>> Bài 2: Người chịu tiếng đẩy Phó TGĐ BIDV vào tù
Tiền vào tài khoản cá nhân vẫn là của cơ quan
Phải nhờ đến một người thân quen giới thiệu, Nguyễn Hùng Tùng, nhân viên đội sản xuất Chi nhánh Điện lực huyện Giồng Riềng (ĐLGR), Kiên Giang mới đồng ý gặp tôi tại một quán cà phê ngoại ô thị trấn Giồng Riềng. Chàng trai 27 tuổi vừa lập gia đình tâm sự: “Chuyện chẳng có gì lớn, tôi thấy việc bất công và muốn lấy lại công bằng cho mọi người thôi”.
Việc làm đơn tố cáo chống tiêu cực của Tùng bắt đầu từ tháng 2-2010, khi anh phát hiện những việc làm trái quy định của lãnh đạo chi nhánh. Đó là những hợp đồng kéo điện, lắp trạm biến áp, cấy trạm điện giữa ĐLGR với các nhà máy xay xát lúa, nhà máy nước đá… của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo quy định, ngành điện phải chi tiền kéo điện đến các cơ sở sản xuất, khách hàng chỉ phải trả tiền mua dây kéo điện từ đồng hồ tại cột điện vào nhà. Tuy nhiên, quá trình trực tiếp thi công, Tùng phát hiện ít nhất 25 công trình kéo điện đã được thực hiện với trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng khách hàng phải chung tiền, trả cho ĐLGR.
Trong khi đó, công nhân vừa phải trực tiếp thi công công trình, kéo điện vừa phải đi thu tiền điện thoại của ngành (EVN Telecom) nhưng lương không tăng, tiền hoa hồng không được hưởng. Khi công nhân chất vấn, lãnh đạo ĐLGR trả lời rằng thu những khoản trên là để bù lỗ cho kinh doanh viễn thông (?).
“Tôi quyết định làm đơn tố cáo ngay khi phát hiện ông Lương Hồng Hải, chủ Nhà máy nước đá Rạch Chanh I, chuyển 130 triệu đồng thanh toán hợp đồng kéo điện vào tài khoản của Giám đốc Chi nhánh ĐLGR - Lại Đức Việt. Khi biết tôi có đơn tố cáo, ông Việt rất giận dữ. Cả cơ quan xì xầm bàn tán. Tại một cuộc họp cơ quan ngay sau đó, ông Việt nói rằng tuy ông nộp tiền vào tài khoản cá nhân nhưng đó vẫn là tiền của cơ quan” – Tùng nói.
Nói không với tiêu cực
Những ngày sau đó, Tùng luôn căng thẳng. Nhiều công nhân trong thâm tâm ủng hộ Tùng nhưng bề ngoài vẫn né tránh, còn cán bộ lãnh đạo phản ứng ra mặt. Tùng kể: “Ban giám đốc nhiều lần mời tôi lên yêu cầu rút đơn. Một cán bộ còn đe dọa nếu anh Việt bị tù tội thì em sống ở ngoài có yên không? Áp lực quá lớn, tôi bị ám ảnh khi nghĩ đến việc liệu có bị mất việc, có bị trù dập, trả thù… Khi vụ án chưa được khởi tố, ban giám đốc liên tục kêu tôi lên, họ soạn sẵn một lá đơn để tôi rút đơn tố cáo lại. Và, trong giây phút mềm lòng tôi đã ký vào lá đơn đó”.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Ba, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, vụ việc Tùng tố cáo, cơ quan điều tra đã có kết luận, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố. Các bị can trong vụ án bị truy tố tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 3 đến tháng 12-2009, các bị can Việt và Lợi đã cấu kết thu trái quy định 328 triệu đồng của 6 khách hàng.
Sau khi Tùng ký vào đơn nói trên, cơ quan điều tra vào cuộc. Tùng dằn vặt vì đã buông xuôi. Nghĩ vậy, Tùng tâm sự với người bạn trong cơ quan là anh Hoàng Đức Tiến.
“Sau khi phân tích, bàn bạc, tôi đồng ý để nguyên nội dung lá đơn tố cáo của tôi cho anh Tiến đứng tên tiếp tục tố cáo vụ việc. Bố vợ tôi biết chuyện cũng động viên tôi giữ vững lập trường”, Tùng nhớ lại. Vụ án ngay sau đó được khởi tố điều tra. Ông Lại Đức Việt - Giám đốc Chi nhánh ĐLGR và Ngô Văn Lợi - Trưởng Phòng Kỹ thuật ĐLGR bị bắt tạm giam.
Ông Lương Hồng Hải một nạn nhân trong vụ án, cho biết: “Khi tôi đến ĐLGR đặt vấn đề xin lắp đặt thêm thiết bị để tăng công suất điện cho cơ sở sản xuất nước đá, một cán bộ của đơn vị này hô giá 220 triệu đồng. Sau đó, Ngô Văn Lợi trực tiếp xuống cơ sở khảo sát gút lại còn 150 triệu đồng”. Do gặp khó khăn, thiếu vốn sản xuất, ông Hải phải thế chấp sổ đỏ ngân hàng để vay tiền lắp trạm điện.
Khi mang 130 triệu đồng đến ĐLGR thì lại được Lợi hướng dẫn làm thủ tục nộp vào tài khoản của ông Việt. Ngay sau đó, ông Việt chỉ đạo nhân viên khẩn trương lắp đặt trạm điện cho cơ sở sản xuất của ông Hải chi phí lắp đặt lấy từ nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên của chi nhánh. Ông Việt cũng đốc thúc ông Hải nộp 20 triệu còn lại.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã xác định thêm một số cơ sở khác cũng phải chung chi cho ông Việt và Lợi khi họ sử dụng điện sản xuất.
Tùng cho biết: “Đến bây giờ, khi vụ án đã được phơi bày, có người trong ban giám đốc vẫn từ mặt tôi”. Nghe Tùng kể, tôi thấu hiểu rằng để chống lại chính những thủ trưởng cơ quan tham nhũng, Tùng đã phải chịu áp lực lớn thế nào. Tôi càng cảm phục Tùng hơn, khi nghe anh nói: “Nếu còn phát hiện tiêu cực tôi còn chiến đấu để bảo vệ công bằng”. Hiện Tùng vẫn ngày ngày đi kéo điện, sửa điện theo phân công của cơ quan. Còn người vợ mới cưới của Tùng, mỗi sáng vẫn ra chợ Giồng Riềng bán sọt đựng rau, trái cây cho thương lái.
Còn nữa