> Thanh Phúc tranh tài tại giải điền kinh VĐTG tại Nga
> Điền kinh Việt Nam hướng tới đấu trường châu Á
Chiến thắng trong tích tắc của Christine Ohuruogu không những lật đổ ngôi vô địch của đối thủ kỵ dơ Amantle Montsho, mà còn giúp cô trở thành VĐV điền kinh Vương quốc Anh đầu tiên hai lần giành ngôi vô địch thế giới.
Chiến thắng còn ngọt ngào hơn khi Ohuruogu luôn thất bại cay đắng trong các cuộc đấu quan trọng gần đây, đặc biệt là tấm HCB trên sân nhà London tại Olympics 2012 dù cô được mong chờ rất lớn. Trước đó, Ohuruogu từng vô địch thế giới ở cự ly này năm 2007 và giành HCV tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Cảm giác cơ thể tôi như băng qua cuộc chiến. Tôi biết tôi cần làm gì để đủ dũng cảm đối đầu thách thức mà tôi phải làm. Khi chạy tôi chỉ nhớ rằng, HLV sẽ “giết” tôi nếu tôi không đạt thành tích
Ohuruogu nói về HLV Lloyd Cowan.
Trở lại với đường đua tại Moscow rạng sáng qua, Ohuruogu tỏ ra kém thế ở vạch xuất phát và để đối thủ Montsho đến từ Botswana luôn dẫn đầu trong hầu hết đường chạy. Nhưng cũng vì thế mà Montsho có phần chủ quan khi không tận dụng lợi thế để băng về đích nhanh nhất có thể, nên để Ohuruogu rút ngắn khoảng cách trong khoảng 10m cuối và cả hai cán vạch đích gần như cùng nhau nếu quan sát bằng mắt thường.
Thậm chí, Montsho chủ quan còn nghĩ cô là người chiến thắng và bản thân Ohuruogu cũng tiến lại gần đối thủ bắt tay chúc mừng Montsho.
Tuy nhiên theo đồng hồ tại đích, cả Montsho và Ohuruogu cùng cán đích với thành tích 49,41 giây, nên BTC cần sự phân tích sâu hơn của máy tính. Kết quả cuối cùng đã thay đổi nhận định của những người có mặt chứng kiến cuộc đua. Ohuruogu được xác định là người giành chiến thắng với thành tích 49.404, trong khi đối thủ Montsho về sau với 49.408.
Miêu tả lại khoảng khắc chiến thắng, Ohuruogu nói: ‘Tôi không biết tôi có thắng hay không và chỉ chờ đợi. Tôi chỉ nghe người hâm mộ hò hét và nghĩ: “Có nên xem kết quả không nhỉ?” Sau đó tôi ngoảnh lại và thấy tên mình. Amantle Montsho không biết tôi chiến thắng và hét lên “Điều gì đã xảy ra?” và tôi nói: “Tôi nghĩ tôi đã thắng. Tên tôi ở trên bảng”.
Chiến thắng ngoạn mục ở trận chung kết lớn thứ năm trong sự nghiệp còn đưa Ohuruogu đi vào lịch sử điền kinh xứ sở sương mù khi xô đổ kỷ lục tồn tại ba thập kỷ do bậc tiền bối Kathy Cook lập tại Olympics Los Angeles năm 1984. “Nó thật sự đặc biệt, bởi tôi không chỉ vô địch mà còn lập kỷ lục quốc gia mình”, Ohuruogu nói về thành tích vượt qua kỷ lục của Cook hai phần trăm giây.