Nâng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên mới

Chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Chính phủ là vô cùng nhân văn do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện hiệu quả nhiều năm qua. Qua thời gian các nguồn vốn trên ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. 

Từ vốn vay ưu đãi, giúp cho nhiều gia đình có việc làm và thu nhập ổn định; nhiều học sinh, sinh viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đi áp lực tài chính, theo đuổi ước mơ học tập, lập thân, lập nghiệp, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong đất nước.

Người dân xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã

Nâng bước thế hệ trẻ tiếp cận tri thức

Chị Nguyễn Thị Tình, thôn Hải Yến, xã Hải Thắng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã không khỏi lo lắng khi thời điểm năm 2017, có 2 con cùng lúc học đại học. Chi phí mỗi tháng cho 2 con khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng là áp lực rất lớn với gia đình làm nông như chị. Biết được hoàn cảnh kinh tế gia đình, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện đã tiếp cận và hướng dẫn cho chị thực hiện những thủ tục để được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với số tiền được vay hơn 100 triệu đồng, một mặt chi trả các khoản cho các con đi học đại học, còn lại chị đã tạo dựng mô hình trang trại kinh tế tổng hợp.

Chị Nguyễn Thị Tình ở xã Hải Thắng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) vay vốn chính sách mở rộng sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nuôi các con học đại học

Những đợt gió rét ngọt giữa tháng Chạp nhưng chị Tình vẫn luôn làm việc ở trang trại. Lúc thì chặt rau bắp cải, khi lại vào chuồng nhặt trứng ngỗng kịp bán cho thương lái. Người đàn bà 45 tuổi dáng đậm, mang vẻ chất phát khoe: Nhờ NHCSXH cho vay vốn mà gia đình chị nuôi được 3 cô con con gái lớn, ngoan ngoãn, trong đó có 2 con đang học đại học. Hiện con gái lớn của chị đã ra trường, có việc làm ổn định trên Hà Nội. “Nguồn vốn rất có ý nghĩa ở thời điểm khó khăn, giúp con tôi không bị bỏ dở học giữa chừng. Khi biết bố mẹ phải vay vốn các cháu càng thêm động lực quyết tâm học tập, tạo dựng ý thức tiết kiệm, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường để hoàn trả nợ món vay đúng hạn”.

Tương tự, sau khi con trai trúng tuyển Đại học Điện lực, gia đình chị Nguyễn Thị Thơ, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) vừa mừng, vừa lo vì không biết lấy đâu ra số tiền lớn để đóng học phí cho con. Nỗi lo của vợ chồng chị được giải tỏa khi Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương hướng dẫn và giúp gia đình tiếp cận nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên của NHCSXH huyện. Từ đó đã giúp gia đình chị yên tâm cho con theo học đại học. Chị Thơ giãi bày: “Vợ chồng tôi thu nhập không cao, chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Nếu không có sự tiếp sức từ vốn vay có lẽ con tôi cũng khó cầm được tấm bằng cử nhân và có việc làm ổn định như hôm nay”.

Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên, dư nợ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến 31/12/2024 đạt hơn 234,6 tỷ đồng với 4.536 học sinh, sinh viên được vay vốn.

Vợ chồng chị Thơ rất vui khi được cán bộ NHCSXH huyện Tiên Lữ đến thăm hỏi thành tích học tập các con của anh chị sau khi vay vốn học đại học

Nguồn vốn cho vay của chương trình đã giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được theo đuổi ước mơ học tập, không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, địa phương; sau khi học xong sinh viên có việc làm, có ý thức cùng gia đình trả nợ nên chất lượng tín dụng của chương trình tốt.

Sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, cả nước đã có gần 4 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi với hơn 80.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2024 tổng dư nợ chương trình đạt 20.249 tỷ đồng, với 360.637 khách hàng đang vay.

Khơi dậy khát vọng làm giàu

Cũng nhằm nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là đơn vị thuộc hệ thống NHCSXH, chi nhánh tỉnh Hưng Yên luôn chủ động quán triệt sự chỉ đạo của cấp trên đẩy mạnh chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho nhiều khách hàng. Trong đó chú trọng cho cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ về địa phương; lao động nữ nông thôn đã quá 40 tuổi (độ tuổi mà các doanh nghiệp sản xuất không còn tiếp nhận) vay vốn.

Số liệu cho thấy, đến đầu tháng 1/2025, trên địa bàn Hưng Yên đã có 20.226 khách hàng được vay vốn với số tiền hơn 1.303 tỷ đồng. Nguồn vốn đã “hà hơi, tiếp sức” giúp nhiều hội viên cựu chiến binh, hội nông dân có đời sống kinh tế khá giả hơn.

Cựu chiến binh Đỗ Mạnh Điệp, thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH. Cùng với vốn tự có, anh đã đầu tư mua 12 con bò (nái và thương phẩm) về chăn nuôi. Trị giá của đàn bò khoảng 370 triệu đồng là tài sản lớn, giúp gia đình cải thiện thu nhập trong thời gian tới nên trong những ngày giá rét, anh luôn chăm sóc đàn bò cẩn thận, lúc nào cũng quấn rơm và quấn chăn cho bò được ấm và chuẩn bị thức ăn tươi cho bò.

Ngời lên khí chất can trường, bản lĩnh của bộ đội cụ Hồ, anh Điệp cho biết với lợi thế vùng đất bãi phì nhiêu, sau khi rời quân ngũ anh cũng đã nuôi 2 con bò. Loay hoay tìm hướng phát triển đàn bò, anh đã được Hội cựu chiến binh xã bảo lãnh để NHCSXH cho vay vốn. Cầm chắc đồng vốn trong tay, anh Điệp đã “cởi bỏ” tư duy cũ làm ăn nhỏ lẻ, thay vào đó là nghĩ lớn, làm lớn. Không chỉ chăn nuôi bò, anh đang mở đại lý thức ăn gia súc, phục vụ nhu cầu chăn nuôi đang tăng mạnh trên địa bàn xã, hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

Tại xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên đã có 113 hội cựu chiến binh như anh Điệp được vay vốn ưu đãi, tổng số tiền là 6,8 tỷ đồng. Khi có dòng vốn “rẻ” đã tạo động lực mạnh mẽ, khích lệ cựu chiến binh làm giàu.

Cựu chiến binh Đỗ Mạnh Điệp, thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường, thành phố Hưng Yên được vay vốn NHCSXH nuôi bò

Ông Phạm Văn Dinh, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hùng Cường chia sẻ, tất cả các hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, mở mô hình trang trại làm ăn hiệu quả. Các mô hình đều cho thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng/năm nên các hội viên rất phấn khởi, cùng chung một khát vọng làm giàu, vươn lên đổi đời từ nguồn vốn chính sách.

Trước xu hướng phát triển của đất nước, ông Dinh mong muốn, nhà nước cần tăng thêm nguồn vốn ưu đãi cho bộ đội xuất ngũ. “Các hội viên đều bày tỏ khát vọng cháy bỏng làm giàu trên quê hương mình nhưng nguồn vốn mới chỉ được ứng được khoảng 30% nhu cầu. Nếu vốn được bổ sung thêm, sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho các hội viên, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ và địa phương phát triển”.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với trọng trách là “cánh tay nối dài” của Chính phủ triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH đã triển khai nhiều Chương trình cho vay vốn ưu đãi trên phạm vi cả nước.

Nói về ý nghĩa của các chương trình vay vốn ưu đãi trên địa bàn, ông Vũ Hải Chiều, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên đánh giá, chính sách tín dụng ưu đãi tác động lớn đến kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quan điểm của NHCSXH là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để hộ gia đình có đủ điều kiện theo quy định sẽ được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Chương trình rất hợp lòng dân, có sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương, thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, tính đến nay tổng dư nợ cho vay trong cả nước đạt 109.195 nghìn tỷ đồng với hơn 2 triệu khách hàng vay. Thông qua chương trình đã xuất hiện rất nhiều các điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở thành thị mà còn có ở nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp...