CB CNV nhà máy vẫn ngày đêm làm việc, cung cấp khí cho trung tâm năng lượng lớn nhất nước là Phú Mỹ (Tân Thành, BR-VT).
Kỹ sư Vũ Anh Tuấn, Phó quản đốc Nhà máy cho chúng tôi biết Nhà máy chế biến khí Dinh Cố nằm trên diện tích 9ha. Khi chưa có nhà máy xử lý khí trên 90% khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ phải đốt bỏ gây nên lãng phí rất lớn.
Việc xây dựng nhà máy xử lý khí Dinh Cố đã tận dụng số lượng lớn khí đồng hành bị đốt bỏ mang lại doanh thu từ việc bán khí hóa lỏng, xăng nhẹ condensat và xuất khẩu. Riêng việc các nhà máy điện ở Phú Mỹ chuyển từ dùng diezen sang dùng khí tiết kiệm mỗi ngày hàng tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.
Nhà máy chế biến khí hóa lỏng Dinh Cố hiện đại nên rất ít công nhân. Tại phòng điều khiển trung tâm, những người công nhân “cổ trắng” rất vui khi biết có nhà báo tới thăm.
“Chúng em có giao ước thi đua để nhà máy an toàn luôn hoạt động tốt hết công suất cung cấp đủ khí cho các nhà máy điện”- Kỹ sư công nghệ Bùi Anh Tuấn nói.
Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố được coi là nhà máy thanh niên bởi từ giám đốc tới công nhân và kỹ sư đều là nhưng người thuộc lớp trẻ 7X đến 8X. Sức trẻ nên họ nắm bắt rất nhanh công nghệ và kỹ thuật tiên tiến .
Kỹ sư Bùi Anh Tuấn chỉ cho chúng tôi biết nơi nào là khu tăng áp, trung tâm và những thiết bị xử lý tách lọc khí thành các sản phẩm khác nhau trong cái nhà máy rộng gần 9ha này.
Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (thuộc Pvgas) cung cấp khí để sản xuất ra khoảng 40% nhu cầu điện và 30% nhu cầu phân đạm của cả nước. Khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ (cách Vũng Tàu 106km) dẫn về nhà máy Dinh Cố bằng đường ống đường kính 16 inch.
Trước kia lưu lượng khí đưa về Dinh Cố là 4,3 triệu m3 khí/ngày, nay có thêm khí từ mỏ Rạng Đông lưu lượng khí về nhà máy là 5,7 triệu m3 khí/ngày, nhà máy hoạt động hết công suất nhưng chưa hề xảy ra sự cố.
Những tháp gia nhiệt bằng thép không gỉ cao vút chói chang dưới nắng, dòng khí đồng hành ẩm được tăng áp cho đủ áp suất 109bar, nhiệt độ 25,6 độ C đưa vào những tháp tách lọc ra các sản phẩm khí khô, khí hóa lỏng LPG và xăng nhẹ.
Khí khô sản lượng 3,3 triệu m3/ngày (Methan, Ethan) được đưa về các nhà máy điện, đạm thông qua đường ống đường kính 16 inch làm nguyên liệu cho các nhà máy điện đạm Phú Mỹ1, PM2.2, PM 2.1, PM3, PM4, điện Bà Rịa và Nhà máy đạm Phú Mỹ. Khí hóa lỏng LPG sản lượng 965 tấn/ngày (propan và butan) được đưa vào kho cảng Thị Vải bằng đường ống 16 inch thứ 2 và các xe bồn cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Cuối cùng là sản phẩm condensat (xăng nhẹ) sản lượng 400 tấn/ ngày được đưa về kho cảng Thị Vải bằng đường ống 16 inch thứ 3 chủ yếu dùng để xuất khẩu. Một nhà máy lớn ngày đêm hoạt động nhưng không thấy bóng dáng công nhân mà chỉ có những xe bồn lặng lẽ vào ra “ăn gas” LPG.
Một ngày ở nhà máy chế biến khí hóa lỏng Dinh Cố có vẻ rất bình yên, thế nhưng không phải ai cũng biết nơi đây là nơi đầu mối cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm năng lượng Phú Mỹ lớn nhất nước (công suất trên 4 triệu KW) càng cho thấy vai trò của những người kỹ sư công nhân trẻ ở nhà máy này, họ góp phần vào việc sản xuất ra dòng điện tỏa đi mọi miền đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa.