IDI kỳ vọng doanh thu cán mốc 8.300 tỷ đồng, tăng trưởng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, vượt gấp 6,3 lần so với năm 2021. Với sự cố gắng và nỗ lực rất cao để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận này, IDI sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử.
HĐQT trình Đại hội thông qua kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt.
Nhìn lại năm 2021, tuy đại dịch đã “giáng đòn” trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu, khiến doanh nghiệp ngành thủy sản lao đao, thậm chí có nhiều đơn vị phải ngưng hoạt động. Song, Cty IDI vẫn duy trì được sức sản xuất nhờ kiểm soát tốt các biện pháp phòng - chống dịch triệt để. Do vậy, Cty ghi nhận doanh thu thuần 5.720 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 143 tỷ đồng, tăng trưởng 33,6% so với 2020.
Ông Lê Thanh Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty IDI chia sẻ, hiện các đơn hàng xuất khẩu của IDI đã ký “full” cho đến hết năm 2022. Năm qua, với lợi thế 3 kho lạnh quy mô lớn và nguồn lực tài chính dồi dào, IDI đã dự trữ được 24.000 tấn cá tra thành phẩm với mức giá nguyên liệu đầu vào khoảng 17.000 – 18.000 đồng/kg đáp ứng nhu cầu thị trường phục hồi sau dịch. Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay giá cá từ 32.000 đồng/kg trở lên, mức chênh lệch đó đã đem lại cho IDI hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Hiện xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ ở nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Theo dự báo, giá cá tra sẽ phá kỷ lục lịch sử 35.000 đồng/kg và cán đích mới 40.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022.
IDI sở hữu vùng nuôi liên kết rộng lớn, quy mô hơn 350 ha, tổng sản lượng khoảng 85.500 tấn cá nguyên liệu/năm, chiếm 90% tổng sản lượng nguyên liệu cần cho 2 nhà máy chế biến thủy sản. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 cán bộ công nhân viên. Công ty đang đầu tư nhà máy chế biến thủy sản số 3, với trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu từ Châu Âu, có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Qua đó, giúp IDI chủ động hoàn toàn trong chiến lược cung cấp nhiều dòng sản phẩm cho thị trường tiêu thụ thủy sản toàn cầu.
Ngoài ra, Cty khẩn trương xúc tiến đầu tư Viện nghiên cứu con giống với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cá giống chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của IDI. Bên cạnh đó, đơn vị còn cải thiện nâng cao chất lượng thức ăn thủy sản trong bối cảnh ngành thủy sản phục hồi mạnh trở lại sau dịch, đáp ứng cho thị trường tiêu thụ đang tăng cao.
Hiện IDI nằm trong top đầu doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, thị trường tiêu thụ mở rộng lên đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Mỹ, EU, ASEAN, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil…được khách hàng đánh giá cao về uy tín cũng như chất lượng sản phẩm.
Mặc dù năm 2022, những khó khăn của dịch bệnh vẫn còn kéo dài và đã có những biến động làm thay đổi đáng kể về thị trường xuất khẩu của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, với những chính sách bán hàng hết sức linh động và thực hiện tốt chiến lược mở rộng thị trường một cách hợp lý, IDI kỳ vọng sẽ tạo nên những cú bứt phá, mang về nguồn thu lớn cho ngành cá tra Việt Nam.