Số phận của Man Utd tại Champions League đã được định đoạt ngay ở vòng bảng, theo một kịch bản bi thương nhất. Một lần nữa, Man Utd bị đánh gục bất ngờ với một hình ảnh nhạt nhẽo, tầm thường và vô vị. Ở đó, HLV van Gaal sắm vai gã đàn ông bất lực, vò đầu bứt tai, nhưng gương mặt thể hiện lại lạnh lùng một cách đáng sợ.
1. Bị loại ngay tại vòng bảng Champions League, Man Utd nhận cái kết đắng chẳng kém gì tấn bi kịch của 2 năm trước. Ngày ấy, David Moyes không thể giúp Man Utd góp mặt ở Champions League. Nhưng thà rằng đừng xuất hiện cho tim đỡ đau, còn hơn là tham dự rồi bị "xỉ nhục", rồi ra đi trong nỗi ê chề như năm nay.
Nếu như năm ngoái, không dự giải đấu lớn nhất châu Âu, Man Utd dự kiến mất đứt khoảng 50 triệu bảng, thì năm nay, họ kiếm được từ 6 trận vòng bảng khoảng 7 triệu bảng. Con số quá nhỏ bé với tham vọng của Man Utd. Thêm vào đó là hình ảnh một đội bóng bị đánh giá chỉ ở mức độ hạng xoàng. Nhận xét đó được nhất trí bởi 90% chuyên gia, trong đó có cả những cựu cầu thủ, cựu ngôi sao của chính họ. Quá đau cho một hành trình đầy hi vọng.
Cùng với việc bị đẩy xuống sân chơi hạng hai là Europa League, cuộc khủng hoảng ở Man Utd chính thức bắt đầu, với nhân vật trung tâm là Louis van Gaal. Ông đến sân Old Trafford hào sảng như thế nào thì bây giờ là nỗi khổ ải tương xứng. Đưa Man Utd xếp thứ 4 Premier League mùa trước được coi là… thành công sau khi tăng cường lực lượng một cách ào ạt.
Tiếp tục mùa này, họ chi gấp rưỡi mùa trước để nâng tổng số tiền mua sao lên tới trên 300 triệu bảng. Thế mà những gì nhận lại là sự đau khổ, sự dè bỉu của cả chính những cổ động viên (CĐV) Man Utd. Vậy là van Gaal bị đưa ra để mổ xẻ. Man Utd của van Gaal chơi thứ bóng đá nhạt nhẽo, buồn tẻ, ru ngủ cả đối phương lẫn khán giả, thậm chí nó chán đến mức người ta phải xếp họ vào dạng bóng đá tra tấn.
Ví dụ cụ thể nhất là chỉ còn vài chục CĐV của họ còn ngồi lại sân đến hết trận gặp Wolfsburg ở lượt cuối vòng bảng Champions League (thua 2-3) để chịu đựng đội bóng của mình thi đấu nốt những phút cuối cùng. Và khi HLV van Gaal đi vào đường hầm, một số CĐV còn cố ném về phía ông những lời nhục mạ. Van Gaal cứ đi. Ông lẳng lặng rời sân và tuyên bố tiếp tục hành trình nhạt nhẽo của mình.
Cá tính của van Gaal không cho ông dừng lại. Giá trị của một HLV lừng danh khiến ông không thể bỏ cuộc, kể cả khi Kalchelskis, một ngôi sao cũ của Man Utd nói thẳng ra rằng, van Gaal đang áp dụng lối chơi "kinh tởm" cho đội bóng. Vậy, cá tính của van Gaal như thế nào trong những lần rơi vào bế tắc?
Một Man Utd đang nhạt nhẽo chưa từng có.
2. Van Gaal là một trong những HLV giỏi, có dấu ấn lớn ở cả cấp ĐTQG lẫn CLB. Nhưng hầu như ở đội bóng nào ông cũng có những xung đột vì cá tính quá mạnh của mình. Ông áp dụng những bài tập, những quy tắc kì lạ, thậm chí là vô bổ bất chấp nó đúng hay sai, có nhận được sự đồng tình hay không. Van Gaal từng cấm cầu thủ sử dụng điện thoại di động, cấm họ đọc báo để cách li họ khỏi giới truyền thông, ngăn cản tiếp cận với những bài viết chỉ trích đội bóng và cá nhân.
Khi đến Bayern, van Gaal quy hoạch lại… nhà ăn. Mọi người phải ngồi đúng chỗ, khi có chỉ thị của ông mới được đứng dậy theo trật tự, thứ tự để ăn. Bác sĩ Hans-Wilhelm Muller-Wohlfahrt của Bayern khi vào nhà ăn chỉ lỡ đi đôi tất khác màu cũng bị ông đuổi về. Ngay cả chuyện đi bít tất, van Gaal cũng xía vào. Hồi ở Ajax, ông bắt mọi người, kể cả nhân viên tạp vụ cũng phải đi bít tất khi ông xuất hiện.
Hay chuyện van Gaal đến Man Utd, ông đã "thiết kế" lại toàn bộ khu tập huấn của CLB, nắn đường, chặt cây để lấy thêm ánh sáng, thêm đèn ở những nơi ông cho là "trọng yếu" để cầu thủ tập đêm. Rồi chính van Gaal bắt đội bóng xây cả một phòng lớn, lắp thêm hàng chục cabin ngủ hiện đại để cầu thủ ngủ lại mỗi khi phải tập đêm. Tổng chi phí để đáp ứng yêu cầu của van Gaal cỡ gần 2 triệu bảng.
Thêm một "luật" nữa là cầu thủ buộc phải có mặt đầy đủ vào lúc 13h để… ăn trưa tập thể. Cùng với các hệ thống nội thất, van Gaal yêu cầu thêm 500.000 bảng để đầu tư hệ thống video tinh vi theo dõi hệ số cầu thủ, các bài tập và phân tích hình ảnh. Vốn dĩ, van Gaal thích học hỏi, ông từng trao đổi với HLV môn khúc côn cầu để áp dụng các phương pháp của môn này vào bóng đá.
Thế là van Gaal thuê luôn một trợ lí của môn khúc côn cầu, chuyên gia phân tích video, phục vụ ông từ Bayern đến ĐTQG và giờ là ở Man Utd. Nhưng cuối cùng, kết cục của sự chuẩn bị mà ông bố trí là thành tích ngày càng tệ. Man Utd của ông đá bóng như những gã buồn ngủ vì phải tập luyện lúc nửa đêm.
Van Gaal được coi là người quan tâm đến quá trình hơn là kết quả. Nó đúng với bóng đá ngày xưa, nhưng bây giờ lại sai lè. Kết quả có giá trị phán quyết quá trình. Cụ thể và chi tiết trong tập luyện là điều tốt, nhưng cách làm của van Gaal tạo ra sự ức chế.
Chính vì những thói quen bảo thủ của một "ông già" khiến van Gaal bị Bayern sa thải ngay sau nửa mùa giải không như ý. Và ở nhiều nơi nữa, ông cũng tạo ra những quy tắc chỉ để các học trò chống đối mình. Ví dụ ở Barca năm 1997, ông thẳng thừng đối đầu với ngôi sao của CLB lúc đó là Rivaldo, cho anh này chơi ở đủ vị trí không phải sở trường, bất chấp mọi lời can gián.
Kể cả thua trận, van Gaal vẫn vô cảm.
Từng có chuyện, van Gaal còn theo dõi Rivaldo, tìm hiểu thói quen, sở thích của cầu thủ này để cấm đoán, tạo ra những rào cản không thể dỡ bỏ giữa thầy và trò. Rivaldo khi ấy luôn tắm và xịt nước hoa sau trận đấu. Van Gaal để ý và cấm cầu thủ xịt nước hoa khi gặp ông lúc đến tập luyện và thi đấu. Chuyện ông cấm sử dụng điện thoại cũng bắt đầu từ Rivaldo, còn các cầu thủ khác chỉ là… vạ lây, bởi Rivaldo có thói quen gọi điện trước và sau khi tập luyện.
Những điều đó chứng mình rằng van Gaal là HLV tài ba, nhưng cứng nhắc và luôn bắt mọi người phải làm theo ý mình. Đó cũng là điều ông áp dụng ở Man Utd, nơi mà để cá tính ấy tồn tại, ông cần phải có dăm bảy cái cúp, vài ba danh hiệu hoành tráng. Cũng vì thế, có tin đồn rằng một số cầu thủ Man Utd không nỗ lực hết sức vì ông.
Di Maria, người mà Man Utd đã mua với giá ngót 60 triệu bảng, lại vừa phải bán đi sau chỉ 1 mùa giải, đã tuyên bố bóng gió rằng, với van Gaal, cầu thủ không có sức sáng tạo và thiếu cảm xúc thi đấu. Thậm chí cầu thủ người Argentina này còn nói rằng anh không thể chơi hết mình bởi những HLV luôn nhìn ngắm cả cuộc sống đời tư của anh.
Để khắc phục những "nguyên tắc" cứng nhắc của mình, van Gaal đã mời theo bác sĩ, giáo sư tâm lí học Leo van der Burg về Man Utd. Ông này có những buổi "dạy học" cho cá nhân van Gaal, và ông cũng tổ chức những lớp tâm lí, phương pháp vận hành tâm lí học vào thể thao, cách tạo cảm hứng thi đấu cho các cầu thủ Man Utd. Nhưng có vẻ nó chẳng có tác động nào cả.
Dựa vào hướng dẫn của van der Burg, van Gaal chia cầu thủ thành 3 màu khác nhau: màu xanh da trời là những người "tri thức" luôn chơi bóng bằng những gì được tập luyện, được học. Màu xanh lá cây là cầu thủ chơi bóng bằng cảm xúc. Và màu đỏ là cầu thủ luôn chơi sáng tạo. Ông định hướng và xử lí thông tin tùy thuộc vào hoàn cảnh và từng nhóm cầu thủ.
3. Có một câu chuyện thế này. Van Gaal không bao giờ coi trọng truyền thông và cánh nhà báo. Với ông, hàng chục năm qua vẫn thế, nhà báo là những kẻ lười biếng, thiếu hiểu biết. Điều này khiến ông thường xuyên gặp rắc rối. Ông từng chửi MC, bỏ ngang chương trình bình luận trực tiếp, đánh phóng viên vì hỏi câu ông không thích.
Đến mức mà vợ của van Gaal vốn là một cựu giám đốc PR cũng đã phải nghỉ việc để giúp ông trong việc quan hệ công chúng. Nhưng chẳng có hiệu quả. Bởi chính vợ van Gaal cũng thừa nhận: "Kể cả đội vừa vô địch ông ấy rất hạnh phúc, nhưng nếu làm ông ấy khó chịu, bất kì phóng viên nào cũng bị đấm ra khỏi cửa". Có chuyện, van Gaal đã đến thẳng tòa báo ở Hà Lan, dọa kiện họ vì đã đăng bức hình ông đang… gãi mũi.
Không chỉ độc tài, van Gaal còn bảo thủ ở mức… tuyệt đỉnh. Từng trải qua rất nhiều CLB, nhưng mới chỉ có 1 nơi ông chấp nhận từ chức. Đó là khi trở lại Ajax năm 2004. Khi ấy, van Gaal làm giám đốc kĩ thuật chứ không phải HLV. Nhưng chỉ vài tháng sau ông đã từ chức vì mâu thuẫn nặng nề với Ronald Koeman. Ở ĐTQG Hà Lan sau thành công ở World Cup 2014, ông được Man Utd mời về thì chẳng nói làm gì. Hồi 2001, khi không thể đưa Hà Lan lọt vào World Cup 2002, van Gaal cũng chẳng từ chức, cho đến khi ông bị dọa dù không từ chức thì cũng bị sa thải. Vì thế, CĐV Man Utd đừng mong ông sẽ từ chức. Và "cuộc tình" Man Utd và van Gaal dù có đau khổ cỡ nào thì cũng ráng chịu cho đến khi một người… ra đi!
Những người ghét van Gaal nhất
Ngoài đa số CĐV Man Utd ra, rất nhiều cầu thủ ghét van Gaal đến xương tủy. Có thể kể đến Ronald Koeman thời ở Ajax, Ibrahimovich cũng khi còn đá cho Ajax, Stoichkov, Giovanni, Victor Valdes (Barca), Lucio, Ribery, Luca Toni, van Bommel (Bayern)… Họ đều đã từng hơn 1 lần lên tiếng chỉ trích thẳng van Gaal. Thậm chí, Stoichkov, một cá tính nổi tiếng làng túc cầu, còn chửi thẳng van Gaal là gã… rác rưởi.
Cũng vì những mâu thuẫn với những Stoichkov, Rivaldo, hay tập thể cầu thủ Bayern mà van Gaal từng bị sa thải ở các CLB đó. Hiện giờ chưa thấy cầu thủ Man Utd nào lên tiếng chỉ trích van Gaal cả, nhưng có thể thấy họ không mặn mà lắm với ông. Và chưa biết chừng, van Gaal cũng sẽ lại đi theo con đường cũ.