Cảm ơn tất cả cac bạn trẻ đã nêu vấn đề.
Trần Minh Anh, Email: tranminhanhp@gmail.com
Dù không tán thành với ý kiến còn nhiều phiến diện của bài viết, nhưng tôi cũng thấy tác giả là người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Đành rằng trong những năm gần đây có nhiều điều đáng phải xem xét về hệ thống "trường chuyên, lớp chọn".
Nhưng cũng không thể phủ nhận những gì mà thày và trò bao thế hệ của các "trường chuyên, lớp chọn" và đặc biệt các lớp chuyên đã đóng góp cho đất nước. Không thể chỉ nói tới các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia và cũng không chỉ là niềm tự hào thôi đâu. Họ đã lao động thực thụ từ trên ghế nhà trường để đóng góp nhiều điều đáng trân trọng cho xã hội.
Tôi không nghĩ rằng các nước phát triển họ lại đánh đồng trong đào tạo với tất cả mọi đối tượng. Những nhà khoa học của họ cũng không thể tự nhiên mọc ra. Phải nói rằng chúng ta chưa biết hết về chiến lược đào tạo của họ mà thôi.
Vậy thì chúng ta nên nghĩ đến làm thế nào để nuôi dưỡng khơi dậy tiềm năng trong những hạt giống tốt của chúng ta. Đây là điều khó làm nếu không nói là không thể làm với đại trà mọi học sinh. Hãy thử xem số lượng sinh viên trong các trường đã tăng lên bao nhiêu lần so với trước đây cùng với chất lượng tốt nghiệp của họ để biết được đào tạo "đại trà" là thế nào?
Andy (Mỹ), Email: andy@gmail.com
Toi dang hoc tap o My va toi cung co dieu kien duoc hoi cac ban SV My ve viec co he thong truong chuyen lop chon hay he cu nhan tai nang nhu cua ta khong thi cac ban deu noi la khong co.
Theo toi thi bai viet cua Nam la rat dung va trung voi nhung gi ma nen GD o nuoc nha dang di lech huong so voi cac nuoc tien tien. Cac ban SV My theo toi biet mac du ho co the khong giai duoc nhung bai toan hoc bua nhung ma tu duy ve tat ca cac linh vuc cua ho thi rat sang tao va hon han SV VN.
Trần Chuyên (Nhật Bản), Email: roentalvn@hotmail.com
Tôi cũng đã từng là học sinh lớp chọn và thấy bài viết của anh Nguyễn Thành Nam đã đề cập hoàn toàn chính xác đến những nhược điểm của hệ thống trường chuyên, lớp chọn.
Tuy vậy, một điều đáng tiếc là trong bài viết, những ưu điểm của hệ thống này lại không được nhắc tới một cách đúng mức. Lý do khiến hệ thống trường chuyên lớp chọn vẫn còn tồn tại cho đến hiện tại chính là các sứ mệnh mang tính chiến lược dài hạn, và ngắn hạn của nó.
Trước hết, tôi xin được nêu một số nhận định của riêng tôi về năng lực của sinh viên Việt Nam, bổ sung thêm vào ý kiến của anh Nguyễn Thành Nam. Quả thật, trong một số môi trường tại một số đại học ở nước ngoài, ta có thể thấy các lưu học sinh Việt Nam xuất sắc hơn hẳn các sinh viên bản xứ, cũng như các lưu học sinh khác.
Tuy vậy, điều này thường bắt nguồn từ việc những sinh viên Việt Nam đó, đã trải qua những cuộc tuyển chọn ở mức độ cao hơn so với mức độ “khó” của trường đại học mà họ đang theo học. Tuy vậy, khi bắt gặp những tình huống như vậy, các phương tiện thông tin đại chúng – hay nói cụ thể hơn là các nhà báo, nhà săn tin trong nước, thường đẩy câu chuyện lên tầm vĩ mô, rằng tư chất của học sinh Việt Nam là siêu việt...
Qua ví dụ vừa rồi, ta có thể thấy rõ rằng, việc không đúng đắn nằm ở những người tiến hành các họat động thông tin đại chúng, chứ lỗi không phải nằm ở các lưu học sinh đó (như anh Nam đã đề cập).
Câu chuyện hoàn toàn tương tự đối với các em trong đội tuyển thi học sinh giỏi. Ta quay lại vấn đề trường chuyên lớp chọn. Vậy mục đích của hệ trường chuyên lớp chọn có phải là để đào tạo các em đi thi học sinh giỏi hay không? Tất nhiên ai cũng biết câu trả lời là “Không”!
Tất nhiên ai cũng biết mục đích của hệ thống trường chuyên lớp chọn là “vườn ươm” tài năng cho xã hội trong tương lai. Là “vườn ươm” có nghĩa là, các cây non đang được ươm trồng chưa có nghĩa vụ phải ra quả! Việc một bộ phận học sinh và một bộ phận xã hội nhận thức rằng mục đích của hệ thống trường chuyên lớp chọn là đào tạo các em đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi, là hậu quả của giáo dục nhuốm bệnh thành tích.
Và chính bản thân hệ thống trường chuyên lớp chọn là nạn nhân trực tiếp của các hành động này. Một trạng thái cộng hưởng giữa những hoạt động thông tin đại chúng vô tình cùng một số nhà quản lý giáo dục chạy theo thành tích đã khiến cho một bộ phận xã hội hiểu sai nghiêm trọng về mục đích cao cả của hệ thống trường chuyên lớp chọn.
Ngoài ra, tôi xin được nêu một số hiểu biết của riêng tôi về hệ thống trường chuyên lớp chọn tại Nhật Bản là nơi tôi đang công tác. Trên thực tế, Nhật Bản cũng có hệ thống trường chuyên, lớp chọn, mặc dù điều này ít được ta biết đến.
Mỗi tỉnh của Nhật Bản đều có một trường cấp 3 chuyên khoa học – “Super Science School”. Mục đích của những trường này cũng hoàn toàn giống như ở nước ta, tức là “vườn ươm” tài năng về khoa học cho xã hội trong tương lai.
Có lẽ chăng, cái khác nhau giữa ở Việt Nam và Nhật Bản là ở chỗ, trường của nước bạn làm chính xác những mục đích mà họ nêu ra, còn ở ta thì “hơi khác”. Cụ thể, tại các “Super Science School” này học sinh cấp 3 được học các bài giảng của các giáo sư nổi tiếng đầu ngành từ các đại học khác nhau tới dạy.
Chương trình học thì khác với các trường cấp 3 bình thường và hoàn toàn quán triệt tiêu chí “vườn ưom tài năng cho tương lai cho xã hội”. Cuối cùng, tôi xin được phép để ngỏ phần kết luận, hy vọng những nhận được sự góp ý của các bạn.
Ngoc Nguyen, du học sinh tại Úc, Email: ngocnguyen@yahoo.com.au
Tôi thực sự xúc động khi đọc bài báo này. Một cách thành thực, xúc động hơn rất nhiều, rất nhiều so với ít ngày trước đây khi kết thúc kỳ thi IMO 2007 ở Việt nam, biết đoàn Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn.
Cám ơn bạn đã có một bài viết tâm huyết và thật sự có giá trị. Tôi cũng vừa trở về Việt Nam sau thời gian du học ở Úc. Một điều mà tất cả lưu học sinh Việt Nam đều có thể thấy là, ở các nước phát triển, hầu như chẳng bao giờ thấy những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc họ đang chuẩn bị đào tạo học sinh tham dự kỳ thi Olympic Toán, Lý, Hoá... quốc tế và kết quả kỳ thi ấy ra sao.
Tôi đã có lần hỏi một vị giáo sư ở trường nơi tôi học về vấn đề này, ông ấy trả lời rằng, tất nhiên ông ấy trân trọng những sinh viên đoạt giải quốc tế, nhưng để trở thành một nhà khoa học thực sự, không nhất thiết cứ phải là một người đã có giải Olympic quốc tế.
Một điều rõ ràng, chúng ta đã nói quá nhiều về điều này - các giải thưởng IMO và các kỳ Olympic khác. Tôi, cũng như nhiều người dân Việt Nam, trân trọng và đánh giá cao những em học sinh đoạt giải trước đây cũng như trong kỳ thi IMO 2007 vừa rồi.
Nhưng như tác giả bài báo và rất nhiều ý kiến khác đã viết, điều này rõ ràng là chưa đủ đối với nền giáo dục nước nhà. Chúng ta cần một đội ngũ những nhà khoa học thực sự, mà những nghiên cứu của họ có thể ứng dụng trong cuộc sống, hoặc ít ra họ có thể áp dụng những thành tựu của khoa học thế giới vào thực tiễn cuộc sống ở Việt nam.Mong sao những em học sinh Việt nam đoạt giải từ trước đến nay có thể góp phần làm được điều này.
Ý kiến của một bạn về bài báo này, đọc xong mà cảm thấy chua xót:Trong khi các nhà khoa học Việt nam đang vất vả đánh giá chiếc trực thăng không thể bay của Hai Lúa thì tập đoàn Boeing của Mỹ đã cho ra đời thế hệ máy bay siêu hiện đại Dreamliner.
Mong sao các nhà giáo dục của chúng ta hãy dũng cảm nhìn lại nền giáo dục nước nhà. Bài báo có giá trị này trên Tiền phong Online cần là một trong những lý do để họ nhìn lại.
Kết thúc ý kiến này, tôi muốn nói với các bạn rằng, giá như tôi có thể tả cho các bạn biết được sự trăn trở, lo toan, sự cố gắng không biết mệt mỏi của một nhà hàng xóm về việc làm sao để con trai đầu của họ có thể vào được ... lớp chuyên trong năm học sắp đến này.
Vũ Mai Hương, Email: tieumai@gmail.com Tôi rất tâm đắc với bài viết này
Tôi cũng là một "nạn nhân" trong hệ thống chường chuyên lớp chọn của VN như bao bạn bè khác. Chỉ có đợt cấp 1 trường tôi không phân cấp lớp chọn, tất cả các lớp trong khối thi đua với nhau, rất vô tư, bố mẹ cũng không nặng nề quá về chuyện học hành của con cái.
Cấp 2 trường tôi bắt đầu phân cấp, kỳ thi tuyển chọn vào lớp A của trường, rồi lên cấp 3, tôi thi vào trường Chuyên, tôi học tốt ở các môn xã hội hơn, nhưng cuối cùng tôi lại vào lớp chuyên tự nhiên. Rồi vẫn học được, nhưng cái sự học tôi thấy là nó cứ theo guồng quay chung, áp lực đè lên học sinh, phụ huynh vì căn bệnh thành tích.
Bài viết trên làm tôi rất tâm đắc, tôi mong rằng sau này con em mình sẽ được học hành thoái mái hơn. Không bị/được phân biệt đối xử, kể cả sức học có thế nào. Tôi tin rằng, giải tán mấy trường chuyên lớp chọn, hệ cử nhân tài năng, cái được sẽ nhiều hơn là cái hại.
Mong rằng ý kiến của bài viết sẽ được Bộ GD quan tâm và xem xét một cách nghiêm túc.
Nguyễn Thị Phương, Email: phuongnt.vdb@gmail.com Tôi thấy vui khi đọc bài viết này!
Tôi cũng là một người được đào tạo trong môi trường lớp chọn như đối tượng mà tác giả nhắc đến trong bài viết này. Ngay từ những ngày đầu vào THPT tôi đã nhận thấy điều này bởi tôi có một người bạn rất thân học ở lớp không phải chuyên, chọn như tôi.
Khác với lớp tôi (được ưu tiên mọi thứ từ cơ sở vật chất đến đội ngũ các thày cô giáo...) trong khi lớp bạn được trang bị cơ sở vật chất không thua kém nhiều nhưng đội ngũ giáo viên thì thua xa lớp chúng tôi.
Kết quả các học sinh ở những lớp không chuyên, chọn phải đi học thêm nhiều ngoài giờ học trên lớp để đảm bảo yên cầu. Sau 3 năm học ở bậc trung học tôi vào đại học những một thực tế bản thân tôi và các bạn lớp tôi đều hổng rất nhiều kiến thức mà chúng tôi tưởng là không cấn thiết khi học trong lớp chọn này.
Cái tưởng không cần thiết này xuất phát từ chính những mô hình lớp chuyên, lớp chọn đó. Hãy tham gia góp ý để chúng ta cùng xây dựng một nền giáo dục toàn diện, công bằng. Để lớp lớp học sinh ra trường không bị quá lệch về kiến thức và tự tin vào tương lai.
Nguyen Truong Giang, Email: tgiang2203@yahoo.com Tôi đồng tình và chia sẻ quan điểm với Thành Nam
Cũng giống như tác giả, tôi cũng từng là "sản phẩm" của hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Do học chuyên Toán, nên trong kỳ thi Tốt nghiệp PTTH, tôi đã từng loay hoay không biết phải gọi nhà văn Minh Châu - người viết tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng với đại từ nhân xưng là Ông hay là Bà.
Đúng như tác giả Thành Nam nhận định, mặc dù cũng đã từng đoạt giải trong kỳ thi HSG Quốc gia, nhưng khi vào đại học, tôi đã quyết định không chọn ngành học liên quan nhiều tới Toán. Việc thay đổi này đã giúp tôi rất nhiều trong các kỹ năng giao tiếp xã hội, tôi không còn bị cách nhìn "1+1=2" để phán xét những gì xẩy ra xung quanh.
Một ví dụ từ thực tế kinh nghiệm bản thân để mong muốn góp thêm ý kiến đồng tình với việc xoá bỏ trường chuyên, lớp chọn. Bên cạnh đó, tôi cũng đặc biệt ủng hộ việc xoá bỏ kỳ thi vào Đại học. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất của tôi khi ủng hộ ý hiến này là việc kiểm soát chất lượng đầu ra.
Mục tiêu cuối cùng của hệ thống đào tạo ĐH là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thế nhưng với những gì đang diễn ra và hệ thống quản lý đào tạo hiện nay, tôi sợ rằng sau 4-5 năm đào tạo Đại học, một tỷ lệ không nhỏ các Kỹ sư, Cử nhân mới ra lò sẽ có chất lượng chả khác khi vào là mấy.
Trường Ca, Email: truongca64@yahoo.com
Tác giả Thành Nam nêu vấn đề trên báo rất cần sự quan tâm của dư luận xã hội, riêng ngành giáo dục cần phải nhìn nhận thực tế là nước ta còn thích danh hơn thực trong vấn đề học sinh và sinh viên tham dự các kỳ thi quốc tế.
Để có được danh, chúng ta đã rất chú trọng nuôi gà chọi, nhưng chọi xong thì ít chú tâm đào tạo thành nhân tài. Nên nhiều trường hợp đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế lại rất ít danh tiếng về sau, vì họ chỉ là những cán bộ công chức hoặc là nhà khoa học bậc trung.
Tôi tán thành với tác giả, cũng rất vui thấy báo chí nhất là Tiền phong Online đưa được bài viết lên mặt báo là một tiến bộ rất lớn nhằm tạo dư luận khách quan, qua đó thay đổi tư duy đào tạo nhân tài đi vào thực chất.
Ngoài tán thành với tác giả Thành Nam, tôi còn biết ngoài hệ thống trường chuyên, các trường bậc học phổ thông của ta còn có lớp chọn cũng không do văn bản nào qui định. Nhưng thường những khối lớp như Ví dụ: 10 A, 10A1 dều là những học sinh có thành tích học lực giỏi, còn những lớp khác chỉ khá hoặc trung bình, ngầm của lớp chọn. Nên bỏ luôn cả những lớp này.
Nguyen Thanh Loc, Email: ngloc1975yen@yahoo.com.vn
Tôi rất tâm đắc với ý kiến hay ở trên. Đã là giáo dục thì ai cũng như ai, cũng lĩnh hội một kiến thức chung tại sao còn bị phân biệt theo hai cách gọi khác nhau. Cái khác nhau là để xã hội đánh giá. Có như thế phụ huynh không phải chọn trường, học sinh không bị gò ép, không xảy ra chuyện tiêu cực trong giáo dục. các nhà quản lý không phải bỏ công chống tiêu cực, quản lý dễ dàng hơn, thoải mái hơn.
Khoa Thăng Long, Email: kechandoi6928@yahoo.com Tôi không đồng ý với ý kiến này!
Việc bỏ hệ thông trường chuyên lớp chọn là không nên.Trong bài viết trên đã nói đến vấn đề các lớp chuyên thường học lệch. Nhưng hãy thử xem kết quả thi tốt nghiệp của họ: Tỷ lệ đỗ là rất cao.
Nếu nói các học sinh lớp chuyên và chọn được quan tâm hơn các học sinh ở lớp thường điều đó hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn.Vì học sinh lớp chuyên và chọn đều đã phải học tập một cách rất vất vả mới được vào các lớp như vậy.
Còn nói về việc các học sinh ở lớp khác cảm giác tự ti hay như thế nào đó là do họ không cố gắng học tập mà thôi. Không chịu học thì mới vào những lớp thường và những học sinh này nếu cho chương trình học quá cao thì họ cũng có cảm giác không muốn hoc.
Còn việc chạy cho con mình vào các lớp chuyên chọn là do hệ thống giáo dục của chúng ta chưa được tốt, không thể đổ lỗi cho ai đươc. Hơn thế, hệ thống trường chuyên lớp chọn cũng rất có nhiều mặt lợi.
Số học sinh bị cha mẹ ép buộc học mà không đam mê chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Học sinh vào các lớp chuyên đều là những học sinh rất đam mê khoa học và luôn cố gắng học tập.
Một bạn đọc
Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của tác giả bài viết trên. Đề nghị Bộ Giáo dục nghiên cứu và sớm cải cách theo hướng đề xuất của tác giả
Le Van, Email: pleikom@yahoo.com.vn Bệnh thành tích đỉnh cao
Bài viết quá chính xác. Đây là bệnh thành tích ở tầm quốc gia. Hãy mở một cuộc thăm dò cho những người đã học ở trường chuyên lớp chọn và đã trưởng thành. Nếu số đông đánh giá trường chuyên lớp chọn có hại hơn có lợi thì nên loại bỏ ngay.
Lê Văn Vinh Cần phải coi đây cũng là bệnh thành tích!
Bài viết quá hay, đã lột tả được hậu quả của nạn trường chuyên lớp chọn. Tôi không học trường chuyên lớp chọn, nhưng tôi có lẽ đang là nạn nhân của trường chuyên lớp chọn.
Ở cơ quan tôi có nhân viên của tôi khi học phổ thông thì học chuyên toán, thi đỗ vào một trường danh giá, tốt nghiệp loại ưu, nhưng trong thực tế công tác hiện nay nhân viên này không viết nổi một văn bản nguyên nhân là do các kiến thức về văn học, ngữ pháp của nhân viên này quá kém. Tôi hiểu đó là hậu quả của việc học lệch.
Bài viết quá hay! Tôi phải khẳng định lại một lần nữa. Tuy nhiên để nó trở thành hiện thực thì nhưng người có trách nhiệm trong ngành giáo dục phải đọc và phải cảm nhận được cái hay của nó như chúng ta, phải coi đây như là nhưng ý kiến quý báu cho việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay .
Nguyễn Văn Bạt, Email: Nvbat@gmail.com.vn Bỏ trường chuyên lớp chọn - Một giải pháp chống tiêu cực & bệnh thành tích
Một bài viết thật tuyệt vời. Bạn Nguyễn Thành Nam đã tâm huyết, trí tuệ và dũng cảm để nói lên thực trạng của một loại bệnh thành tích trong giáo dục và hệ quả tất yếu của nó.
Mong sao các nhà quản lý giáo dục, các vị lãnh đạo cao cấp và đặc biệt là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đọc được bài viết này và từ đó có những chính sách, biện pháp cải tổ cách tân nền giáo dục nước nhà.
Để mỗi người Việt Nam có thể tự hào thật sự về đất nước của mình như mong muốn của Bác Hồ trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
NGUYỄN VĂN MINH
Bài viết quá hay, đúng với thực tế của tình trạnh trường chuyên, lớp chọn hiện nay. Bộ Giáo dục nên nghiêm túc tiếp thu và thực hiện ngay.
Van Rat Nguyen, Email: vanratngu@gmail.com
Bạn Nam có ý kiến thẳng thắn và những phân tích như vậy đáng được chúng ta lưu tâm và suy nghĩ. Thực ra những ý kiến bỏ trường chuyên, lớp chọn đã lác đác có từ lâu rồi. Những lý do thì có đủ cả, nào là học lệch, bệnh thành tích, đầu tư quá đáng không chú ý đến các trường khác.
Theo tôi nghĩ, chỉ nên bỏ đầu tư quá đáng tài nguyên vật lực vào các trường này, chứ đừng cưỡng chế xóa bỏ chúng. Nên nhớ rằng các học sinh của các trường chuyên cũng thường đạt điểm thi các môn khác cao đấy chứ.
Catbui, Email: pcduc77@yahoo.com
Tôi thì có cái nhìn hơi khác với bạn Nam. Cái mà bạn Nam và các bạn "lên án" ở đây chính là ảo tưởng về chất lượng giáo dục thông qua thành tích thi Olympic và hậu quả của việc nuôi gà nòi. Điều này không gắn liền với việc "Cần phải xoá bỏ trường chuyên", "hệ cử nhân tài năng".
Như bạn Nam đã phân tích, ở các nước phát triển, người ta coi trọng việc giáo dục toàn diện cho con người và khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân có năng khiếu có cơ hội phát triển tài năng. Vậy thì việc tạo ra một sân chơi cho các cá nhân có năng khiếu trong một lĩnh vực nào đấy có cơ hội được phát triển có đúng đắn không?
Mô hình trường chuyên chính là cái sân chơi ấy. Ngoài trường chuyên với các môn khoa học, xã hội còn có hệ thống các trường năng khiếu thể thao cũng nằm trong định hướng này. Nên nhớ rằng trong trường chuyên đều phải học tất cả các môn học một cách bình thường. Cũng chỉ có một số ít học sinh trong đội tuyển sẽ học rất nhiều ở môn chuyên hơn mà thôi, các bạn còn lại trong lớp, trong trường đều học tập như bất cứ một học sinh phổ thông bình thường ở các trường khác.
Câu hỏi còn lại là: có đáng phải lo ngại chất lượng giáo dục toàn diện với đối tượng học sinh trong đội tuyển hay không? Câu trả lời của tôi là không. Không thể phủ nhận một điều là đối tượng này có đầu óc thông minh, tiếp cận vấn đề nhanh hơn (có thể không hẳn là tất cả các môn nhưng luôn đảm bào được mặt bằng kiến thức chung), ngoài ra về yêu cầu bắt buộc họ cũng phải trải qua một kỳ thi tốt nghiệp kiểm tra kiến thức (với sự nghiêm túc như kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, thì các học sinh này cũng không thể lớt phớt được).
Chỉ còn một số rất ít đi thi quốc tế là được miễn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên không ai phải nghi ngờ họ kém hơn mặt bằng chung của các bạn đồng lứa trong các môn học khác. Vậy thì tại sao phải xóa trường chuyên?
Liệu có phải quá lo lắng học sinh chuyên phải luyện gà nòi, học lệch học tủ khi mà chúng ta có những kì thi kiểm định chất lượng nghiêm túc (tôi là người được kiểm chứng điều này với tư cách là người làm công tác thanh tra của Bộ trong đợt thi TN PTTH vừa rồi).
Có thể hãn hữu có những điển hình tiêu cực nhưng đấy sẽ không bao giờ là hậu quả trầm trọng cần cảnh tỉnh, đổi thay. Xem một trường, một lớp như một xã hội thu nhỏ, thì cũng sẽ luôn thấy những trường hợp cá biệt trong đó.
Olympic Toán, Lý, Hóa... là một cuộc chơi như bất cứ một Olympic nào khác. Ở đấy cũng sẽ có người thắng được vinh danh. Vấn đề ở đây chỉ là nhìn nhận về thành quả đạt được. Hãy tưởng tượng chúng ta được 10 HCV lặn ở ĐNÁ thì có thể nói là nền thể thao nước ta đang lên hay không? Câu trả lời là có nếu ta có 2 HCV điền kinh thế giới, một vài bộ phim Việt được giải ở những liên hoan trời ơi sẽ không thể nói lên điều gì (như báo chí từng bơm, thổi) nhưng nếu được giải Cành cọ vàng thì lại là chuyện khác.
Tương tự như vậy, những kỳ thi cho cấp học phổ thông sẽ không nói lên nhiều điều về trình độ khoa học của đất nước. Nếu VN có một giải Nobel Lý, tôi sẽ khẳng định được ngay, ít nhất là lĩnh vực Vật lý của VN phát triển rất mạnh và đáng tự hào lắm chứ?.
Còn một ý bạn Nam nói về việc xóa lớp cử nhân tài năng. Tại sao nhỉ? Về hình thức tuyển chọn đầu vào, tiêu chí với người sinh viên và mục đích đào tạo có khác gì với những Grande Ecole ở Pháp? Trong một biển các trường đại học, nhà tuyển dụng vẫn tìm chọn, tin tưởng ở những đối tượng được tốt nghiệp ở X, MIT, Havard, ở BK, NT...
Đào tạo chất lượng cao (đẳng cấp quốc tế) là cả một vấn đề nóng hổi mà Việt Nam đang mong mỏi. Đẳng cấp ở đây thể hiện qua đầu vào, khung đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và sự giao lưu với thế giới (các lớp cử nhân tài năng được một vài tiêu chí ấy đấy).
Và ta vẫn có các trường đại học khác để mà "phổ cập đại học". Sự phân nhóm các trường thông qua kiểm định chất lượng chính là động lực cho sự phát triển nền đạo tạo đại học của đất nước.
Trần Huệ, Email: hongtan1234@yahoo.com.vn
Tôi chỉ bình luận là bài viết thật tuyệt vời và đầy trách nhiệm. Thực ra đây là một biểu hiện lâm sàng khá rõ về bệnh thành tích mà Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn chưa nhận ra.
Bản thân tôi đã và đang sử dụng nguồn nhân lực kể cả nguồn nhân lực cao và tôi không cho rằng hệ thống trường chuyên lớp chọn sẽ phục vụ xã hội có hiệu quả so với những gì mà nhà nước đã đầu tư đồng thời nó gây ra sự chia rẽ và phân cực ngay trong suy nghĩ ngây thơ của con trẻ chúng ta.
Tôi đã từng chứng kiến học sinh của một trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội thi đỗ vào một trường đại học vào loại hot nhất của Hà Nội. Ra trường cử nhân này bỏ việc Cty sau một thời gian ngắn và nay đi làm chủ một đại lý bán vật liệu xây dựng.
Vậy Nhà nước ta bỏ ra kinh phí rất lớn để rồi thu được kết quả như vậy sao? Kết quả thi quốc tế thật cao, kể cả thi nghề, nhưng hệ thống giáo dục kém hiệu năng và chất lượng sản phẩm của những bàn tay vàng ( khi làm ra những sản phẩm ngoài hội thi ) thì lại thấp hơn các nước khác. Câu hỏi này dành cho nhà quản lý đào tạo trả lời.
Lê Đức Đạt, Email: ducdat0607@yahoo.com Không nên bỏ trường chuyên
Bài viết của bạn Nguyễn Thành Nam đã nói lên nhiều điều về thực trạng của trường chuyên ở nước ta. Tuy nhiên tôi không đồng ý với quan điểm của bạn về bỏ trường chuyên lớp chọn.
Trước hết, quan điểm của Đảng nhà nước khi đưa hệ thống trường chuyên lớp chọn vào giáo dục là vì không đủ khả năng đầu tư dàn trải cho tất cả các trường, chứ không phải đơn thuần chỉ vì mục đích luyện "gà nòi" đi thi học sinh giỏi như nhiều người thường nói.
Tuy nhiên, trong thực tế, dù chủ trương có đúng, thì nó cũng đã bị biến tấu và nhiều trường đua nhau luyện thi HSG. Bạn Nam cho rằng "mô hình đào tạo theo kiểu trường chuyên, lớp chọn vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam".
Theo tôi, chính căn bệnh thành tích, một căn bệnh không chỉ có mặt trong ngành giáo dục mà ở tất cả các ngành ở nước ta chính là nguyên nhân làm hỏng ý tưởng tốt đẹp ban đầu của hệ thống trường chuyên.
Trường chuyên THPT cũng không phải là nơi mọi người quyết định ngành nghề trong tương lai của mình theo lớp chuyên đó. Các lớp chuyên cấp 3 chỉ gồm Toán, Lý, Hoá, Văn, Anh, Sử, Địa, Tiếng Pháp, Sinh, trong khi vào đại học, ngoại trừ các trường khoa học cơ bản ra, thì có vô vàn ngành nghề để sinh viên lựa chọn, và những ngành nghề đó hầu hết không ít thì nhiều cũng liên quan đến môn chuyên hồi cấp 3 của học sinh.
Về một số tác hại của trường chuyên mà bạn Nam đã nêu như phân biệt trường gây cảm giác tự ti hoặc kiêu hãnh quá đáng.... Tôi muốn nói rằng, trường chuyên là một động lực phấn đấu tốt cho một học sinh, động lực để vào một ngôi trường tốt. Nó cũng giống như động lực để vào một trường đại học hàng đầu.
Chắc hẳn bạn Nam dù khi học đại học hay đến bây giờ là nghiên cứu sinh, bạn vẫn muốn được nghiên cứu ở một trường hàng đầu? Vậy thì tại sao những học sinh cấp 3 lại không được quyền đó? Ta không thể đòi hỏi công bằng bằng cách cào bằng.
GS Hà Huy Khoái vừa rồi cũng có nói về hy vọng xây dựng được hệ thống đại học tốt như là mình đã xây dựng hệ thống trường chuyên tốt ở phổ thông. Việc giáo dục đại học yếu kém không thể đổ lỗi cho giáo dục THPT vì cho rằng ở THPT, học sinh đã phải học quá nhiều.
Về tiêu cực do chạy chọt vào trường chuyên, nó cũng giống như bệnh thành tích tôi đã nói ở trên, đây là lỗi của xã hội, không phải là lỗi của hệ thống trường chuyên.Giáo dục là một phần của xã hội, nó không thể tránh khỏi những tiêu cực đã và đang xảy ra.
Người viết bài này hoàn toàn đồng ý với bạn Nam về tình trạng luyện thi HSG ở nước ta. Những kiến thức thi HSG không có tác dụng nhiều cho việc học sau này, nhưng không vì thế mà ta cần bỏ trường chuyên.
Thực tế, các trường chuyên không học lệch hơn trường "không chuyên", học sinh hiện nay chủ yếu là tập trung vào 3 môn thi đại học, dù là ở loại trường nào. Còn các kiến thức phổ thông, không thể khẳng định rằng học sinh trường chuyên kém hơn các trường khác.
Chính những học sinh giỏi thường là những học sinh có cách học hợp lý, từ đó có thể phát triển các kỹ năng khác. Hệ thống trường chuyên chính bản thân nó không có lỗi, mà những người đề ra chương trình giáo dục, những người thực hiện hệ thống đó cũng như cách nghĩ của những bậc phụ huynh đã làm sai lạc một hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng các trường chuyên ở nước ta.
Lê Anh Hoàng, Email: leanhhoanghn@yahoo.com.vn
Giống như ý kiến của một số bạn đã phản hồi, tôi cho rằng đây là một bài báo có ý nghĩa tham khảo khi chúng ta đang muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên không phải tất cả các kiến giải và phân tích của tác giả đều phản ánh đúng và đủ những mặt tốt và chưa tốt của hệ thống trường chuyên lớp chọn. Chúng ta có rất nhiều nhà sư phạm, nhà khoa học đủ tâm và đủ tài để có thể đánh giá và đưa ra các kiến nghị về vấn đề này cho Bộ Giáo dục.
Theo thiển ý cá nhân, đây là một vấn đề lớn liên quan đến triết lý giáo dục - cái mà hiện giờ chúng ta vẫn thấy còn nhiều ý kiến bàn luận, vì vậy mọi nhận định đánh giá cần hết sức khách quan và toàn diện mới mong có được sự đồng thuận của xã hội.
Cụ thể đối với bài báo này tôi không đồng ý với tác giả về kiến nghị bỏ hệ đào tạo cử nhân tài năng tại các trường Đại học; các kiến nghị khác cơ bản có liý do đáng để tranh luận.
Nguyễn Hiếu, NCS tại CH Pháp, Email: tisiki05@yahoo.com
Bài viết của anh Nam rất hay, làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, việc đề nghị bỏ hệ thống trường này là vội vàng.
1. Vì sao phải cần trường chuyên, lớp chọn? Ngoài việc tổ chức các trường chuyên để thi học sinh giỏi và lấy thành tích ra, mục đích cao cả hơn là đào tạo nguồn nhân lực tốt cho đất nước sau này. Nhân lực của mỗi quốc gia đều theo dạng hinh chóp. Ở trên đỉnh hình chóp sẽ tập hợp những kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà xã hội, chính trị giỏi…Tập hợp này sẽ lãnh đạo, thúc đẩy cho đất nước đi lên.
Để đạt đến đỉnh hình chóp này, tùy theo mỗi quốc gia sẽ có những cách thức khác nhau. Ở những nước phát triển, khi trình độ dân trí lên cao, việc tiến đến hình chóp không thật sự khó khăn.
Nhưng đối với nước ta, để tự nhiên hình thành hình chóp rất khó khăn. Cứ để mọi trường, mọi lớp như nhau thì tất cả học sinh cứ tiến đều nhau, không có gì đột phá cả nhất là chúng ta không có đủ điều kiện về kinh tế và nhân lực để đầu tư cho tất cả. Nếu chúng ta tập hợp một số người có khả năng về tư duy để đào tạo, bồi dưỡng thành những kỹ sư, xã hội học.. giỏi sau này. Tập hợp này sẽ kéo những con người bên cạnh tiến lên.
2. Tình hình phát triển của những cựu học sinh ở các trường chuyên như thế nào? Tôi không bi quan như anh Nam và một số bạn đọc khác. Ở Pháp tôi gặp khá nhiều những cựu học sinh của các trường chuyên của đất nước đang học và nghiên cứu rất tốt ở Pháp. Thành công của họ là niềm mơ ước của biết bao sinh viên và nghiên cứu sinh ngoại quốc và Việt Nam.
Anh có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này tại các trường kỹ sư danh tiếng của nước Pháp : Ecole Polytechnique, Ecole de Mime, Ecole Centrale de Paris, de Lyon, INSA Lyon….Nhờ vào hệ thống trường chuyên mà tư duy của các cựu học sinh này rất khá hơn nhiều bạn bè VN không từ trường chuyên ra.
Bản thân tôi của trưởng thành từ trường chuyên Đà Nẵng. Các bạn bè tôi bây giờ đều thành đạt: 3 đang làm NCS tại Pháp, 3 NCS tại Nhật, 1 học MBA ở Pháp, 1 Master ở Na Uy. Đây là những người đang làm NCS bằng nguồn tài chính của Chính phủ hoặc các Cty nước ngoài (chưa kể một số đang ở Mỹ bằng tiền tự túc hoặc bằng tiền của Chính phủ VN).
Không những thế những bạn bè tôi đang ở trong nước đều công tác ở các trường đại học và các tập đoàn lớn. Chỉ có 1 (trên 34) bị khó khăn trong việc học ở Đại học.
3. Các nước phát triển có trường chuyên, lớp chọn hay không? Ở các nước khác thì tôi không được biết rõ, nhưng ở nước Pháp, tôi khẳng định là có. Nhưng các trường chuyên này nằm ở bậc đại học.
Chính phủ Pháp đầu tư rất nhiều tiền của vào các trường lớp (grande ecole, ví dụ Ecole Polytechnique, Ecole Normale Superieur de Cachan, Ecole de Mime, Ecole Centrale de Paris, de Lyon, INSA Lyon….).
Mặc dù không mang tên là trường chuyên hay trường chất lượng cao nhưng bản chất của nó chẳng khác gì trường chuyên ở nước ta. Nếu các bạn một lần đến các trường này sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt này. Để vào các trường này, sinh viên Pháp học hành không kém gì học sinh ở các trường chuyên của nước ta.
Các sinh viên phải học ngày đêm, tỷ lệ rớt rất cao. Những sinh viên rớt được tuyển vào các trường nhỏ hơn: Universite, INPT, INPG…Không ngẫu nhiên mà hầu hết các lãnh đạo các Cty lớn, các chính trị gia của nước Pháp đều xuất thân từ các trường lớn này. Và không ngẫu nhiên mà các cơ quan nghiên cứu của Pháp đặt ra 2 mức lương khác nhau giữa các cựu SV trường lớn và các trường còn lại (CEA là một ví dụ).
Các bạn nếu làm NCS về kỹ thuật thử tìm một người đến từ Cachan để so sánh với những người khác sẽ thấy sự khác nhau này. Nói chung, ngoài những mặt hạn chế mà anh Nam đưa ra, tôi đã trình bày những thế mạnh của trường chuyên, lớp chọn.
Đừng vì nhưng tiêu cực trước mắt mà chúng ta bỏ đi những mặt mạnh của hệ thống này. Hãy cố gắng lọc bớt 3 hạn chế của nó: bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, học lệch và tạo điều kiện để các em học sinh chuyên (và thường) nâng cao thể chất và giải trí.
Chúc ban biên tập, anh Nam và bạn đọc vui vẻ, làm việc tốt. Ps: Nhờ Ban biên tập chuyển địa chỉ mail của tôi đến anh Nam để tôi có thể thảo luận riêng với anh. Cảm ơn!
Tran Hung, Email: hung.tran.dao@gmail.com
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Thành Nam. Nhân dịp nước ta vừa tổ chức thi vào Đại học tôi xin góp ý kiến về việc chọn khối thi cho các khoa của các trường Đại học. Ai là người quy định vào khoa này, trường này thi phải thi khối gì? Theo tôi được biết nền giáo dục của nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm: lấy toán là thước đo để đánh giá mọi thứ trên đời.
Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là người thứ hai có quan điểm mới về giáo dục, tựu trung là đưa nền giáo dục hướng tới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Tôi xin đơn cử một thí dụ mà tôi cho là rất vô lý và lãng phí nguyên khí của quốc gia: Năm 2007, số học sinh thi khối A (Toán, Lý, Hóa) đạt từ 27 điểm trở lên của Trưòng Đại học Ngoại thương là 500 em. Những người giỏi khoa học tự nhiên mà học về kinh tế thì chẳng đạt được thành tựu xuất sắc gì, trong khi những ngành khoa học tự nhiên lại rất thiếu người. Tôi thấy điều này cực kỳ vô lý giống như ta chọn cầu thủ bóng đá giỏi để đi chơi cờ tướng vậy.
Trịnh Ngọc Anh, Email: vantaidangkiemvp@yahoo.com Học sinh Việt Nam giỏi hơn thế giới hay không?
Trước hết, xin chúc các em đã đạt được kết quả cao trong kỳ thi OLIMPIC vừa qua. Về vấn đề này tôi có 1 số người bạn đã từng đoạt giải nhất, nhì và 3 Toán và Lý quốc tế, họ đã sang học trường đại học Lomonosov (LB Nga) và có tâm sự với tôi rằng: Thực chất về tư chất thông minh thì Việt Nam kém thế giới nói chung, vì chính bản thân những người đoạt giải đó sang Nga học cật lực thì kết quả sau 1 năm chỉ đứng TOP 100, không được TOP 10.
Do ngành giáo dục Việt Nam đào tạo con người theo kiểu "gà nòi", chỉ đầu tư vào 1 môn, thậm chí đặc cách các môn khác nên mới thi đạt kết quả như vậy, còn thế giới họ học đều các môn, đạt học sinh giỏi và đi thi, nên thực tế tỷ lệ các nước số học sinh thông minh hơn Việt Nam rất nhiều. Chúng ta, nếu hiểu đúng bản chất thì không nên phủ nhận điều này, hãy xem xét lại...
Tôi rất tâm đắc bài viết của Nam . Bài viết đã có một cái nhìn khá toàn cục về những hậu quả của việc luôn tự tạo ra những thành tích nhất thời để " tự mình tôn vinh mình với mọi người" , một việc ai cũng hiểu mình, chỉ có mình không hiểu Họ khen mình đó, nhưng họ cũng hiểu rằng mình chả có gì ngoài những thành tích hão huyền .
Liệu rồi ta chỉ có vài nhân tài, rồi đứng kế tiếp những nhân tài đó là cả chục triệu người là nhàng nhàng. Thôi đừng "Trường chuyên - Lớp chọn " - Học sinh chuyên Văn - Toán... Hãy trả lại cho Gíao dục những gì thực chất của Giáo dục. Thời đại của sự phát triển mãnh liệt của Công nghệ và Thông tin mà ta cứ vẫn vỗ ngực : Việt Nam là CƯỜNG QUỐC của môn Toán - Lý ....
Hãy để số tiền đào tạo HS giỏi Chuyên vào phổ cập Tin học , hay giúp đỡ cho giáo dục Đồng bằng Nam Bộ.
Phạm Tiến Bình, Email: Yenhieumap@yahoo.com.vn
Tôi rất ủng hộ việc bỏ trường chuyên lớp chọn tất cả các cấp học. Chúng ta sẽ tránh được việc có những trường điểm phải chạy vào học rồi rất nhiều việc phiền phức liên quan.
Chất lượng giáo dục tất cả các trường sẽ được đào tạo đồng đều và các em sẽ được phát triển toàn diện tránh tình trạng gà nòi mù mờ các vấn đề xã hội khác ngoài những kiến thức chuyên sâu được nhôìi nhét trên lớp học. Chúng ta sẽ có được thế hệ học sinh hiểu biết toàn diện và sẽ có cách nhìn xã hội thấu đáo hơn.
Nguyễn Dũng Khang, Email: khangpy123@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý với những giải pháp của tác giả đã đề ra. Việc quá chú trọng về đầu tư cho học sinh trường chuyên lớp chọn (về ngân sách và ưu tiên giáo viên giỏi dạy tại các trường lớp này) đã vô hình chung gây bất bình đẳng trong xã hội và cụ thể đây là lĩnh vực giáo dục.
Chúng ta chỉ tập trung vào những người giỏi mà không có sự quan tâm thích đáng đến những học sinh chưa giỏi. Trong khi đó, mọi học sinh khi trưởng thành đều có nghĩa vụ đóng góp công sức và trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.
Nguyễn Thị Nhiễu, Email: caugo81@yahoo.com
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Nguyễn Thành Nam. Là người trong ngành, tôi cũng nhận thấy những điều bạn nêu là rất đúng. Chỉ có một băn khoăn là nếu vẫn duy trì các kỳ thi học sinh giỏi như hiện nay thì bệnh thành tích là không thể khắc phục được.
Nên chăng là chỉ tổ chức các cuộc giao lưu như các cuộc giao lưu Toán tuổi thơ của bậc Tiểu học, không đánh giá vào thi đua của các trường, các huyện, các Sở... Hình thức nhẹ nhàng, dân chủ.
Việc tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi như hiện nay không những làm cho bệnh thành tích thêm trầm trọng mà còn rất dễ nảy sinh tiêu cực trong ngành giáo dục.
Y Thắng Mlô Duôn Du, Email: ythangmlodl@yahoo.com
Tôi là giáo viên đã giảng dạy hơn 20 năm , tôi thật sự đồng tình với bài viết của ông Nguyễn Thành Nam.Tôi công tác tại một tỉnh miền núi, nhưng vẫn có trường chuyên và thật sự áp lực vào trường chuyên vì lòng hãnh diện nhiều khi còn cao hơn là do năng khiếu, ngoài ra cũng vẫn có học sinh chuyên nhưng thi hỏng tốt nghiệp THPT. Theo tôi việc chống bệnh thành tích cần phải thể hiện trong việc sớm bỏ tất cả các trường chuyên.
ThanhNhan (VinhPhuc)
Tôi thấy tâm đắc với ý kiến của bạn Nam, bạn là người rất dũng cảm khi dám nói lên những yếu kém của nền giáo dục VN hiện nay, tôi mong bạn hãy gửi bài viết này đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT càng sớm càng tốt.
Nguyễn Thị Minh Hoà
Tôi thấy quan điểm của bạn rất hay, nhưng sẽ rất khó thực hiện vì sự bảo thủ của nền giáo dục. Vì không yên tâm về chất lượng học tập mà các phụ huynh bằng mọi giá phải lao cho con vào được trường khá dù có tốn kém thế nào., như học sinh vào cấp 2 trái tuyến phải chạy chọt đóng góp biếu xén có khi tới 10 triệu đồng, và các em hầu như cũng biết điều đó chính vì thế mà làm lệch lạc quan điểm đúng đắn của cả nhiều thế hệ học sinh, sự giáo dục đã bị thương mại hoá quá nhiều.
Cách dạy thì cổ hủ cho tới tận bậc đại học vẫn tồn tại hình thức đọc chép hoặc hiện đại hơn thì photo tài liệu đưa học sinh rồi lên lớp giảng lại, kiểm tra thì đơn thuần là học thuộc, không khuyến khích học sinh tự đọc và tu duy sáng tạo nghiên cứu khoa học.
Các học sinh có nghiên cứu khoa học ở đại học đã ít lại chẳng mấy chất lượng. Bao nhiêu năm tham khảo các nước mà nền giáo dục chúng ta chẳng mấy chuyển biến. Mới đây tiến hành đào tạo tín chỉ ở một số ít trường.
Tôi thấy cách mà ở nước ngoài làm khi bảo vệ luận án tiến sĩ hay thạc sĩ gì đó thì đề tài phải bán được mới đưọc bảo vệ và công nhận. Nếu thế tại sao ở ta lại không học tập và áp dụng. Qua báo chí tôi thấy ở nước ngoài thầy dạy ăn lương theo số học sinh đăng ký nghe giảng, điều đó rất hay , đương nhiên nó sẽ là sự sàng lọc tự nhiên tốt nhất, ai không có khả năng sẽ không có học trò và phải tự chuyển đổi...
Một nền giáo dục lạc hậu tạo ra các sản phẩm là các học sinh tốt nghiệp mà không tiên tiến rồi lại được giữ ở lại trường làm giảng viên và lại viết tiếp bài ca truyền thống giảng dạy như cũ - một sức ỳ khó bề xoay chuyển làm nản lòng những ngưòi có tâm huyết.
Mong Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục tạo nên những bứt phá cho nền giáo dục.
Một bạn đọc
TÔI NGHĨ RẰNG ĐẾN THỜI ĐIỂM NÀY CŨNG NÊN XÓA BỎ TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN ĐƯỢC RỒI. BỞI VÌ NẾU TỒN TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC NHƯ HIỆN NAY THÌ NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ KHÔNG NHỮNG BỊ TỤT HẬU VÀ XUỐNG CẤP MÀ CÒN LÀM CHO NÓ TRỞ THÀNH MỘT THỊ TRƯỜNG ĐỂ CHẠY ĐIỂM, ĐỂ ĐƯỢC VÀO TRƯỜNG CHUYÊN VÀ LỚP CHỌN. TỪ MẪU GIÁO ĐẾN CẤP III ĐỀU RẦM RỘ VIỆC PHỤ HUYNH "CHẠY" CHO CON EM MÌNH VÀO CÁC TRƯỜNG CHHUYÊN LỚP CHỌN.
Nguyen Khanh Hoang, Email: khanhbg@gmail.com
Là người Việt Nam nên tôi cũng thấy tự hào mỗi khi trên báo, đài, tivi nêu tên ở nơi này nơi khác có học sinh Việt nam đạt thành tích cao trong học tập. Nhưng chúng ta cần phải đánh giá lại về sức lực và của cải để đạt được những thành tích đó.
Tôi đã từng chịu sự phân biệt đối xử khi học PTTH. Chúng tôi là học sinh trường huyện đi thi học sinh giỏi tỉnh phải cạnh tranh với học sinh trường chuyên mà họ được trang bị những kiến thức mà chúng tôi không được học.
Chúng tôi đạt thành tích kém không phải vì chúng tôi dốt hơn họ mà là do sự bất công trong giáo dục. Trường chuyên có thày giỏi hơn, có cơ sở vật chất tốt hơn, được luyện thêm giờ mà phải đóng ít học phí trong khi chúng tôi đã nghèo lại phải bó tiền để lên tỉnh, lên thành phố học thêm để có kiến thức đi thi.
Tôi rất đồng tình với một số ý kiến việc sinh ra trường chuyên lớp chọn làm cho sự phân bố học sinh khá và thày giáo có chuyên môn tốt không đồng đều giữa các trường nó rất đến tình trạng vô cùng tồi tệ là tốt lỏi chứ không phải xấu đều.
Những anh tốt lỏi kia chỉ là vài cá nhân trong xã hội họ làm sao có thể đưa cả xã hội Việt nam đi lên khí mà mọi người xung quanh mình đều học kém. Thật tồi tệ hơn khi phần lớn học sinh chuyên chọn sau khi được nhà nước Việtnam nuôi dưỡng trưởng thành rồi đi du học nhờ thành tích học tập xuất sắc, họ lại ở lại phục vụ cho các nước khác vì điều kiện làm việc và sinh sống tốt hơn, lương cao hơn.
Cần phải thay đổi để đào tạo ra mọi học sinh đều có kiến thức căn bản tốt để họ giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong cuộc sống cũng như trong công việc cho dù họ là công nhân, nông dân, hay trí thức, cán bộ.
Đây chính là lực lượng nòng cốt giúp Việt Nam thoát nghèo, và đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế, giữa các dân tộc. Cuối cùng tôi một lần nữa khẳng định cần phải xoá bỏ ngay sự bất công này trong giáo dục, đó cũng là góp phần xoá bỏ căn bệnh thành tích ở cấp độ tỉnh, quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn Tiền phong Online đã cho đăng bài báo trên.
Bạn đọc báo
Đây là bài viết mà theo tôi nghĩ phần đông dân Việt Nam chúng ta thấy đúng. Hiện nền giáo dục của đất nước ta rõ ràng là có vấn đề mà nguyên nhân trong đó có việc như bài viết này đã nêu.
Rất mong các nhà quản lý của ngành giáo dục nước nhà và đặc biệt vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nên xem xét để sớm áp dụng để thế hệ học sinh sau này được đào tạo tốt hơn và nước nhà có nền giáo dục thực sự chấn hưng đất nước.
Dang Quang Tho, Email: dang_quangtho&yahoo.com
Là một cán bộ, khi đọc bài viết này tôi rất tâm đắc bài viết này phản ánh đúng tình trạng giáo dục nước nhà để có sự công bằng trong giáo dục nhân cách ,trí tuệ của học sinh chúng ta tạo môi trường lành mạnh,bình đẵng.Không phân biệt đôí xử cùng các học sinh với nhau, giảm thiểu tiêu cực trong việc chạy trường, chạy lớp, chạy thầy.
Do vậy cần xoá bỏ ngay trường chuyên, lớp chọn. Tạo một nền giáo dục phổ cập bình đẵng giữa các trường, thông qua đó có sự thi đua cố gắng các học sinh trong trường .
Tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi toàn trường, toàn huyện, toàn tỉnh nhằm phát hiện những nhân tố đào tạo thêm để thi quốc gia và quốc tế.
Nguyễn Văn Khôi
Tôi ủng hộ quan điểm của bạn. Từ đây đẻ ra bao nhiêu là tiêu cực mà ta không nhìn thấy được. Tiêu cực đầu vào trường chuyên, không phải hầu hết các em đếu đỗ xứng đáng cho nên mới có chuyện trưòng chuyên mà trươt đại học và trượt cả tốt nghiệp nữa. Tiêu cực cả đội tuyển nữa. Danh sách đội tuyển không phải lúc nào cũng là các em có khả năng nhất, và giải không phải lúc nào cũng là chính xác nhất vì sao vì có giải thì đưọc vào thẳng đại học. Thử không được vào thẳng đại học xem, sự tiêu cực về danh sách đội tuyển sẽ bớt đi nhiều.
Tiêu cực trong sự dạy ở trường chuyên, các môn phụ hầu như được nới tay, va các em hổng rất nhiều kiến thức toàn diện. Còn các em trong đội tuyển hầu như bỏ hết các môn để dành thời gian cho môn thi giải, nếu là em nào có khả năng cao thi quốc tế sau đó được vào các lớp cử nhân hay du học nưóc ngoài chuyên ngành đó thì còn phát triền được, còn các em khác chỉ để vào thẳng đại học thì kiến thức nhiều môn cơ bản trống nên vào đại học học không ổn, cứ thử làm đợt điều tra lực học của các em vào thẳng đại học từ trước tới nay xem tôi tin rằng nó không đẹp hoàn toàn đâu.
Tôi rất mong Tiền phong sẽ thử thống kê chuyện này xem. Cho nên tôi thiết tha mong Bộ Giáo dục, nhất là Bộ trưỏng Nguyễn Thiện Nhân, hãy quan tâm và ủng hộ những gì tâm huyết của nhiều người góp ý để xây dựng VN có một nền giáo dục chất lượng quốc tế.
Nguyễn Phùng Hiệp, Email: hiepnp@yahoo.com
Là một giáo viên, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn
Hệ thống trường chuyên thì được Sở ưu ái, lớp chọn thì được Ban giám hiệu ưu ái. Điều này làm các giáo viên dạy các lớp bình thường cảm thấy bất công, mặc dù không muốn nói ra! Các giáo viên dạy lớp chọn chưa hẳn đã phải vì họ giỏi hơn, mà có khi đơn giản là được BGH ưu ái, hoặc theo kiểu "đến hẹn lại lên" (Họ đã từng dạy lớp chọn từ những năm trước thì năm sau lại cứ tiếp tục) .
Chính điều này đã tiêu diệt động cơ phấn đấu của các giáo viên khác. Tóm lại tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn. Đó hoàn toàn là sản phẩm của bệnh thành tích mà Bộ GD đang phát động trong phong trào 2 không.
Nguyen Thanh Quan
Toi khong dong tinh voi y kien cua Nguyen Thanh Nam. Theo toi van de nay nen hoi chinh nhung nguoi trong cuoc (Tat ca nhung hoc sinh truong chuyen lop chon). Theo quan diem cua toi neu bo truong chuyen lop chon thi hien nay khong the co nhung giao su noi tieng.
Van de o day la noi dung chuong trinh va chon thay giao giang day nhu the nao. Chu khong the do loi cho han che cua giao duc nuoc nha la do he thong truong chuyen lop chon duoc.
Minh Nguyễn, Email: truong@gmail.com Tôi không đồng ý
Tôi cũng từng đi thi học sinh giỏi ở trong nước, và bây giờ đang học ở nước ngoài. Qua quan sát tôi thấy học sinh phổ thông các nước không hề thông minh hơn chúng ta, chỉ có điều khi lên đại học thì cách giảng dạy cũng như cơ sở vật chất của họ hơn mình nên sinh viên bên đó phát triển hơn chúng ta.
Nếu để một học sinh lớp 12 từng thi học sinh giỏi toán của chúng ta sang học cùng với học sinh các nước như Pháp, Anh thì những bạn học đó vẫn là những người học rất tốt, và sau đó đều rất thành công trong cuộc sống, sự nghiệp.
Cái cần của giáo dục Việt Nam chính là môi trường đào tạo, chất lượng đào tạo. Đừng có đổ lỗi cho các em học sinh, các kỳ thi ở các bậc học dưới không phải là cái gì bắt buộc các em sau này sẽ phải thành công. Nó chỉ là một "phép đo" có quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn.
Em này được HCV chứng tỏ em ấy là người giỏi nhất trong số những bạn cùng lứa, hoặc ít ra cũng là tốp đầu (tính đến thời điểm đấy). Sau đấy sự phát triển của sinh viên phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác.
Vì thế, đừng vì đào tạo đại học yếu kém mà từ bỏ việc tuyển chọn học sinh giỏi hằng năm vẫn đang tỏ ra khá tốt. Cần khuyến khích các em học chuyên. Không thể bắt HS học đều các môn, quá khó. Có chăng khi bỏ trường chuyên chúng ta sẽ đào tạo những người "làng nhàng" ở tất cả các môn.
Như tôi không thích học Văn thì chắc có bắt học cũng chỉ học qua loa để đủ điểm thi, sau đấy sẽ quên ngay. Phải chăng đào tạo học sinh "giỏi" toàn diện mới là lãng phí? Một người giỏi toàn diện là điều không tưởng.
ĐDT, Email: doduytruong1@yahoo.com
Tôi đọc thấy ý kiến của tác giả là rất đúng, tôi không cần nói và giải thích thêm gì. Bản thân em trai tôi cũng được đào tạo kiểu "Gà công nghiệp" như vậy, thành tích thì có nhưng khả năng học tập và tính tự lập sau này bị ảnh hưởng rất nhiều.
Mà xã hội phát triển cần khả năng và trình độ nâng lên toàn diện của các cá nhân hay tế bào trong xã hội đó, chứ không phụ thuộc vào một vài cá nhân...
Chúng ta càng phải triệt để loại bỏ bệnh thành tích đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức của một bộ phận rất lớn trong nền giáo dục VN. "Có thể thành tích của chúng ta trong các kỳ thi Quốc tế giảm xuống, nhưng trình độ giáo dục chung thì nâng lên rất nhiều" và như một vị giáo sư người VN tại Mỹ, thành viên BGK cuộc thi olimpic Toán Quốc tế mới tổ chức ở Hà Nội nhận xét: "Du học sinh các nước châu Á nói chung còn thụ động trong suy nghĩ và học tập, nói một cách khác là BẢO GÌ LÀM LẤY".
Đó là một phần ảnh hưởng của bệnh giáo dục thành tích và thiếu tiếp xúc thực hành... Chúc nền giáo dục Việt Nam mở ra trang mới với tân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
chauanh, Email: hv_qs2006@yahoo.com
Toi rat nhat tri voi y kien cua tac gia bai bao. Mac du nhung y tuong nay khong moi va da nhieu nguoi neu ra tu lau. Nhung co 1 cai vuong ma ai cung hieu do la: Benh thanh tich o nganh GD o ta.
Trần Anh Tuấn, Email: anhtuantr@yahoo.com
Tôi chỉ muốn bắt đầu bằng một ý nhỏ như sau: Kết luận: thực chất người VN chỉ 'thông minh" ở mức trung bình của thế giới. Vì, giả sử IQ là chỉ số phản ánh trung thực cái mà ta thường gọi là 'thông minh' (ít nhất đến giờ khoa học cũng mới chỉ có IQ là thước đo ít sai lệch nhất), thì IQ của người VN chỉ là khoảng 86 (IQ and the Wealth of Nations, Richard Lynn and Tatu Vanhanen). IQ cao nhất thuộc về Nhật + Hàn: 104; Âu + Mỹ: 98 etc.)
Thế giới người ta tính IQ của các dân tộc và thậm chí còn so với các thước đo khác hoặc sự thịnh vượng của các dân tộc lâu rồi. Một quyển sách với chủ đề tương tự của 2 GS Harvard cũng làm rung rinh giới học giả là Bell Curve: Intelligence and Class Structure in American Life.
Hoàng Trần Đạt, Email: htdat2001@yahoo.com Bài viết rất hay, xin bổ sung vài ý
Bài viết của bạn Nguyễn Thành Nam từ Pháp là rất hay và rất tâm huyết. Bạn có phân tích về những tiêu cực xảy ra khi còn hệ thống trường chuyên, lớp chọn và khối được quan tâm "đặc biệt" ở cuối cấp (5,9,12).
Tiêu cực chạy trường chạy khối, quan hệ không tốt... bạn chỉ mới phân tích ở phía học sinh. Về phía giáo viên và các cấp lãnh đạo, ai dám khẳng định là không xảy ra nhưng tiêu cực tương tự như vậy?
Để vào được trường chuyên đôi khi giáo viên cũng rất vất vã "nhất thân nhì thế" ba là...t. Muốn dạy được ở lớp chọn hay các khối cuối cấp thì cũng phải vất vả tương tự như thế. Khi đã dạy được những lớp và khối "đặc biệt" thì mối quan hệ đồng nghiệp cũng thay đổi. Cũng kiêu hãnh quá đáng, coi thường đồng nghiệp ở các lớp và các khối không được nhà trường quan tâm....
Theo tôi chúng ta nên xoá bỏ trường chuyên, lớp chọn và khối được quan tâm "đặc biệt" để làm lành mạnh hoá môi trường giáo dục từ đó mới mong chấn hưng giáo dục nước nhà.
Tường Minh, Email: em_plsforgiveme@yahoo.com
Tác giả phân tích tương đối sâu về những hạn chế của giáo dục Việt Nam, chê nhiều nhưng đến khi đưa ra giải pháp thì lại rất sơ sài và chưa có tính khả thi. Ta không thể so sánh với các nền giáo dục của các nước phát triển được, điều quan trọng là phải biết chính xác là ta đang đứng ở đâu, và giải pháp nào là tốt nhất.
Thử hỏi có bao nhiêu người mong muốn con mình được vào trường chuyên lớp chọn? Có lẽ là 99% dân số Việt Nam (họ chỉ không dám nghĩ tới khi biết con mình quá kém). Ta đã sai từ khi đặt những viên gạch đầu tiên cho chương trình cũng như hệ thống giáo dục, vậy nên chăng từng cá thể trong xã hội hãy bắt đầu cải cách ngay từ việc dạy con em mình ở nhà. Đừng chỉ biết kêu ca và đổ lỗi.
Nguyễn Thanh Liễu (Bỉm Sơn, Thanh Hóa)
Qua một số ý kiến nhận xét khá dài của bạn Nguyễn Thành Nam, tuy cũng có một vài ý đúng với một số trường hợp cá thể (khoảng 5 - 10%)không phát huy được ý nghĩa và tác dụng lớn lao của hệ thống trường chuyên đối với sự nghiệp dự bị và đào tạo nhân tài thật sự ở cấp đại học cho đất nước.
Ý thứ hai tôi xin đề cập, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng phải làm như vậy, có nghĩa là muốn Dạy tốt và Học tốt thì phải phân loại chất lượng và trình độ học sinh để theo dõi và điều chỉnh việc dạy học có kết quả và hiệu quả tốt nhất.
LIÊN QUỐC, Email: lien_quoc007@yahoo.com
Một bài viết quý giá để góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Xin cảm ơn tác giả Nguyễn Thành Nam! Mong bộ Giáo dục quan tâm !
T.B.N, Email: con_lai2006@yahoo.com
Bản thân em cũng học trong 1 trường chuyên em hiểu rõ cảm giác khi học trong lớp "dự bị". Khi đi ngang lớp các bạn lớp chuyên luôn có những ánh mắt khinh thường "xỉa vào", trong môi trường đó luôn là sự ganh đua không có chỗ cho tình bạn.
Tóm lại Bộ Giáo dục nên bỏ đi hệ thống trường chuyên, lớp chọn để các bạn học sinh có thể hòa đồng với nhau, chứ nếu để tình trạng này những người học chuyên thì ai cũng nghĩ mình là giỏi nhất ---> khinh thường các bạn khác. Họ có thể giỏi thật, nhưng với tính cách ngạo mạn khinh người thì liệu ra đời có ích gì ?
PhamTiep, Email: coiduong@yahoo.com
Toi cung da tung duoc hoc o mot lop chon trong truong PTTH va toi thay rang viec hoc lech hoc tu, va duoc qua nhieu uu dai lam cho toi va lop toi cam thay tu phu khi con hoc pho thong. Khi len DH thi nhung nguoi hoc pho thong nhu toi lai khong duoc thi vao lop goi la "Cu nhan tai nang" gi do.
Ho duoc qua nhieu uu tien, trong khi ngan sach danh cho nhung nguoi hoc binh thuong da it gio lai phai cat cho nhung nguoi hoc lop nay, thi thu hoi lay dau ngan sach de dao tao nhung nguoi goi la khong tai nang chu.
Trong khi ra truong thi ca hai loai cu nhan deu lam viec nhu nhau va deu co cai dau rong tech! va chang lam duoc gi khi moi ra truong ca!
Nguyen Phuong Van, Email: phuongvan802002@gmail.com
Toi rat tam dac voi bai viet cua ban Nguyen Thanh Nam. Toi cung tung la hoc sinh cua cac lop chuyen, lop chon va dang la du hoc sinh. Va gio day, toi da co cai nhin khai quat hon ve nen giao duc cua nuoc nha minh.
Khi con o trong nuoc, toi luon tu hao ve nguoi Viet Nam minh thong minh, dac biet la gioi toan, gioi khoa hoc hon han cac nuoc ban, nhung co le chua duoc phat trien chi vi chua co dieu kien kinh te ho tro.
Nhung khi di ra nuoc ngoai, that su khach quan ma noi, sinh vien Vietnam ta con thua xa sinh vien cac nuoc khac rat nhieu. Chua xet den mat kien thuc, chi xet den ky nang song va giao tiep, su tu tin va kha nang the hien minh cua sinh vien Vietnam ta con phai trau doi nhieu.
He thong truong chuyen, lop chon, vo hinh trung da khoac len cho cac ban duoc hoc trong moi truong do mot su tu hao hon muc can thiet. Thanh thuc rat tiec toi phai cong nhan la nhu vay.
Chi la mot so it cac ban co thanh tich xuat sac thi duoc bao chi dua tin khen ngoi va phong dai len. Chu ho chua nhin den canh co ban hoc hanh bi cang thang qua den do phai bo hoc nua chung, co ban cung tung bi thi rot, hoc di hoc lai may lan, phai bo ve nuoc khong?
Va de dat duoc thanh tich hoc tap xuat sac o nuoc ngoai, toi tin chac rang cac ban sinh vien Vietnam con phai lam viec gap may lan so voi cac ban den tu cac nuoc phat trien.
Thu nhat la viec duong dau voi ngoai ngu thu hai. Toi tin chac rang mot ban co IELTS 8 diem van khong the nao doc tai lieu nhanh nhu mot nguoi ban xu duoc. Thu hai, SVVN cung phai khong ngung ren luyen va trau doi ky nang song, ki nang tu duy, va kien thuc xa hoi van la mot khoang cach so voi da so cac sinh vien khac.
Viet Nam ta con ngheo và lac hau. Ta phai nhin nhan dieu nay de co y thuc vuon len. Chu dung tu hao huyen ma ngu quen trong chien thang da qua xa voi. Con can rat rat rat nhieu nhung nguoi co tam huyet va co cai nhin cach tan hon de co the thay doi duoc bo mat cua dat nuoc Vietnam ta.
Chu Văn Hoàng, Email: upa_hau2003@yahoo.com Đã đến lúc nên nhìn lại chúng ta đang ở vị trí nào
Đây thật sự là cái nhìn đúng đắn về nền giáo dục hiện tại của Việt Nam. Chúng ta nên xem lại mình đang ở vị trí nào để xác định đường đi nước bước của việc trồng người cho đúng đắn. Nếu " trồng người " tốt thì không có lý do gì mà Việt Nam không trở thành cường quốc trên thế giới.
Nguyen Hai Son, Singapore, Email: son50000@yahoo.com
Tôi nhất trí với những ý kiến bạn Nam nêu, những ý kiến đều xác đáng, phân tích đúng nguyên nhân và kết quả của căn bệnh thành tích bấy lâu nay ta theo đuổi. Tôi xin đóng góp thêm ý kiến về việc so sánh đào tạo đại học và cử nhân tài năng ở Việt Nam.
Thực tế nhiều lớp cử nhân tài năng chưa thật xứng đáng như tên gọi và mức đầu tư. Mỗi lớp không quá 20 SV, so với lớp chính quy lên tới 50 - 70 SV, thậm chí 150 SV, rồi các lớp này được các giáo sư/tiến sĩ đầu ngành giảng dạy, chi phí giảng dạy, thù lao cho các thày cũng cao hơn, phương tiện giảng dạy, học cũng đầy đủ hơn, sv được cấp học bổng...
Nhưng thực tế họ bắt đầu chỉ là những sinh viên đoạt điểm cao mấy môn cơ bản khi sơ tuyển đầu vào - một khe cửa hẹp, đầy tính may rủi, số sinh viên có những đề tài xuất sắc, có tính ứng dụng hay khoa học không như mong đợi.
Điều này có thể lý giải vì do sức ép tâm lý phải được điểm cao nên các sv này phải học đúng những điều thày truyền đạt, tính sáng tạo rất hạn chế và quan trọng nhất là họ ít có cơ hội được học hỏi lẫn nhau, học hỏi bạn bè xung quanh, mà kênh thu thập kiến thức này vô cùng quan trong và to lớn.
Hồng Lan, Email: ngan0202@yahoo.com Tôi tán thành với những đề xuất của tác giả Nguyễn Thành Nam
Quả thật bài viết của anh Nguyễn Thành Nam khiến tôi thực sự cuốn hút về nội dung và những ý kiến đề xuất hết sức xác đáng. Cảm ơn anh Nguyễn Thành Nam và mong rằng Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ đọc được bài viết này của anh.
Kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi là một thành công của Bộ trưởng và tôi hy vọng từ bài viết này, Bộ trưởng sẽ có thêm những quyết sách có hiệu quả tốt hơn đối với nền giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Đình Cử, Email: cund@neu.edu.vn
Bài viết của bạn Nam chứng tỏ bạn rất ưu tư về thực trạng giáo dục của đất nước nói chung cũng như hệ thống trường chuyên, lớp chọn nói riêng. Đây là một điều rất đáng trân trọng. Tôi không bàn về những kết luận, giải pháp của NCS Nguyễn Thành Nam là đúng hay sai mà chỉ bàn về phương pháp tư duy về vấn đề này.
Đánh giá một hệ thống đã tồn tại trên dưới 40 năm nay, dù là để phát triển lên hay giải thể đi cũng cần khách quan và có đầy đủ sơ sở, căn cứ tức là mỗi kết luận, mỗi đánh giá cần phải được thực chứng.
Đáng tiếc là những kết luận của NCS Nguyễn Thành Nam hoàn toàn mang tính chủ quan, không có chứng minh. Điều này là tối kỵ trong tư duy khoa học. Chẳng hạn, bạn Nam viết: “Hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin về những lưu học sinh Việt Nam đạt kết quả cao ở nước ngoài nên dễ làm cho nhiều người nhầm tưởng là sinh viên Việt Nam luôn giỏi hơn”.
Bạn thử thống kê xem, một năm có bao nhiêu bài báo như bạn nói và bao nhiêu bài báo nói về tình trạng yếu kém của học sinh, sinh viên Việt Nam. Nếu bạn thống kê được, tôi tin là kết luận của bạn sẽ ngược lại - “nhà nước dồn ngân sách cho các trường điểm, trường chuyên”. Bạn có biết tỷ lệ ngân sách cho trường điểm, trường chuyên là bao nhiêu không?
- “Sau một thời gian học tập ở nước ngoài, có điều kiện quan sát mô hình đào tạo ở các nước phát triển, thông qua so sánh và suy nghĩ thì nhận ra rằng mô hình đào tạo theo kiểu "gà nòi" ở Việt Nam có hại nhiều hơn là lợi”. Vậy bạn sẽ khuyến nghị áp dụng mô hình của các nước “đã phát triển” sao? Bạn nhớ rằng Việt Nam là nước “đang phát triển”.
Bạn có thể viết một bài kỹ hơn, chi tiết hơn, tường minh về những vấn đề nêu trên không? Chẳng hạn, bạn so sánh cái gì, so như thế nào? Bạn “cân đo, đong đếm” như thế nào để chứng minh kết luận “hại nhiều hơn là lợi”. - “Nếu các giải pháp trên đây được thực hiện thì có thể kết quả các kì thi Olympic quốc tế của Việt Nam sẽ bị giảm xuống. Nhưng khi đó chất lượng đào tạo chung sẽ được nâng lên rất nhiều”.
Giải pháp của bạn thật là “trên cả tuyệt vời”, vì không mất một xu nào, vì nó thật là đơn giản, chỉ việc xoá bỏ trường chuyên lớp chọn mà chất lượng của cả hệ thống giáo dục chẳng những được nâng lên mà còn được “nâng lên rất nhiều”?!
Xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng mong đợi ở các nhà khoa học những kết luận, những đánh giá, những giải pháp có cơ sở thực tiễn và lý luận vững chắc, không thể chối cãi, chứ không phải chỉ là những ý kiến nặng về cảm tính, những nhận xét mang tính chủ quan, duy ý chí như vậy.
HẢI NGUYÊN, Email: nguyen_anbien@yahoo.com.vn
Tôi thống nhất cao với ý kiến của bạn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi thấy học sinh đang ngày càng nghiêng về các môn Toán, Lý, Hoá vì hình như có một sự "Khuyến khích" nào đó từ các trường chuyên , lớp chọn .
Nhiều nơi đang có hướng lập các trường THPT chất lượng cao , điều này sẽ hút hết nhân tài vào đó để đào tạo học sinh thành các "thợ giải đề ", và như thế không phải chỉ có môn Lịch sử mà còn nhiều môn khác như Địa lý, Giáo dục công dân, thậm chí cả Văn học sẽ dần trở thành môn học xa lạ với học sinh.
Vũ Mạnh Linh, Email: linhvumanh@yahoo.com
Tôi không đồng ý với tác giả ở chỗ: "Việc có giải cao trong các kỳ học sinh giỏi, kể cả kì thi quốc tế, suy cho cùng chẳng nói lên điều gì hay là mang lại lợi ích gì ngoài việc "nâng cao thành tích", ....". Nói như vậy chúng ta ...cấm tổ chức thi, hoặc tham gia có lệ các kỳ thi Olympic thì nền khoa học nước ta phát triển chăng?
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng "Chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều nỗi lo". Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này không đơn giản chỉ là "Nên bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn".
Tôi cũng tán thành với bạn do hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin về những lưu học sinh Việt Nam đạt kết quả cao ở trong và ngoài nưóc nên dễ làm cho nhiều người nhầm tưởng là sinh viên Việt Nam luôn giỏi hơn.
Sẽ đơn giản và bớt căng thẳng hơn khi tôi nghĩ việc đoạt huy chương trong các kỳ thi toán, lý... cũng như chúng ta đoạt huy chương trong các môn thể thao, điền kinh khác mà thôi.
Nguyen Trung Cuong, Email: cuongcadnt@gmail.com Đúng là nên bỏ trường chuyên lớp chọn
Vấn đề này không mới nhưng đây là lần đầu tôi thấy một bài viết phân tích rất cụ thể và chi tiết. Nếu đào tạo như vậy, VN chúng ta sẽ chỉ có những "chú gà nòi" rất thiếu sự sống trong xã hội thực. Các bạn cứ xem một số chương trình trò chơi trên truyền hình sẽ thấy các kiến thức sơ đẳng nhất thì các bạn sinh viên, học sinh lại không trả lời được đặc biệt là các kiến thức về văn hoá, xã hội, lịch sử, địa lý...
Nhìn chung theo quan điểm của tôi, chúng ta nên đào tạo con người một cách toàn diện để sống và cống hiến cho Tổ quốc được nhiều hơn vì đó là số đông trong xã hội.
Nguyễn Mạnh Hùng, Email: hung308@mail.ru Đây là ý kiến rất hay!
Tôi đã từng là học sinh lớp chọn và thấy những điều bạn đề cập là hoàn toàn chính xác. Theo ý kiến cá nhân của tôi thì bài viết của bạn rất hay, bạn đã "rút ruột, rút gan" để viết bài viết này. Đã từ lâu tôi cũng muốn góp ý kiến về việc này, hôm nay tôi đọc được bài này thật tuyệt, tôi ủng hộ ý kiến của bạn.
Tôi cũng đang du học và tôi nhận thấy những điều bạn viết cũng rất chính xác. Hiện có nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đang du học hay đã học xong, nghiên cứu xong (tức là những người đã đang được học cùng với sinh viên nhiều nước khác nhau trên thế giới).
Họ sẽ có một cách đánh giá khách quan về vấn đề này. Xin mọi người hãy bày tỏ quan điểm của mình một cách tâm huyết nhất cho bài viết này.
Tran Phuc, Email: fuku@yahoo.co.jp Một bài viết hay và có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà
Tôi hiện đang sống ở Nhật - nước có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu của thế giới nhưng xem TV chẳng bao giờ thấy họ đề cập tới chuyện đi thi giành giải này giải nọ của học sinh họ cả.
Trong khi ở ta năm nào cũng thấy TV và báo chí đăng học sinh này học sinh nọ đoạt huy chương vàng bạc gì đấy, nhưng đoạt giải để mà làm gì khi nước ta vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới? Giá như mà là giải Nobel khoa học chắc tôi sẽ phải rất tự hào và hãnh diện để khoe với bạn bè Nhật của mình.
Tôi đề nghị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và những nhà làm giáo dục xem xét làm sao tập trung đào tạo ra càng nhiều các nhà khoa học mà có thể có những phát minh khoa học kỹ thuật áp dụng được vào cuộc sống thực tiễn góp phần đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước như nước Nhật đã từng làm đuợc trong quá khứ chứ đừng tập trung vào giành mấy cái huy chương vàng, bạc toán học, hóa học.. gì đấy, chẳng có ý nghĩa gì cả mà chỉ thêm tốn thời gian và tiền bạc.
Nếu làm được như vậy thì trong tương lai không xa nước Việt Nam thân yêu của chúng ta có thể sánh vai với các cưòng quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ưóc. Và để mỗi khi ra nước ngoài ta đuợc hãnh diện nói với bạn bè ràng tôi là NGƯỜI VIỆT NAM!
Nguyen Thu Ha, Email: thuhaspnn@yahoo.com Toi het suc tam dac voi bai viet nay
Tung la "nan nhan" cua he thong truong chuyen lop chon, tung co thoi gian dai hoc tap va nghien cuu o nuoc ngoai, toi thay nhung y kien tren day cua ban Nguyen Thanh Nam la het suc xac dang va phan anh dung thuc trang cua nen giao duc hien tai o VietNam.
Bo Giao duc va Dao tao can tiep nhan duoc nhung phan anh manh bao nay de xem xet va co nhung giai phap phu hop, kip thoi trong giai doan hoi nhap va tang toc hien nay.
Hồ Văn Bình, Email: binhovan@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết này, nếu chúng ta đang thực hiện hai không, thì đây là một trong hai không mà chúng ta cần thực hiện, đó là thành tích, để làm gì khi một địa phương, một trường có những học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế nhưng tỷ lệ thực chất chung của trường ở dưới mức trung bình, ở đây tôi muốn nói đến thực chất.
Tôi không lầm thì hình như có một thời gian Nhà nước đã có chủ trương xóa bỏ trường chuyên lớp chọn rồi thì phải. Sao hôm nay lại mọc ra nhiều như vậy nhỉ? Không biết Luật Giáo dục mới sửa đổi có cho phép không, hay Bộ trưởng hiện tại có cho phép không chứ hiện nay hình như mỗi tỉnh một trường, ví dụ ở Bình Định có trường chuyên Lê Quý Đôn, và mỗi trường THCS, THPT đều có lớp chuyên.
Tôi nghĩ ở tầm vĩ mô thì cái chúng ta cần đạt là kiến thức nền cơ bản của một lớp thanh niên trong xã hội nói chung được nâng cao, cả xã hội thực hiện được phổ cập bậc trung học theo đúng thực chất, nguồn nhân lực của xã hội nói chung phát triển có kiến thức cơ bản vững chắc để thực hiện được những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội .
Đây là vấn đề cơ bản để xoá đói giảm nghèo hiện nay, một vài học sinh, sinh viên giỏi trong một trường, một huỵên, tỉnh không thể so sánh được với việc tất cả thanh thiếu niên trong trường, địa phương đó đạt được cái mà họ cần đạt trong cuộc sống. Các cấp lãnh đạo, ngành giáo dục nên xem xét vấn đề này!
Nguyễn Mậu Hưng, Email: hungamvn@yahoo.com
Tôi rất đồng ý với ý kiến của tác giả bài báo. Là một người trong nghề, tôi hiểu thế nào là áp lực của việc phải đạt được thành tích, để báo cáo, để hãnh diện với trường khác. Vì vậy, các lớp chọn đã xuất hiện để chọn những học sinh tài năng nhất vào và "luyện gà".
Việc làm này đã làm cho nhiều em học sinh khá giỏi được bồi dưỡng và đem vinh quang về cho trường, tỉnh. Tuy nhiên, mặt khác, những em học sinh này lại không được học tập toàn diện các môn khác. Đồng thời, những lớp không phải là chọn chỉ còn lại những em học tập trung bình.
Điều này khiến phong trào học tập của lớp giảm hẳn vì trên mình còn ai nữa mà thi đua. Và những giáo viên dạy những lớp này cũng có tâm trạng chán nản vì không thể cung cấp thêm kiến thức nâng cao, không khí học tập trầm. Rất mong những người có thẩm quyền xem xét. Chúng ta không nên vì thành tích trước mắt!
Tran Tuan, Email: tran.tuan@umb.no
Các nước có thứ hạng cao trong các kỳ thi toán quốc tế là những nước XHCN hay đã từng nằm trong hệ thống XHCN như Nga, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Việt Nam. Điều đó nói lên các nước này rất quan tâm đầu tư cho kỳ thi này để đạt thứ hạng cao.
Tuy nhiên, nền khoa học kỹ thuật và kinh tế ở các nước này đều chưa phát triển. Thứ hạng của các kỳ thi này chỉ mang giá trị tham khảo chứ hoàn toàn không phản ánh đầy đủ nền học thuật của các quốc gia.
Dang Vu
Tôi thực sự cảm thấy rất phấn khích khi đọc bài của anh Nguyễn Thành Nam. Bài viết thực sự súc tích và phản ánh chính xác những gì mà giáo dục Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém của mình.
Tôi cũng cùng chung nhận định với anh là SVVN o nước ngoài không thua SV từ các nước khác về mặt kiến thức cơ bản, tuy nhiên để vận dụng kiến thức đó một cách linh hoạt trong nghiên cứu thì SVVN chúng ta mới bộc lộ điểm yếu hơn họ.
Trong nghiên cứu khoa học chúng ta không cần nhiều đến những bài toán quá hóc búa như trong các bộ đề thi học sinh giỏi. Thành tích trong các kỳ thi quốc tế xét cho cùng cũng chỉ là hình thức, còn thực chất thì phải là những kết quả nghiên cứu, phát minh mà chúng ta đang phải mua và áp dụng những công nghệ tiên tiến từ những nền giáo dục khác, đặc biệt là Mỹ.
Trong khi các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang phải tìm cách đánh giá "máy bay" của Hai Lúa thì Boeing đã cho ra đời Dreamline bằng vật liệu compoisite và tiết kiệm tới 20% nhiên liệu rồi.
Hay là trước khi các bạn trẻ ở Việt Nam crack được bản Windows thì Micrsoft cũng đã kịp bán hàng chục triệu bản chính rồi. Tôi chỉ muốn đề cập đền tính hiệu quả mà một nền giáo dục mang lại cho xã hội thôi. Xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều nếu đào tạo đúng hướng các tài năng trẻ.
Nguyen Quoc Viet, Email: nttruc@hotmail.com
Day la mot bai viet co gia tri de Bo Giao duc Dao tao nhin lai benh thanh tich cua minh. Bai nay cung tra loi mot thac mac chung la tai sao neu chung ta co nhung HS-SV xuat sac nhu vay ma van con rat it nhung nha khoa hoc/quan ly/chuyen vien nghien cuu hang dau the gioi va VN chua bao gio lot vao danh sach cac quoc gia duoc cap nhung phat minh (Patent)?
HS-SV VN nhieu nguoi chi la mot sach, hoc de lay bang nhung dau oc sang tao thi rat han che. Chung ta phai nhin lai ta: Loai bo benh thanh tich, ca tung qua dang, nang cao sang tao va cach suy nghi doc lap..nhung lanh vuc ma bao chi cung co mot vai tro RAT QUAN TRONG.
Bang cap nao, chuc vu gi... dau co quan trong bang cau hoi la minh da dong gop duoc gi o lanh vuc chuyen mon va nhat la cho que huong Viet Nam. Doc bao VN thay qua nhieu nhung danh tu di kem voi ten ca nhan nhu Giao su, Pho Giao su, Thac sy, Tien sy... ma sao it thay các cong trinh nghien cuu hay sang tao gi lon ca?
That su o nuoc ngoai it ai quan tam den nhung chuc vu tam phao do khi dua danh thiep cua minh va nguoi cang noi tieng thi cang don gian trong cach xung ho.
Một bạn đọc
Ý tưởng của bạn thật rất tốt cho nền giáo dục Việt Nam.
Nguyễn Quốc Hải, Email: hhhaibien@yahoo.com.vn
Tôi rất tâm đắc và đồng tình với tác giả bài viết. Xin cảm ơn nhiều! Mong quý báo gửi bài viết này tới các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.
Hà Việt Cường, Email: hvcuong@monre.gov.vn Ý kiến hay cần được xem xét
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn Nguyễn Thành Nam. Các cấp có thẩm quyền nên "dũng cảm" xem xét ý kiến này.
>> Tiếp tục cập nhật...