Mơ một ông Chủ tịch VFF có tầm...

“Nói chuyện chia sẻ thôi, đừng đưa chú lên báo làm gì. Giờ chú nghỉ rồi, không muốn xuất hiện nhiều, tuyên bố nhiều về những gì đang diễn ra…” – cứ mỗi lần điện thoại hỏi thăm, hoặc tham vấn ý kiến của ông về một vấn đề bóng đá nào đó là tôi lại “bị” ông – cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực, người được mệnh danh là “ông Chủ tịch dũng cảm nhất trong lịch sử VFF” chặn đứng bằng câu nói ấy.

Mơ một ông Chủ tịch VFF có tầm...

> 'Tôi từng nhắm anh Kiên làm chủ tịch VFF'
> Nếu bầu Kiên làm Chủ tịch VFF…
> Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ :Tôi cũng như một người lính

“Nói chuyện chia sẻ thôi, đừng đưa chú lên báo làm gì. Giờ chú nghỉ rồi, không muốn xuất hiện nhiều, tuyên bố nhiều về những gì đang diễn ra…” – cứ mỗi lần điện thoại hỏi thăm, hoặc tham vấn ý kiến của ông về một vấn đề bóng đá nào đó là tôi lại “bị” ông – cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực, người được mệnh danh là “ông Chủ tịch dũng cảm nhất trong lịch sử VFF” chặn đứng bằng câu nói ấy.

Lúc nào cựu Chủ tịch Mai Liêm Trực cũng là một con người... đầy lửa.

Và ngay cả trong cuộc nói chuyện kéo dài gần trọn một buổi sáng tại nhà riêng của ông cách đây vài hôm cũng vậy, vẫn là một câu nói: “Đừng đưa chú lên báo nhé!”.

Nhưng tôi nghĩ, những lời gan ruột mà ông chia sẻ rất có ích cho BĐVN trong bối cảnh mà một kỳ Đại Hội VFF chuẩn bị tiến hành, và tôi cũng nghĩ, một khi mình trái ý ông để làm những điều “có ích cho bóng đá” thì chắc chắn ông cũng không “để bụng” hay giận dỗi gì. Thành thử mạn phép ông, xin chép lại toàn bộ cuộc nói chuyện này…

Nhà báo Phan Đăng: Chú Trực ơi, cháu sẽ không hỏi một câu quen thuộc “chú có khoẻ không?”, vì nghe giọng nói sang sảng của chú là cháu đã cảm nhận được “ông già 70 tuổi” vẫn khoẻ, vẫn lửa như ngày nào. Nhưng cháu sẽ hỏi: Kể từ ngày không làm Chủ tịch VFF nữa, chú có còn xem và theo dõi bóng đá nữa không?

Cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực: Chú yêu bóng đá, chơi bóng đá từ thời học sinh, sinh viên, nên làm hay không làm Chủ tịch VFF thì vẫn quan tâm theo dõi bóng đá chứ. Phan Đăng hỏi làm chú sực nhớ: AFF Cup 2012 vừa rồi, chú xem ĐTVN đá qua ti vi và thấy đau lắm. Đau không phải vì thua đâu, mà vì cách thua tệ hại quá, và vì nhìn hình ảnh những CĐV Việt Nam ủ dột, cuốn cờ rời sân mà thấy tội nghiệp quá. Chú luôn nghĩ, bóng đá thắng – thua là chuyện bình thường, nhưng nếu có thua thì phải thua như thế nào chứ.

Thua như chung kết SEA Games 22 – thế là được phải không chú?

Đúng! Trận ấy mình bị đuổi người nhưng các cầu thủ vẫn đá hết mình, vẫn hoà 1-1 sau 90 phút, và chỉ chịu thua ở hiệp phụ. Thua như thế khán giả buồn, tất nhiên rồi, nhưng người ta chấp nhận. Chứ thua kiểu AFF Cup thì khó chấp nhận quá.

Đã có lần cháu nghĩ: bóng đá có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhưng hình như những người quản lý nền bóng đá lại chưa có một “đẳng cấp chính trị xã hội” cho đủ tầm.

Theo chú thì ai vào VFF cũng đầy nhiệt huyết và có tinh thần trách nhiệm cả. Nhưng đúng là nhiều khi họ bị “hút” vào chuyên môn bóng đá quá, mà thiếu những cách ứng xử mang tầm vóc xã hội. Chú ví dụ BCH VFF từng qui tụ nhiều nhân vật uy tín trong xã hội chứ, họ là tổng biên tập một tờ báo, là ông chủ một doanh nghiệp lớn, thậm chí là cả đại biểu Quốc hội cơ mà… Vậy thì mấy ông trong thường trực VFF phải lắng nghe họ và sửa mình theo những kiến giải hợp lý của họ chứ.

Thời chú làm, họp BCH VFF, mọi người luôn được tranh luận, thậm chí là cãi vã nhau thoải mái. Có lần anh em cãi hăng tới mức bộ phận phục vụ phải mang cả bánh mì vào để anh em ăn cho đỡ đói. Nếu không tin, cháu có thể hỏi những người như bầu Thắng, bầu Đức xem chú đã nghe họ như thế nào. Rồi ứng xử với báo chí cũng vậy, nhiều nhà báo nói với chú rằng: “Thời ông Trực, VFF mở cửa với báo chí hơn bao giờ hết!”.

Tóm lại bóng đá có ý nghĩa xã hội lớn lao, nên người quản lý bóng đá cũng phải có một tầm vóc, một cách hành xử cho đúng với tầm vóc ấy.

Ngoài vấn đề “tầm vóc xã hội”, chú còn thấy điểm yếu nào của những “yếu nhân” VFF nữa không?

Tư duy quản lý! Chú thấy ở VFF thường tồn tại tư duy ôm đồm, ví dụ một người thường kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Thời của chú, chú đã từng nghĩ, anh Ly (PCT thường trực VFF Trần Duy Ly - PV) đã làm PCT rồi thì còn kiêm nhiệm thêm chức Trưởng ban thi đấu, rồi trưởng BTC V.League làm gì nữa, hay anh Viễn (TTK VFF Phạm Ngọc Viễn - PV) đã là TTK rồi thì còn kiêm nhiệm chức Trưởng ban hợp tác quốc tế làm gì nữa. Dĩ nhiên là lãnh đạo chủ chốt, các anh ấy vẫn có thể chỉ đạo các công việc ở mỗi ban, nên cần phải giao chức trưởng ban cho các anh em trẻ, có năng lực chứ.

Cháu thì nghĩ, chúng ta buộc phải kiêm nhiệm vì chúng ta không có đủ người tài để chia ra cho rất nhiều các đầu việc khác nhau…

Không đúng đâu Đăng ơi. Ví dụ như hồi chú mới về VFF, và đã tình cờ phát hiện ra một nhân vật ở Phòng Pháp chế có năng lực thuộc vào dạng xuất sắc. Xuất sắc tới mức mà chú từng nói với cô ấy: “Nếu cháu làm ở ngành viễn thông, cháu có thể nhận mức lương cao gấp đôi bây giờ”. Vậy tại sao không dùng những con người như thế?

Mới đây, chú có gặp lại các anh Trần Duy Ly, Phạm Ngọc Viễn, và cá nhân chú đề cao việc các anh ấy tham gia VPF, nhưng chú cũng đồng thời nói rằng: các anh cũng nên bồi dưỡng và tạo cơ hội thể hiện cho các nhân vật trẻ - chúng ta không thiếu những người trẻ có tài.

Một số người ở VFF ôm đồm công việc không phải vì chúng ta không có người để giao việc, vậy họ ôm đồm vì…mục đích vật chất chăng?

Nói thẳng ra, làm mảng thi đấu hay quan hệ quốc tế cũng không loại trừ khả năng có cái này cái kia, nhưng chú không nghĩ các anh ấy tham tiền đâu. Các anh ấy đều có tâm, có nhiệt huyết với bóng đá. Đơn giản chỉ là tư duy quản lý của các anh ấy chưa thật tốt thôi. Có lẽ giao việc cho người khác, các anh ấy thấy “như thế là chưa yên tâm”. Mà Đăng ơi, cái chữ “yên tâm” thì Đăng hiểu rồi, nó vô cùng lắm.

Hiện tại, có dư luận cho rằng sẽ có một vài vị trí chủ lực ở VFF Khoá 7 kiêm nhiệm một lúc hai ba chức vụ, chẳng hạn PCT chuyên môn có thể kiêm luôn vai TTK, chú nghĩ sao?

Chắc chắn là không ổn! Chắc chắn như thế.

Và người ta còn công khai nói rằng, ông chủ tịch VFF Khoá 7 nhiều khả năng sẽ phải làm một vai trò kép: vừa quản lý, vừa điều hành nền bóng đá…

Không nên một chút nào. Bởi sau một thời kỳ nghiên cứu mô hình hoạt động của các kỳ VFF đã qua, kết hợp với kinh nghiệm quản lý xã hội (lập pháp, hành pháp, tư pháp), rồi quản lý doanh nghiệp, và cả mô hình hoạt động của FIFA, AFC, chú đã định ra cơ chế hoạt động hai cấp: cấp quản lý và cấp điều hành, và theo chú đấy là một mô hình lý tưởng nhất. Nếu phá đi mô hình ấy e là lợi bất cập hại.

Người ta vẫn nói, VFF hay bị tác động bởi Ủy ban TDTT (giờ là Tổng cục TDTT). Thời chú làm có chuyện này không?

Hồi ấy quan hệ giữa chú với anh Thái (Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái - PV) là khá tốt, và cá nhân anh Thái chưa bao giờ tác động điều này điều kia lên chú cả. Chính anh Thái đã hết lời vận động chú phải ra tranh cử Khoá 5. Nhưng vấn đề là có nhiều người trong bộ máy VFF vốn là người của ngành thể thao, nên làm gì thì làm họ cũng phải ngó sang Ủy ban. Hình như họ mang tư tưởng: Một ngày nào đó không làm ở VFF thì vẫn có thể rút êm về Ủy ban. Và như thế là chết, vì VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên bộ máy điều hành phải chuyên nghiệp, và phải luôn có những con người dám sống chết hết mình cho nó.

Chú có thể lấy ví dụ cụ thể?

Ví dụ như về VFF là chú lập tức đề nghị phải tăng lương gấp đôi, vì chú nghĩ phải tăng lương anh em mới sống được, và mới bớt tiêu cực đi. Nhưng anh em bảo chú: “Lương của mình đã cao hơn lương bên Ủy ban rồi đấy!”. Trời ơi, chú nói lại ngay: “Lương chúng ta cao hơn lương Ủy ban là bình thường, sao các anh phải sợ?”. Nó cũng giống như ngày trước, chú làm TGĐ VNPT lương của chú cao hơn nhiều so với khi ngồi ghế Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

Lương của VFF được lấy từ các nhà tài trợ, chứ có lấy từ ngân sách đâu mà cứ phải e sợ, ngó trước ngó sau như thế. Xét đi xét lại, cuối cùng Hội đồng lương VFF quyết định tăng lương gấp rưỡi.

Ngoài chuyện người của VFF cứ hay ngó sang Ủy ban, còn những gì từ phía Ủy ban khiến chú không hài lòng không?

Nói thật với cháu, hồi ấy một số nhân vật bên Ủy ban hay có những bình luận trên báo khiến chú không hài lòng, bởi chú nghĩ, họ không đủ tư cách và tầm vóc để đưa ra những bình luận ấy!

Chú cháu mình nhìn lại tất cả những điểm chưa được, chưa hay ở VFF, từ vấn đề tầm vóc xã hội, tư duy quản lý tới việc vẫn có những người hay “ngó trước ngó sau” sang Tổng cục TDTT…xét cho cùng cũng là để rút ra những bài học cho một nhiệm kỳ mới sắp diễn ra. Chú tin là những bài học đó sẽ được tiếp thu không? Và chú có mơ ước điều gì vào nhiệm kỳ này không?

Chú đã nói rồi, chú không muốn nói nhiều, bình luận nhiều về những gì đang diễn ra. Chú chỉ có thể kể lại những gì ở thời của chú mà thôi.

Nhưng chú có thể nói, có thể bày tỏ mơ ước của mình trong tư cách của một người hâm mộ bình thường cơ mà. Cháu nghĩ, một người hâm mộ bình thường luôn có quyền nói lên nguyện vọng, mơ ước của mình trước một kỳ Đại hội của Liên đoàn bóng đá nước mình. Hay là “người hâm mộ” Mai Liêm Trực (chứ không phải ông cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực) đã nguội lửa mất rồi?

(Nghĩ ngợi). Nhìn lại 6 nhiệm kỳ đã qua, chú thấy chưa nhiệm kỳ nào, kể cả nhiệm kỳ của chú, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội. Tất nhiên, cũng phải thấy rằng những đòi của xã hội với bóng đá lớn lắm – không chỉ ở nước mình mà nước nào cũng vậy, và đáp ứng những đòi hỏi ấy là một nhiệm vụ không dễ. Nhưng nếu chúng ta có những nhà quản lý bóng đá có tâm huyết, có tầm vóc, và lại có một cơ chế điều hành thật sự tử tế thì chúng ta có quyền mơ ước chứ.

Chú mơ, kỳ tới VFF sẽ có một vị chủ tịch thực sự có tầm vóc xã hội, để giúp bóng đá nước nhà thoả mãn được những đòi hỏi lớn lao mà xã hội đặt ra cho “đứa con cưng” của mình...!

Theo Phan Đăng
CAND

Theo Đăng lại