Mặc dù TLNN và TLĐT hoàn toàn khác nhau, cụ thể TLNN làm nóng nguyên liệu thuốc lá, còn TLĐT sử dụng dung dịch, nhưng cả hai vẫn đang bị đồng hóa để đề xuất cấm chung. Do đó, hiện các bộ ngành, chuyên gia đang tranh luận rằng TLNN có nguyên liệu thuốc lá nên phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), có thể được kiểm soát và phòng chống tác hại tương tự thuốc lá điếu.
Không gặp khó khăn về bộ máy
Ngày 16/10, tại tọa đàm “Phòng chống Buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp”, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp thông tin: Các lực lượng thực thi pháp luật cho biết việc kiểm soát TLNN không gặp quá nhiều khó khăn về bộ máy, nhân sự, vật chất, kỹ thuật. Lý do là vì cách thức quản lý TLNN cũng tương tự như quản lý thuốc lá điếu hiện tại. Nếu có, cũng chỉ cần phát sinh thêm biên chế.
Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trình bày: Nếu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, việc cho lưu hành và sản xuất TLNN theo quy định vẫn nằm trong tầm năng lực của Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường cũng khẳng định: Bộ máy quản lý đã sẵn sàng, chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các cơ quan thực thi pháp luật khác.
Dước góc độ khoa học, tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/6/2024, đại diện Bộ Công thương cho biết, nếu Bộ Y tế dựa trên đánh giá khoa học chính thức về tác hại của TLNN, TLĐT để khẳng định loại thuốc lá mới nào có hại cho sức khỏe tới mức phải cấm, thì cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan.
Theo đó, các nghiên cứu cần dựa trên các tổ chức uy tín, độc lập như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR), Bộ Y tế Nhật… cũng như sự cần thiết của các nghiên cứu trong nước từ Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN). Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng cũng cho biết một số đề tài nghiên cứu ở cấp bộ của Bộ Công Thương từ năm 2020 đã có tham khảo kết quả thẩm định khoa học từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với TLNN, và khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với việc đưa TLNN vào kiểm soát dưới luật quốc gia.
Các đại biểu kiến nghị, quy trình xây dựng báo cáo đánh giá tác hại của TLNN, TLĐT cần được thực hiện đầy đủ, toàn diện, với sự tham vấn minh bạch với ngành, hiệp hội thuốc lá và người dùng. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách dựa trên sự hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan theo tinh thần chỉ đạo của nhiều cơ quan chức năng.
Mặt khác, ông Lê Đại Hải cũng phân tích dưới góc độ quản lý nhà nước, cần có hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn và quản lý nhập khẩu nhằm giúp ngăn chặn hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường.
Quản lý cũng là biện pháp giảm tác hại
Các đại biểu tại tọa đàm đã khẳng định thuốc lá nào cũng có hại. Nhưng nếu cứ hại là cấm “thì thuốc lá truyền thống cũng bị cấm rồi”, ông Hải nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cũng nêu kiến nghị về việc thẩm định tác hại: Cần có quy định thực hiện mục tiêu giảm thiểu tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người dựa trên nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Liên quan đến nghiên cứu trong nước, ông Ngọc nhắc đến kết quả một nghiên cứu đáng tin cậy về TLNN của nhóm tác giả Trường Đại học Y Hà Nội. Bên cạnh đó, ở góc độ lớn hơn, ông cho biết Bộ KH-CN cũng đã nghiên cứu để công bố các tiêu chuẩn quốc gia đối với TLNN.
Đánh giá đối tượng sử dụng TLNN, Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội nêu rõ, các sản phẩm TLNN chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua biên giới. Đây là sản phẩm thuốc lá giá trị cao, chỉ có người trưởng thành có thu nhập cao mới sử dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá: TLNN rất khó tiếp cận giới trẻ vì cồng kềnh (vì gồm sạc, tẩu, điếu thuốc lá khô đặc chế - PV), giá thành lại đắt đỏ.
Vì vậy, nhiều đại biểu cùng thắc mắc: Cùng dùng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên giống thuốc lá điếu, nhưng thay vì đốt cháy thì TLNN dùng cách nung nóng, đối tượng sử dụng thực tế lại không phải giới trẻ, các báo cáo khoa học từ cơ quan quốc tế kết luận về việc giảm hàm lượng các chất gây hại hơn so với thuốc lá điếu, năng lực kiểm soát TLNN cũng đã được các bộ ngành khẳng định là khả thi, thì cần xem xét để đưa vào quản lý.
Nhiều đại biểu cho rằng cần thay đổi tư duy từ “quản không được thì cấm” bằng “quản bằng cách cấm” để đáp ứng nhu cầu, lợi ích, quyền lợi các chủ thể liên quan bên cạnh vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá mới nào dễ dàng nhận diện đó là thuốc lá trong định nghĩa của Luật PCTHTL thì cần sớm đưa vào quản lý; còn loại nào chưa phải thì sớm có quyết định hướng dẫn cụ thể để các cơ quan chức năng có công cụ pháp lý đầy đủ để tối ưu hóa hiệu quả của việc phòng chống buôn lậu thuốc lá.