Muôn vẻ những nghi lễ cầu may đầu năm trên thế giới

Năm mới đến, ai cũng mong cho người thân và gia đình gặp thật nhiều may mắn, phong tục mỗi nơi, mỗi khác. Hãy cùng tham dự lễ cầu may đầu năm trên khắp thế giới.

Năm mới đến, ai cũng mong cho người thân và gia đình gặp thật nhiều may mắn, phong tục mỗi nơi, mỗi khác. Hãy cùng tham dự lễ cầu may đầu năm trên khắp thế giới.

Những “người cây” may mắn

Được bọc kín trong những cành thông và những chiếc chuông cỡ lớn, đoàn “người cây” hay còn gọi là “Silvesterchlaus” sẽ đi đến từng nhà để giúp mọi người dâng cầu nguyện ước đầu năm. Đây là một truyền thống cổ ở làng Urnaesch, Thụy Sĩ. Sau khi họ hát và nhảy, Silvesterchlaus được nhận đồ ăn uống và tiền. Người ta tin rằng chuyến viếng thăm của các Silvesterchlaus giúp xua đuổi những điều xui xẻo.

Tắm trong màu vàng

Ở Peru, màu vàng được xem là màu may mắn và mọi người thường mặc đồ lót màu vàng vào đêm cuối năm để nhận được may mắn cho cả năm tiếp theo. Cũng theo quan niệm này, pháp sư trên khắp cả nước sẽ thực hiện nghi lễ trút xuống người dân những cánh hoa vàng, hành động tượng trưng giúp mang lại may mắn.

“Mưa” pháo

“Tắm” dưới mưa pháo là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội đèn lồng ở tỉnh Đài Nam, Trung Quốc. Người dân ở đây tin rằng những điều đen đủi sẽ “kéo nhau” ra đi sau khi thực hiện thông lệ này. Đây cũng là một truyền thống thu hút rất nhiều khách du lịch. Lễ hội đèn lồng được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng với nhiều hoạt động kỷ niệm sôi nổi.

Múa rồng

Điệu múa rồng truyền thống đệm bằng nhịp trống mạnh và tiếng chũng chọe được người Trung Quốc cho là sẽ xua đuổi tà ma. Nghi thức này được thực hiện vào những ngày đầu năm Âm lịch, đồng thời cũng là hoạt động đánh dấu sự kết thúc của mùa đông.

Đoán vận may trong cốc bia

Trong các lễ hội đầu năm ở Lima, Peru, người ta thường thấy những phụ nữ lớn tuổi đọc quẻ bói bằng cách đập một lòng đỏ trứng vào trong một cốc bia. Một quẻ bói tốt vào đầu năm sẽ giúp mang lại vận hên cho cả năm. Các lễ hội năm mới ở Peru luôn là địa chỉ du lịch hút khách cho những người tìm kiếm vận may hoặc thích bói toán vào năm mới.

An ủi vong hồn

Người Tây Tạng tổ chức Tết Losar để đón chào năm mới. Tết Losar có từ giai đoạn trước khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, thời kỳ người dân còn theo tín ngưỡng Bon. Trong dịp Tết Losar, một nghi lễ tôn giáo quan trọng không thể thiếu là lễ cúng an ủi các vong hồn và tôn thờ các vị thánh thần.

Nghi thức này cũng đồng thời cũng giúp mang lại may mắn cho những người đang sống. Tết Losar diễn ra vào đầu năm Âm lịch và thường kéo dài hơn 15 ngày.

Trần mình lăn trên đất

Những người đàn ông Ấn Độ mình trần, vừa lăn tròn quanh một ngôi đền, vừa cầu nguyện trong lễ hội Dandajayatra. Lễ hội Dandajayatra kéo dài trong 13 ngày nhân dịp năm mới Oriya. Năm mới Oriya của người theo đạo Ấn cũng là lễ mừng đón mùa xuân, nhưng thường diễn ra vào các thời điểm khác nhau giữa các khu vực.

“Ném” tội lỗi xuống lòng biển

Tashlikh là một thông lệ lâu đời được thực hiện vào năm mới Do Thái (Rosh Hashanah). Những tội lỗi của năm trước sẽ được gột sạch một cách tượng trưng bằng cách ném những mảnh bánh mỳ hoặc những loại đồ ăn tương tự xuống biển. Khi tội lỗi của một người được rũ sạch, may mắn sẽ lại mỉm cười với người đó.

Theo Afamily

Theo Đăng lại