Một số rối loạn giấc ngủ thường gặp

TPO - Các rối loạn giấc ngủ không chỉ đơn thuần gây buồn ngủ mà còn dẫn đến tác động sụt giảm về năng suất lao động, sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

> Năm lý do vì sao bạn cần ngủ nhiều hơn

Bạn nên tìm hiểu các rối loạn giấc ngủ một cách chi tiết. Tiến sĩ Pulkit Sharma, nhà tâm lý học lâm sàng và nhà trị liệu phân tâm học tại VIMHANS sẽ giúp bạn hiểu rõ 7 loại rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất.

1. Mất ngủ

Người bị mất ngủ có thể khó ngủ lúc bắt đầu, khó ngủ lại hoặc cả hai triệu chứng trên. Đây là một rối loạn giấc ngủ khá phổ biến và có thể là ngắn hạn hoặc nguyên phát. Mất ngủ ngắn hạn là rối loạn giấc ngủ do những căng thẳng trong cuộc sống và tự biến mất khi hết căng thẳng. Mất ngủ nguyên phát được hiểu rất ít, dài ngày và khó điều trị. Mất ngủ tác động xấu đến tâm trạng, sự chú ý và tập trung của bạn. Thay đổi lối sống và điều trị tâm lý giúp bạn cải thiện chứng mất ngủ.

2. Ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là khó thở khi bạn ngủ. Thông thường, có gián đoạn nhịp thở khiến bạn ngủ không sâu. Ngừng thở khi ngủ thường dẫn đến mệt mỏi ban ngày và có thể kiểm soát được bệnh bằng nhiều phương pháp điều trị hiện có.

3. Rối loạn cử động tay chân theo chu kỳ

Rối loạn cử động tay chân theo chu kỳ biểu hiện cử động tay chân không tự chủ trong khi ngủ. Người bệnh rất ít biết về rối loạn của mình và thường thì người thân của họ là người phát hiện rối loạn này đầu tiên. Những chất kích thích như rượu và caffein khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Rối loạn này có thể điều trị được bằng các thuốc được dùng trong kiểm soát bệnh Parkinson.

4. Hội chứng chân không nghỉ

Người bệnh có những cảm giác bất thường ở chân do bị thôi thúc cử động chân liên tục. Cường độ bệnh khác nhau giữa người này và người khác. Các triệu chứng có thể tăng lên tạm thời lúc thư giãn. Có nhiều cách điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc khác nhau phù hợp với bạn.

5. Chứng ngủ rũ

Người mắc chứng ngủ rũ cảm thấy cực kỳ buồn ngủ vào ban ngày và dễ ngủ gật trong giờ làm việc. Những “nạn nhân” này có thể bị tê liệt tạm thời trong các cơn buồn ngủ. Các thuốc chống trầm cảm, chế độ dinh dưỡng đặc biệt, thay đổi lối sống và điều trị tâm lý rất có hiệu quả với chứng ngủ rũ. Sự hỗ trợ cộng đồng rất cần thiết đối với những “nạn nhân” bị xem là lười biếng này.

6. Mộng du

Người mộng du thường làm những công việc khi họ ngủ như đi bộ, chuẩn bị sẵn sàng, đánh răng, ra khỏi nhà.v.v... Người mộng du không biết hoặc ít biết về những hành vi của họ khi ngủ và cảm thấy sốc khi người khác nói cho họ. Ngoài một số yếu tố sinh học, quá trình tâm lý vô thức, đặc biệt là sự phân ly, có thể dẫn đến mộng du. Mộng du cần được chẩn đoán cẩn thận và điều trị vì nó là một nguy cơ đối với cuộc sống của bạn.

7. Rối loạn giấc ngủ đến trễ

Một số người thao thức rất lâu trước khi ngủ và thường xuyên thấy khó tỉnh dậy đúng giờ vào buổi sáng. Rối loạn này xảy ra với tất cả mọi người, nhưng với “người bệnh” thì đây là hiện tượng hàng ngày. Người bệnh cảm thấy ban đêm tỉnh táo hơn ban ngày. Rối loạn giấc ngủ đến trễ thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc vị thành niên và có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị phù hợp.

Minh Châu
Theo HMU

Theo Dịch