Trời nắng nóng khiến người đi đường lúc nào cũng cảm thấy khát nướcvà có thể ghé bất cứ chỗ nào để “giải nhiệt” bằng một ly nước mát nào đó. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Đông y, nước giải khát bán ngoài đường vừa mất vệ sinh vừa không đảm bảo đúng chất lượng. Mặt khác, việc uống nước giải nhiệt nhiều trong ngày chưa hẳn là tốt.
Bù nước bằng cách nào?
BS Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, cho biết mùa nắng nóng khi làm việc thân thể thường toát nhiều mồ hôi dẫn đến bị mất nước nên có cảm giác nóng và “khô” người. Cách giải quyết tình trạng này đơn giản nhất là uống nhiều nước để bù lượng nước mất. “Chúng ta chỉ cần uống nước đun sôi để nguội thế là tốt rồi. Trường hợp làm việc trong môi trường nắng nóng nhiều, chơi thể thao nhiều, lượng mồ hôi mất quá nhiều nên cơ thể vừa mất nước vừa mất thêm các chất muối, các chất điện giải... thì nên pha thêm một chút muối trong một ly nước rồi uống, thế là đủ” - BS Hùng khuyên.
Còn theo lương y Trần Nam Hoàn, Hội Đông y quận Tân Bình (TP.HCM), nắng nóng làm cho bì phu (da ngoài) nóng, đặc biệt là trẻ con thường nổi rôm sảy. Nước mát trong Đông y có vị cát căn (thường gọi bột sắn dây) có tính năng giải nhiệt ngoài da nên uống vị này rất tốt. Hay có thể uống những vị nước đắng có tính năng tả hỏa, giảm nhiệt trong cơ thể như nước ép khổ qua, chanh, cà chua, dưa leo… cũng rất tốt.
Cẩn thận với nước giải nhiệt ngoài đường vì chất lượng còn bỏ ngỏ. Ảnh: TÙNG SƠN
Có thể kết hợp nhiều loại dược thảo
Theo BS Lê Hùng, mùa nắng nóng ngoài vấn đề rất quan trọng là phải uống đủ nước còn có một số nước giải khát có thể giúp bồi bổ và làm mát cơ thể. Thí dụ các loại nước trái cây (cam, chanh, bưởi, mơ, nho, thơm, dưa hấu...) hay một số loại dược thảo mà người dân thường hay sử dụng để chế biến làm nước mát dùng trong mùa nắng: rễ tranh, mía lau, râu bắp, mã đề, hoa cúc, nha đam, artichoke, nhân trần, sa sâm, huyền sâm... Có thể dùng một loại như mía lau hay râu bắp hoặc artichoke... hay có thể kết hợp hai loại với nhau như mía lau và râu bắp hay rễ tranh, mía lau hoặc mía lau với artichoke để nấu nước mát.
Uống nước mát cũng phải vừa đủ
Tuy nhiên, BS Hùng cũng lưu ý uống nước mát cũng nên uống vừa phải vì nó được nấu từ những loại dược thảo. Những loại dược thảo này cũng có tác dụng dược lý của nó như mía lau, râu bắp, rễ tranh, mã đề... ngoài tác dụng làm mát cơ thể còn có tác dụng lợi tiểu. Chính vì vậy nên dùng một ngày khoảng 1-2 ly lớn là đủ (khoảng trên dưới 2 lít/ngày). Một số người uống nhiều và uống lâu dài có thể bị chuột rút và cảm thấy mệt mỏi do mất các chất điện giải. Một số người tạng hàn (lạnh) không nên uống nhiều nước mát vì có thể làm cho cơ thể bị lạnh và bệnh sẽ nặng thêm khi thời tiết chuyển qua mùa lạnh.
“Uống nước mát cũng nên uống từ từ để cơ thể nạp và đưa ra bì phu một cách thích hợp. Còn ta uống thật nhiều, một hơi hết một ly lớn thì nguy hiểm vô cùng, đặc biệt là người già yếu và trẻ em ít vận động. Khi ta thấy đi tiểu dễ, tiểu cũng là bài tiết giải nhiệt, nước tiểu trong, nhiều vừa là chúng ta đã sử dụng vừa đủ. Còn tiểu nhiều và nhiều lần bất bình thường là không tốt rồi” - lương y Trần Nam Hoàn cho biết thêm.
DUY TÍNH
Nước sâm ngoài đường khó đạt vệ sinh
Hiện tượng người dân hay ghé những điểm bán nước sâm ngoài đường để uống là khá phổ biến trong mùa này. Theo BS Lê Hùng thì nước sâm bán đại trà ngoài đường không thể biết được là loại nước gì, nấu từ dược thảo gì. Độ ngọt của nước sâm này là ngọt tự nhiên hay ngọt do đường và nếu ngọt do đường thì đường tự nhiên hay đường hóa học. Ngoài ra các vật dụng chứa đựng, bảo quản có hợp vệ sinh không, thời gian bảo quản... Tất cả vấn đề trên nếu không tuân thủ những điều kiện vệ sinh tối thiểu thì nước sâm sẽ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu và có thể gây bệnh cho người tiêu dùng (chẳng hạn như bệnh đường tiêu hóa).
Cũng có thể phối hợp nhiều loại như râu bắp, mía lau, mã đề, rễ tranh, hoa cúc…, mỗi loại khoảng 16-20 g và ba khúc mía lau (nên đập dập trước khi nấu) với khoảng 2 lít nước nấu sôi rồi để nguội là có một loại nước mát rất tốt để dùng hằng ngày.
BS LÊ HÙNG, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM