Phạm Tự Tại (26 tuổi) mở xưởng gốm mang tên mình tại làng gốm nổi tiếng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) khi đang là sinh viên. Từ đầu năm 2008 đến nay, khó khăn dồn dập đến với Gốm Tại.
“Năm ngoái, giờ này chúng tôi đang tất bật hoàn thiện sản phẩm cho hợp đồng xuất khẩu lọ hoa. Thế nhưng nay hợp đồng không có” - Tại nói.
Các xưởng gốm khác gắn liền với tên của các bạn trẻ được đào tạo bài bản, yêu nghề, như Gốm Thiều, Gốm Nhung, Gốm Hà, Gốm Thụy... cũng đang trong tình trạng tương tự. Hơn 2.000 lao động tại đây đang có nguy cơ mất việc.
Tại làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), sáng sớm, chị Nguyễn Thị Vân chạy sang xưởng xem hôm nay có việc gì làm không nhưng vẫn cái lắc đầu của ông chủ xưởng như gần một tháng qua. Mất việc, chồng chị lên Hà Đông chạy xe ôm.
Khi chúng tôi đến cơ sở sản xuất mây tre Hằng Đô, 60 nữ công nhân đang lúi húi làm việc nhưng trong tâm trạng thấp thỏm. Ông Nguyễn Văn Đô - chủ cơ sở nói: “Năm 2009 sẽ khó khăn gấp bội. Đầu ra bị thu hẹp, hạn mức vay vốn lại thấp. Nếu cơ sở của tôi bị ảnh hưởng, hàng nghìn lao động trong làng này gặp khó”.
Hầu hết các cơ sở trong làng Phú Vinh đang hoạt động cầm chừng, số khác đóng cửa. Một phần ba lao động nghỉ việc, giãn việc. Doanh thu của xã sụt giảm hàng chục tỷ đồng, bằng 70% năm trước.
Tìm lối ra
Anh Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Cty Hoa Sơn, chủ nhiệm hội nghệ nhân làng Phú Vinh, cho rằng, thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp làng nghề phải nhanh chóng, hướng vào thị trường tiêu dùng nội địa.
Còn theo anh Nguyễn Minh Long - Giám đốc Cty Phú Hoa Trang, doanh nghiệp không nên trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước mà cần thực hiện mọi biện pháp để tiết kiệm chi phí đầu vào, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giãn nợ, khoanh nợ đối với các doanh nghiệp làng nghề khó khăn.
Cùng đó, Bộ sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch vùng nguyên liệu, khuyến khích tiêu thụ hướng vào thị trường nội địa.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: Ngoài ba khó khăn cố hữu (thiếu vốn; thị trường bấp bênh; công nghệ lạc hậu, mẫu mã đơn điệu), các làng nghề nước ta hiện nay còn đối mặt thêm nhiều thách thức mới:
Đó là môi trường ô nhiễm; nhân lực thiếu và yếu (đặc biệt là hiện tượng thanh niên nông thôn không còn mặn mà với làng nghề truyền thống); mặt bằng sản xuất thiếu; vùng nguyên liệu không ổn định, không được quy hoạch cụ thể...
“Chính vì thế, sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề kém, lại gặp đúng lúc nền kinh tế thế giới suy thoái, nhiều làng nghề có nguy cơ bị xoá sổ” - Ông Dần khẳng định.
Cũng theo ông Dần, bộ phận chịu tác động mạnh mẽ nhất của cơn bão khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh thế giới là các làng nghề - nơi có các gia đình, tổ sản xuất, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - chứ không phải là các doanh nghiệp lớn, như nhận định của một số bộ ngành.
Theo ông Dần, thu nhập không lớn so với các lĩnh vực khác nhưng làng nghề lại tạo công ăn việc làm cho lượng lớn lao động nông thôn. “Dù đề nghị nhiều giải pháp gỡ khó nhưng đến nay vẫn chưa thực sự có lối ra cho hàng hóa, lao động làng nghề, nhất là đối với lao động thất nghiệp” - Ông Dần nói.
Năm 2009: Khoảng năm triệu lao động làng nghề mất việc
Cả nước có gần 3.000 làng nghề, với hơn 11 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp hoặc làm thêm lúc nông nhàn... Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thoi thóp.
Năm 2009, sẽ có trên 50% doanh nghiệp làng nghề phải giải thể, kéo theo khoảng năm triệu lao động mất việc làm, sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội.
(Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam)