Deadline dẫn lời đại diện của gia đình xác nhận, Yvette Mimieux qua đời trong lúc ngủ do nguyên nhân tự nhiên vào sáng thứ Ba (18/1, giờ địa phương). Được biết, bà vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 80 vào ngày 8/1.
Yvette Mimieux sinh năm 1942 tại Los Angeles, California. Cha bà là người Pháp, còn mẹ gốc Mexico. Bà có một anh trai và một em gái.
Bà được biết đến nhiều nhất khi đóng cùng cố tài tử Rod Taylor trong bộ phim “The Time Machine” (Cỗ máy thời gian) năm 1960, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của H.G. Wells. Ngoài ra, người đẹp đình đám một thời còn có những vai diễn đáng chú ý trong các bộ phim điện ảnh khác như “Where the Boys Are,” “Platinum High School,” “The Four Horsemen of the Apocalypse” và “Light in the Piazza”.
Mimieux sau đó đã lấn sân sang lĩnh vực truyền hình. Trong đó, bà đóng vai khách mời trong hai tập của loạt phim “Dr. Kildare” (1961 – 1966). Với bộ phim này, bà đi vào lịch sử khi trở thành nữ diễn viên đầu tiên lộ rốn trên truyền hình Mỹ.
Năm 1974, bà viết kịch bản cho bộ phim kinh dị “Hit Lady” của Aaron Spelling. Bà cũng đảm nhận vai sát thủ cùng tên trong bộ phim của đài ABC. Năm 1976, bà đóng vai chính trong "Jackson County Jail". Phim kể về một phụ nữ ngồi tù oan do bị buộc tội giết một bảo vệ đã hành hung cô. Bộ phim cuối cùng trước khi từ giã sự nghiệp diễn xuất của minh tinh Hollywood là “Lady Boss” vào năm 1992.
Trong suốt sự nghiệp, Mimieux được đề cử ba giải Quả cầu vàng và nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác.
Mimieux trải qua ba cuộc hôn nhân nhưng không có con. Sau khi kết hôn với Evan Harland Engber vào năm 1969 và đạo diễn Stanley Donen năm 1972, bà tìm thấy “bến đỗ cuối cùng” bên Howard F. Ruby. Hai người thành vợ chồng năm 1986 và sống bên nhau đến lúc nữ diễn viên “nhắm mắt xuôi tay”.
Mimieux cực kỳ kín tiếng về đời tư, ngay cả khi đã chết. Theo Deadline, không có thông tin cụ thể nào về tang lễ của bà.
“Tôi không muốn có một cuộc sống hoàn toàn công khai. Khi các tạp chí muốn chụp ảnh tôi làm bánh mì cho chồng, tôi đã nói “không”. Bạn biết đấy, có những bộ lạc ở châu Phi tin rằng, máy ảnh đánh cắp một phần nhỏ linh hồn của người chụp. Theo một cách nào đó, tôi nghĩ điều đó đúng khi cuộc sống riêng tư của bạn lộ ra ở nơi công cộng. Nó lấy đi thứ gì đó khỏi các mối quan hệ của bạn, làm chúng biến mất”, bà chia sẻ năm 1979.