VOR dẫn nguồn tin từ một quan chức NATO cho biết, các quốc gia NATO nhận thấy cần thiết phải thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn sự leo thang xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo quan chức NATO, sự cố trên biên giới giữa Ankara và Damascus sẽ được thảo luận tại cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 9 và 10 tháng 10 tới, đồng thời khẳng định NATO “không lên kế hoạch phản ứng quân sự chống Syria", khi chưa mất hoàn toàn các cơ hội xoa dịu tình hình.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “có những biện pháp cần thiết” và phản ứng với việc Syria pháo kích lãnh thổ của mình, gọi đó là một "hành động xâm lược" từ phía nước này.
Trong thư nêu rõ việc pháo kích vào lãnh thổ đất nước "là một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và phá hoại hòa bình an ninh thế giới”.
Hiện các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang bàn về dự thảo tuyên bố chung liên quan đến vụ nã đạn pháo vào Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tài liệu này, sự cố Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đấu pháo qua biên giới được coi như "một minh chứng rõ ràng rằng khủng hoảng ở Syria đã tràn sang các nước láng giềng với một tốc độ đáng báo động”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4-10 (theo giờ địa phương), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho nội các quyền ủy nhiệm tiến hành các hoạt động quân sự ngoài biên giới trong vòng một năm, gồm cả đối với Syria. Quyết định được 320 trên tổng số 550 thành viên quốc hội ủng hộ trong một phiên họp kín.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay cho hay việc Quốc hội bật đèn xanh cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở bên phía quốc gia láng giềng Syria không phải là một sự ủy thác chiến tranh.
Nội các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa đề nghị này lên quốc hội xem xét sau vụ việc xảy ra ngày 3-10 khi 5 dân thường tại làng Akchakale, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, được xác định đã thiệt mạng do trúng đạn pháo từ Syria. Đáp lại, chính quyền Ankara chỉ đạo quân đội nã pháo vào khu vực tổ chức pháo binh của Damascus.
Chính quyền Syria đã chính thức xin lỗi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về vụ pháo kích trên.